Làm sao để doanh nghiệp được ngân hàng tin cậy?
(Tài chính) Đại diện các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong Câu lạc bộ Doanh nghiệp 2030, thuộc Saigon Times Club đã bày tỏ băn khoăn và được chia sẻ cách tiếp cận vốn vay của ngân hàng trong bàn tròn doanh nghiệp "Khó khăn vốn vay" được tổ chức ngày 24-4, tại trụ sở Saigon Times Group.
Các doanh nghiệp đặt ra thắc mắc, rõ ràng các ngân hàng đang thừa tiền, nhưng doanh nghiệp, đặc biệt rất đông các doanh nghiệp nhỏ, tên tuổi còn khiêm tốn thì lại chật vật vì đói vốn. Tại sao không gỡ nổi mắt xích bị kẹt này?
Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Chi nhánh Nguyễn Trãi, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank), là bởi ngân hàng và doanh nghiệp còn lệch pha nhau nhiều quá.
Thứ nhất, ngân hàng khi quyết định giải ngân cho vay với một doanh nghiệp nhỏ, chưa có tên tuổi thì luôn có cách nhìn riêng của mình, chứ không chỉ phụ thuộc vào báo cáo tài chính hay đề án doanh nghiệp đưa ra. Nhưng doanh nghiệp thì nghĩ chỉ cần có phương án kinh doanh tốt, hấp dẫn là đủ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tìm cách cho ngân hàng xem bảng báo cáo tài chính với toàn con số đẹp, hấp dẫn.
Nhưng với ngân hàng, điều đó là không đủ. Ông Hà nói rằng ngân hàng hiểu các doanh nghiệp có ít nhất hai bản báo cáo tài chính, thậm chí nhiều hơn, một trình cho ngân hàng, một trình cho cơ quan thuế, rồi trình cho cổ đông, cho cơ quan quản lý… nên việc nhiều doanh nghiệp đưa cho ngân hàng bản báo cáo tài chính “lộng lẫy” là "không ăn thua".
Thứ hai, ngân hàng khi xét duyệt một phương án kinh doanh để cho một doanh nghiệp vay không chỉ nhìn vào sự tròn trịa của những con số. “Chúng tôi nhìn vào ngành kinh doanh đó, vào vị trí và định vị của các doanh nghiệp trong ngành, nhìn vào quan điểm của những người đứng đầu, cách hành xử và cư xử, suy nghĩ của người điều hành doanh nghiệp. Nói thẳng ra, đó là thương hiệu cá nhân của người điều hành, để tự hỏi mình liệu người đó có đưa doanh nghiệp đi tới được hay không”, ông Hà cho biết. “Ngân hàng còn nhìn vào cách doanh nghiệp cấu trúc tài chính, cách ứng xử khi có tình huống xảy đến, cách doanh nghiệp đưa ra giải pháp vốn ngắn trung và dài hạn cho hợp lý và không mất cân đối trong sử dụng vốn”.
Nhưng ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần may Sơn Việt, băn khoăn: “Tôi làm ăn đàng hoàng, đi vay vốn với thiện chí nhưng bao giờ ngân hàng cũng hỏi câu đầu tiên “Tài sản thế chấp đâu?”. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có bao nhiêu vốn, tài sản là đầu tư vào công ty. Nhiều người phải dùng tài sản cá nhân và tài sản gia đình để bảo lãnh vay vốn của ngân hàng”.
Ông Xuân Anh nói doanh nghiệp không khi nào thoát khỏi lưới bủa vây về tài sản đảm bảo của ngân hàng. Mà thế chấp máy móc, nhà xưởng ‘ổng” còn không chịu, đòi thêm tài sản riêng của ông chủ doanh nghiệp mới tin. Bên cạnh đó, ngân hàng nào cũng rêu rao lãi suất rẻ, nhưng để doanh nghiệp tiếp cận được lãi suất ưu đãi là cả một vấn đề. Các ngân hàng đưa ra một loạt điều kiện nhưng trong 10 điều kiện thì chỉ có 2 điều kiện doanh nghiệp có thể đáp ứng. “Chúng tôi vẫn nói đùa, nếu vay được thì chỉ có người nhà ông”.
Ông Xuân Anh cũng cho rằng giải quyết vấn đề hai sổ sách, vấn đề hóa đơn chứng từ rất khó với doanh nghiệp nhỏ; bởi thực tế trên thị trường mua nguyên liệu đầu vào có hóa đơn đắt gấp đôi so với mua không có hóa đơn, doanh nghiệp kinh doanh như thế lấy lời đâu ra? Mà ngân hàng thì đòi phải có hóa đơn chứng từ mới giải ngân.
“Chúng tôi không chỉ nhăm nhe cho vay, thu lãi suất cao và thu lợi mà còn có bộ phận tư vấn kinh doanh, để doanh nghiệp được hỗ trợ, lớn lên cùng ngân hàng, để với con mắt người ngoài cuộc, cán bộ ngân hàng giúp doanh nghiệp chọn phương án có chi phí thấp nhất và đầu ra thu hồi vốn nhanh nhất”, ông Hà giải thích. “Chúng tôi có những chương trình tham vấn, cảnh báo cho doanh nghiệp, giúp công ty tìm những nhà cung ứng giá rẻ, có những công cụ giúp quản lý vốn linh hoạt và hiệu quả”. Ông Hà nói rằng đó là ngân hàng của ngày hôm nay.
Vì thế mà ông Hà cho biết, có những doanh nghiệp mới thành lập, chưa có gì cả, kế hoạch mới nằm trên tờ giấy trắng nhưng ngân hàng vẫn cho vay tín chấp. Đó là nhờ giá trị con người, cách làm ăn bài bản, chiến lược rõ ràng chuyên nghiệp và thuyết phục, suy nghĩ dài hạn và tích cực.
Và ông cũng khuyên các doanh nghiệp, khi làm ăn cần chọn những đối tác uy tín vì ngân hàng cũng nhìn vào đó để cho vay và đánh giá doanh nghiệp. Và bản thân mỗi doanh nghiệp nên mở rộng kênh tìm vốn, từ cộng đồng, từ gia đình bạn bè, từ các quỹ đầu tư… thay vì chỉ dựa vào duy nhất kênh ngân hàng.
“Nếu ngân hàng chỉ nhăm nhăm đòi tài sản thế chấp, cho vay lãi suất cao mặc doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng là tiệm cầm đồ trá hình mà nhà nước cho phép công nhận. Nên chúng tôi rất đau lòng vì quan điểm đó. Chưa khi nào tôi tự nhận mình là tiệm cầm đồ”, ông Hà nói.