Lạm phát tại Mỹ tăng vượt mọi kỳ vọng lên cao nhất trong hơn 40 năm

Theo Trung Mến/bizlive.vn

Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang dịu đi bởi lạm phát tháng 3/2022 chỉ tăng 0,3% so với tháng liền trước, thấp hơn mức tăng 0,5% theo tính toán trước đó.

Ảnh: WSJ
Ảnh: WSJ

Giá cả hàng hóa tiêu dùng hàng ngày tại Mỹ trong tháng 3/2022 tăng vọt lên ngưỡng cao nhất tính từ những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Ronald Reagon đầu thập niên 1980, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Ba.

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số đo lường giá cả của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Mức tăng của chỉ số như vậy cao hơn chút so với kỳ vọng của các chuyên gia trên phố Wall là 8,4%.

Loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số CPI lõi tăng 6,5% so với cùng kỳ năm, đúng với kỳ vọng của các chuyên gia. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang dịu đi bởi lạm phát tháng 3/2022 chỉ tăng 0,3% so với tháng liền trước, thấp hơn mức tăng 0,5% theo tính toán trước đó. Thực tế này khiến nhiều người hy vọng vào khả năng lạm phát sẽ hạ nhiệt và nhiều khả năng đã lập đỉnh trong tháng 3/2022.

Thị trường phản ứng tích cực với thông tin này khi mà thị trường chứng khoán tăng điểm và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hạ nhiệt.

Chuyên gia kinh tế cao cấp chuyên nghiên cứu về Mỹ tại Capital Economics, ông Andrew Hunter, nhận xét: “Thông tin quan trọng trong báo cáo lạm phát tháng 3/2022 chính là áp lực của chỉ số giá cả tiêu dùng lõi cuối cùng cũng đang hạ nhiệt. Tháng 3 sẽ đánh dấu cho khoảng thời gian lạm phát lập đỉnh bởi so sánh với mức cùng kỳ năm đã hạ nhiệt và giá năng lượng đi xuống”.

Thống đốc tại Fed, bà Lael Brainard, nói rằng việc chỉ số CPI lõi tăng chững lại có thể coi như diễn biến đáng lưu tâm trong nỗ lực kiềm chế lạm phát: “Tôi sẽ chờ xem liệu chúng ta có tiếp tục chứng kiến lạm phát hạ nhiệt trong những tháng tới hay không”.

Số liệu mới nhất phản ánh cho mức tăng giá cả tại Mỹ cao chưa từng thấy tính từ những ngày lạm phát đình đốn cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980. Mức lạm phát của tháng 3/2022 thực chất cao nhất tính từ tháng 12/1981. Lạm phát lõi hiện ở mức cao nhất tính từ tháng 8/1982.

Do lạm phát leo thang, mức lương của người lao động, dù đã được điều chỉnh tăng trung bình 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Mức lương tính trung bình theo giờ hạ nhẹ 0,8% so với tháng liền trước, theo thống kê của Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Việc mức lương không theo kịp chi phí sẽ có thể khiến cho áp lực lạm phát leo thang.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại Fitch Ratings, ông Brian Coulton, nhận xét chỉ số theo dõi mức lương của Fed tại Atlanta trong tháng 3/2022 cho thấy mức tăng 6%, như vậy áp lực lạm phát sẽ vẫn tiếp tục mở rộng hơn. Ông Coulton chỉ ra rằng sự suy giảm của lạm phát lõi có nguyên nhân trực tiếp từ việc giá ô tô đi xuống còn nhiều loại giá khác vẫn tiếp tục tăng.

Chi phí nhà ở, vốn chiếm khoảng 1/3 tổng CPI, tăng thêm 0,5% trong tháng và trong 12 tháng qua đã tăng đến 5%, ngưỡng cao nhất tính từ tháng 5/1991.

Để ứng phó với lạm phát, Fed đã bắt đầu nâng lãi suất cơ bản đồng USD và dự kiến sẽ tiếp tục làm như vậy trong suốt khoảng thời gian còn lại của năm cũng như trong năm 2023. Lần gần nhất giá cả nâng cao lên ngưỡng này, Fed đã từng nâng lãi suất lên mức 20%, kéo nền kinh tế và suy thoái và giảm phát.

Tuy nhiên, lần này các chuyên gia kinh tế không dự báo về khả năng sẽ có suy thoái kinh tế dù rằng nhiều chuyên gia trên phố Wall đang nói đến khả năng sẽ có suy thoái kinh tế.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics, ông Ian Shepherdson, nhận xét: “Nhìn chung, báo cáo mới rất đáng khích lệ, thế nhưng hiện tại vẫn còn quá sớm để có thể chắc chắn rằng các báo cáo lạm phát khác sẽ vẫn lạc quan như vậy bởi cần phải xét đến hướng diễn biến của giá các phương tiện đi lại đã qua sử dụng”.