Làm gì để tránh tranh chấp trong hoạt động ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa?

Công ty Luật PLF

(Tài chính) Uỷ thác xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá là hoạt động thường xảy ra tranh chấp giữa bên uỷ thác và bên nhận uỷ thác. Doanh nghiệp cần lưu ý khi thoả thuận hợp đồng, lựa chọn đối tác và một số trường hợp phát sinh để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hoạt động ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa (sau đây gọi tắt là ủy thác xuất nhập khẩu) được điều chỉnh bởi Luật Thương mại.

Trong các vụ việc tranh chấp PLF tiếp nhận gần đây, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp thường gặp phải những vấn đề khá cơ bản do không thoả thuận trong hợp đồng, thoả thuận không đầy đủ hoặc không phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế:

- Các bên thực hiện hoạt động ủy thác xuất nhập khẩu mà không lập hợp đồng bằng văn bản (hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương) mà chỉ thỏa thuận bằng miệng.

- Hợp đồng được ký kết bởi những người không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Không quy định trách nhiệm bồi thường, khắc phục hậu quả, thời gian và phương thức bồi thường trong hợp đồng.

- Không có cơ chế giải quyết khi hàng hoá vướng phải các vấn đề về thủ tục hải quan.

- Xử lý hàng hóa không được tiếp nhận: Pháp luật không có quy định về trường hợp bên ủy thác không tiếp nhận hàng hóa mặc dù bên nhận ủy thác đã hoàn thành nghĩa vụ trong hợp đồng. Vì vậy, các bên nên thỏa thuận chi tiết về nghĩa vụ nhận hàng, trách nhiệm của hai bên và hướng xử lý đối với trường hợp này.

- Quyền và nghĩa vụ của mỗi bên khi có tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng và lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần lưu ý các vấn đề sau khi uỷ thác và nhận uỷ thác:

Chủ thể thực hiện ủy thác và nhận ủy thác: Việc ủy thác và nhận ủy thác xuất nhập khẩu được thực hiện giữa các thương nhân với nhau. Các tổ chức, cá nhân Việt Nam không phải thương nhân, trên cơ sở hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật, được ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phục vụ nhu cầu của tổ chức, cá nhân đó.

Hàng hóa ủy thác: tất cả các hàng hóa lưu thông hợp pháp đều có thể là đối tượng, trừ hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp ủy thác hoặc doanh nghiệp nhận ủy thác phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu trước khi ký hợp đồng ủy thác hoặc nhận ủy thác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép.

Hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu: Việc ủy thác xuất nhập khẩu phải được lập thành văn bản.