Lạm phát Mỹ cao nhất 3 thập kỷ
Lạm phát tháng 9 của Mỹ cao nhất trong hơn 30 năm qua dù thu nhập cá nhân giảm, Bộ Thương mại Mỹ cho biết hôm thứ Sáu.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9, trong đó có thực phẩm và năng lượng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 1/1991. Loại bỏ thực phẩm và năng lượng, chỉ số là 0,2% như ước tính của Dow Jones.
Lạm phát tiếp tục tăng vọt, trong khi thu nhập cá nhân giảm 1%, giảm nhiều hơn mức dự báo, 0,4%. Chi tiêu của người tiêu dùng tăng 0,6%, đúng như ước tính của Phố Wall.
Lạm phát được thúc đẩy bởi giá năng lượng tăng 24,9% và thực phẩm tăng 4,1%. Giá dịch vụ tăng 6,4% và giá hàng hóa tăng 5,9%.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang đối mặt với tình trạng giá cả cao hơn và tăng trưởng thấp đi. GDP chỉ tăng 2% trong quý 3, mức thấp nhất kể từ khi phục hồi kinh tế bắt đầu vào tháng 4/2020 - sự phục hồi từ đợt suy thoái ngắn nhất nhưng sâu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng và sự giảm tốc rõ rệt trong chi tiêu của người tiêu dùng được cho là các lý do chính.
Tiền lương và tiền công tăng 4,6%, so với mức 2,7% tháng 9/2020.
Thứ Sáu, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, cựu chủ tịch Fed, cho biết bà hy vọng lạm phát cao sẽ “tan”, mặc dù bà và các quan chức khác thừa nhận nó tồn tại dai dẳng và lâu hơn dự kiến.
Yellen nói với CNBC từ Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Rome: “Lạm phát vẫn ở mức cao và sẽ tiếp tục cao trong một thời gian chỉ đơn giản bởi những gì đã xảy ra trong những tháng đầu năm. Nhưng tôi tin rằng chỉ số giá tiêu dùng tháng sẽ giảm trong nửa cuối năm nay. Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy lạm phát trở lại mức gần 2%”.
Yellen lưu ý rằng người tiêu dùng có mức tiết kiệm và tiền mặt cao, sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.
Tỷ lệ tiết kiệm trong tháng 9 là 7,5%, tương đương 1,34 nghìn tỷ USD, giảm so với tỷ lệ 9,2% trong tháng 8 và là mức thấp nhất tính theo tháng kể từ tháng 12/2019.