Lạm phát thấp đã hỗ trợ tỷ giá không biến động mạnh

Theo Lan Anh/bizlive.vn

Kết thúc năm 2018, tỷ giá trung tâm đã tăng 1,5%, tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại tăng 2,8%, tỷ giá thị trường tự do tăng 3,5%.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại Hội thảo về kinh tế vĩ mô 2019 do trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh (BUH) tổ chức, đại diện nhóm nghiên cứu của BUH, PGS. TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng, cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng khá mạnh trong thời gian gần đây và đạt mức kỷ lục 64 tỷ USD. Tuy nhiên, sự gia tăng ngoại hối không tạo ra áp lực lạm phát.

Trước đây, khi dòng vốn quốc tế chảy vào gia tăng mạnh sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hoạt động mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã góp phần tạo ra áp lực lạm phát do tính hiệu quả của hoạt động can thiệp trung hoà thấp.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2018, NHNN đã áp dụng cách thức tiếp cận mới trong nghiệp vụ mua bán ngoại tệ để gia tăng dự trữ, kèm với khả năng trung hoà lượng tiền lưu thông một cách linh hoạt.

Trước đây, giao dịch ngoại hối giao ngay là hình thức chủ yếu trong nghiệp vụ mua vào ngoại tệ, nay NHNN sử dụng giao dịch kỳ hạn khá linh hoạt với các ngân hàng thương mại, góp phần điều chỉnh thời điểm cũng như quy mô bơm tiền vào hệ thống. Trong khi đó, khả năng hút tiền từ lưu thông về thông qua thị trường mở tốt hơn.

Hiện tại, VND đang được định giá sát với giá trị thực. Về mức độ phù hợp của tỷ giá, sử dụng phương pháp cân bằng vĩ mô do IMF nghiên cứu và phát triển, nhóm nghiên cứu ước tính mức tỷ giá thực đa phương (REER) của Việt Nam đến thời điểm gần nhất ở mức tương đối cân bằng trong quan hệ nội tại với nước ngoài của nền kinh tế.

Xét về mức dự trữ ngoại hối nhà nước theo tiêu chuẩn của IMF, mức dự trữ ngoại hối trên 03 tháng nhập khẩu là an toàn. Có thể xếp mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam là đủ đáp ứng yêu cầu.

Theo nhóm nghiên cứu, Việt Nam đang ở mức tỷ giá cân bằng, kinh tế không tăng trưởng nóng và dự trữ ngoại hối còn cần phải tiếp tục bổ sung. Như vậy, Việt Nam nên tiếp tục các biện pháp khuyến khích mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước nhưng không cần trung hoà hết nhằm tạo thanh khoản, giúp hạ mặt bằng lãi suất, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Điều này đã đóng góp tích cực cho việc ổn định thị trường ngoại hối, kiểm soát lạm phát trong khi vẫn hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng.

Trong năm 2018, NHNN đã mua được khá lớn ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối. Tỷ giá mua vào – bán ra của nhiều ngân hàng thuơng mại cao hơn tỷ giá trung tâm công bố từ NHNN trong khoảng 1,5-2%. Tỷ giá trên thị trường tự do bám khá sát tỷ giá của các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, NHNN đã khá vất vả để can thiệp thị trường ngoại hối với 3,7 tỷ USD bơm ra thị trường để chặn áp lực tăng tỷ giá USD khi các ngân hàng thương mại liên tục niêm yết tỷ giá gần hết biên độ +/-3% cho phép. NHNN cũng đã phải liên tục tăng tỷ giá trung tâm để theo kịp với áp lực tăng cầu ngoại tệ trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, nửa cuối năm, xuất khẩu tăng trưởng chậm hơn so với nhập khẩu, khiến cán cân thương mại thâm hụt 1,58 tỷ USD trong quý IV/2018, gây áp lực lên cung – cầu ngoại tệ trong nước. Ngoài ra, khu vực tư nhân phát sinh nhu cầu mua ngoại tệ để trả nợ nước ngoài và đã được đáp ứng kịp thời từ lượng vốn FDI tiếp tục được giải ngân với 6,44 tỷ USD, vốn FII chảy vào với 3,62 tỷ USD. Chính vì vậy, tỷ giá không thay đổi quá nhiều.

Tính cả năm 2018, tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,5%, nhưng tỷ giá thương mại tại các ngân hàng thương mại tăng mạnh tới 2,8% và tỷ giá thị trường tự do khoảng 3,5%.

Trong một nghiên cứu khác của GS. Trần Ngọc Thơ, trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa lạm phát – tỷ giá, lạm phát tăng cao cũng bị tác động mạnh từ sự tăng lên của tỷ giá và ngược lại. Do đó, lạm phát liên tục giảm tốc trong các năm qua đã hỗ trợ đắc lực”cho kiểm soát biến động tỷ giá khi lạm phát năm 2015 ở mức 0,63%, năm 2016 là 2,66%, năm 2017 ở mức 3,53% và năm 2018 ở mức 3,54%.

Ông Trần Ngọc Thơ cũng nhấn mạnh thị trường ngoại tệ năm 2018 tuy có nhiều “rung, lắc” ở nhiều thời điểm khác nhau, nhưng tới thời điểm cuối năm, VND đã bắt đầu lên giá so với USD.

Trước đó, dòng vốn trên thị trường bị găm giữ suốt từ tháng 6 đến tháng 12 do các tổ chức và cá nhân không bán USD cho ngân hàng (tức chỉ giữ USD trên tài khoản). Tuy nhiên, khi nhận thấy kinh tế chung khá ổn định và vững vàng trước nhiều biến động cả trong và ngoài nước, người găm USD đã quyết định bán lượng tiền này ra để có thể nhận VND với lãi suất cao hơn rất nhiều lần.

TS. Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, cho rằng: “Dự trữ ngoại hối sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Áp lực tỷ giá do đó cũng sẽ giảm đi trong năm 2019”.
Trong một khảo sát của NHNN thực hiện đối với 28 tổ chức tín dụng (TCTD) cho thấy hầu hết các TCTD tin rằng năm 2019 tỷ giá sẽ đi xuống.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tới bối cảnh mặt bằng lãi suất cả trong khu vực và trên thế giới đều đang tăng lên theo đà điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).