Lạm phát ở Eurozone cao kỷ lục
Lạm phát ở 19 quốc gia sử dụng đồng Euro đạt mức kỷ lục do chi phí thực phẩm và năng lượng tăng cao. Lạm phát đã nổi lên như một trong những vấn đề chính mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế Liên minh châu Âu (EU) đang phải vật lộn đối phó.
Số liệu công bố ngày 7/1/2022 của Eurostat - Văn phòng thống kê của EU cho thấy, giá tiêu dùng tại khu vực đồng Euro, bao gồm các nền kinh tế thuộc EU như Pháp và Đức, đã tăng 5% trong tháng 12 so với năm trước. Giá năng lượng dẫn đầu mức tăng, tăng 26% trong năm 2021, thấp hơn một chút so với tháng trước. Giá thực phẩm đã tăng lên 3,2%, từ mức 2,2% của tháng 11 và giá hàng hóa tăng 2,9%.
Tuy nhiên, mức tăng giá dịch vụ giảm xuống 2,4%, cho thấy biến thể Omicron của COVID-19 đã hạn chế nhu cầu đi du lịch vào kỳ nghỉ. Sau khi loại bỏ các mặt hàng có khả năng biến động như thực phẩm và năng lượng, tỷ lệ lạm phát cốt lõi của khu vực đồng Euro đã giữ ổn định ở mức 2,6%.
Lạm phát nổi lên thành vấn đề chính
Lạm phát được công bố gần đây nhất của EU đã phá vỡ kỷ lục 4,9% được thiết lập vào tháng 11/2021và đánh dấu mức lạm phát cao nhất kể từ khi giữ kỷ lục cho đồng tiền chung Euro bắt đầu vào năm 1997.
Điều đó có nghĩa là mọi thứ, từ thực phẩm ở cửa hàng tạp hóa đến mua sắm và nhiên liệu đang tốn nhiều tiền hơn khi sự phục hồi kinh tế từ đại dịch đã làm tăng nhu cầu năng lượng và làm rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các số liệu về giá cả nhấn mạnh cách lạm phát đã nổi lên như một trong những vấn đề chính mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế đang phải vật lộn. Nó tạo áp lực buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu phải hành động chống lạm phát vì họ đang giữ lãi suất ở mức cực thấp để kích thích kinh tế đang phục hồi sau đại dịch.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã buộc các nhà quản lý phải suy nghĩ lại về bất kỳ quyết định nào có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và các nhà phân tích không hy vọng Ngân hàng châu Âu sẽ tăng lãi suất cho đến năm 2023.
Lạm phát không chỉ là vấn đề của EU. Giá tiêu dùng ở Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 39 năm và ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ ở Anh. Lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đã chạm ngưỡng 36% vào tháng trước - mức cao nhất trong 19 năm - và Brazil đã chứng kiến tốc độ tăng lên hơn 10%, tốc độ nhanh nhất trong 18 năm.
Lạm phát cơ bản sẽ giảm bớt nhưng vẫn ở mức hoặc trên 2% trong năm nay?
Một số nhà kinh tế cho rằng lạm phát trong khu vực đồng Euro sẽ sớm đạt đỉnh, nếu nó chưa đạt đến đỉnh điểm. Một yếu tố lớn là giá khí đốt tự nhiên, “đã biến động mạnh trong những tuần gần đây và là động lực chi phối của sự gia tăng lạm phát gần đây”, Bert Colijn, nhà kinh tế cấp cao tại ING Bank, cho biết trong một báo cáo.
Ông nói: Giá khí đốt tự nhiên và dầu trên thị trường kỳ hạn cho thấy lạm phát năng lượng có thể đạt đỉnh và sẽ giảm bớt. Ông và các nhà kinh tế khác dự đoán rằng lạm phát cơ bản sẽ giảm bớt nhưng vẫn ở mức hoặc trên 2% trong năm nay, tạo cho Ngân hàng Trung ương châu Âu một dư địa khi đưa ra quyết định về lãi suất.
Ngân hàng Trung ương các nước đang hành động
Mặc dù Omicron đang lan mạnh và những ảnh hưởng không chắc chắn của nó đối với nền kinh tế toàn cầu, các ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất để chống lại lạm phát tăng vọt hoặc thực hiện các bước theo hướng đó.
Ngân hàng Trung ương Anh tháng trước đã trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên trong một nền kinh tế lớn tăng lãi suất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã thực hiện một cách tiếp cận thận trọng hơn nhiều nhưng cũng quyết định bắt đầu thận trọng quay trở lại một số nỗ lực kích thích của mình trong năm tới.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đang nhanh hơn châu Âu để thắt chặt tín dụng khi giá tiêu dùng tăng 6,8% trong năm qua vào tháng 11.