Làm sao để thoái hết hơn 16 nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngành?
(Tài chính) Còn khoảng hơn 16 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cần thoái hết theo yêu cầu của Chính phủ từ nay đến hết năm 2015. Cản trở lớn nhất hiện nay là liệu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có quyết tâm muốn làm theo đúng kế hoạch hay không?
Tâm lý sợ trách nhiệm cản trở quá trình thoái vốn
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tính đến cuối tháng 9/2014, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái 3.488 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành, gấp 3,6 lần năm 2013.
Gia tăng thoái vốn, tuy nhiên lũy kế từ năm 2013 đến hết tháng 9/2014, các tập đoàn, tổng công ty cũng mới thoái được 4.453 tỷ đồng tỷ đồng trong tổng giá trị gần 22.000 tỷ đồng các tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư ngoài ngành cần thoái đến hết năm 2015, tỷ lệ hoàn thành tương ứng chỉ mới đạt hơn 20%.
Nguyên nhân tiến độ vẫn chậm và tổng số tiền thu từ thoái vốn còn thấp do phần lớn các khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, một số thua lỗ không bảo toàn được giá trị ban đầu nên DN chưa biết phải xử lý thế nào để thu về phần vốn đã đầu tư theo yêu cầu của Chính phủ.
Trong khi đó, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán và kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các DN cổ phần hóa cũng như thoái vốn đầu tư.
Một nguyên nhân khác, theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, tâm lý e ngại trách nhiệm khi mua vào giá cao, nhưng bán ra giá thấp và công tác tổ chức thực hiện của các DNNN, tập đoàn, tổng công ty cũng khiến việc thoái vốn chưa đạt tiến độ theo yêu cầu.
Bên cạnh các nguyên nhân trên, PGS., TS. Trần Đình Thiên cho rằng, việc thoái vốn diễn ra chậm còn có thể do e ngại tác động về mặt kinh tế và xã hội nếu đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành.
“Lỗ hổng” chính sách đã được lấp đầy
Vậy với khoảng hơn 16 nghìn tỷ đồng đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần thoái hết theo yêu cầu của Chính phủ từ nay đến hết năm 2015 sẽ phải xử lý ra sao?
Theo PGS., TS. Trần Đình Thiên, cản trở lớn nhất trước đây là yêu cầu thoái vốn nhưng “phải bảo toàn phần vốn và tài sản của Nhà nước”. Tuy nhiên, với Nghị quyết 15, đặc biệt là Quyết định 51/2014/NĐ-CP của Chính phủ sẽ có hiệu lực từ 1/11 tới đây, rào cản này đã được tháo gỡ.
Theo đó, Quyết định 51 cho phép phần vốn nhà nước đầu tư tại các công ty tài chính, ngân hàng thương mại cần thoái, DNNN sở hữu hoặc cùng DNNN khác sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên tại các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét tiếp nhận đại diện chủ sở hữu, hoặc chỉ định một hoặc một số ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm ngân hàng thương mại nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc trên 50% vốn điều lệ) mua lại theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với từng trường hợp.
Các trường hợp khác ngoài trường hợp nêu trên, DNNN thực hiện thoái vốn khỏi ngân hàng thương mại, công ty tài chính theo các quy định của pháp luật và phù hợp với quy định về thoái vốn dưới mệnh giá, thoái vốn dưới giá trị sổ sách được nêu trong Quyết định 51.
Việc chuyển nhượng vẫn phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản đối với bên nhận chuyển nhượng về vấn đề sở hữu vốn, năng lực tài chính theo quy định. Trường hợp bán đấu giá không thành công hoặc không bán hết cổ phần, phần vốn nhà nước qua đấu giá thì DNNN đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp nhận đại diện sở hữu hoặc chỉ định ngân hàng thương mại nhà nước mua lại trước khi đề nghị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua.
Bên cạnh đó, Quyết định 51 cũng cho phép DNNN thoái vốn Nhà nước đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng sau khi chuyển nhượng vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách vẫn không bán được hoặc không bán hết, DN báo cáo chủ sở hữu vốn nhà nước đề nghị SCIC xem xét, thỏa thuận mua lại.
Giá SCIC mua lại số cổ phần, phần vốn nhà nước phải đảm bảo không cao hơn giá trị sổ sách kế toán trừ đi dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đã được trích lập đầy đủ theo quy định. Trường hợp không thỏa thuận được với SCIC việc chuyển nhượng số cổ phần, phần vốn nhà nước thì chủ sở hữu vốn nhà nước kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Đối với vốn nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, SCIC căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và nguyên tắc đầu tư vốn quy định tại Nghị định số 151/2013/NĐ-CP để xem xét, quyết định mua lại.
Có quyết tâm mới thành công
“Vấn đề quan trọng nhất là thể chế đã xong, công việc còn lại là tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện cho hiệu quả”, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định. Song các chuyên gia lại cho rằng, chính khâu thực hiện mới là vấn đề khó.
Ngay trong báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cũng đã chỉ rõ, công tác chỉ đạo có ý nghĩa quyết định. Nhưng nhiều nơi chưa quyết liệt, chưa có biện pháp khả thi, chưa kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc.
“Thực tế nơi nào thủ trưởng quan tâm, sâu sát, ráo riết, cụ thể vào cuộc thì nơi đó kết quả khá. Nơi nào khoán trắng cho bên dưới, viện dẫn khó khăn, thiếu quyết liệt, sâu sát thì kết quả kém”, báo cáo của cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quá trình tái cấu trúc DNNN chỉ rõ.
Còn theo PGS., TS. Trần Đình Thiên: “Cản trở lớn nhất hiện nay là liệu DNNN có quyết tâm muốn làm theo đúng kế hoạch hay không?”. Ông Thiên cho rằng, để giải quyết vấn đề này, các DNNN cần lên kế hoạch rõ ràng về quy trình thoái vốn.
Cụ thể, xác định thời điểm nào thì định giá xong, thời điểm nào thì các cơ quan có thẩm quyền phải phê duyệt, thời điểm nào thì đưa ra bán đấu giá, nếu không đấu giá thành công thì phần vốn Nhà nước sẽ chuyển về cho SCIC như thế nào…
“Nên lập một website công khai kế hoạch thoái vốn tại các DNNN. Đây sẽ là cơ sở để người dân theo dõi và giám sát, cũng như chủ động vào việc tham gia đấu giá doanh nghiệp”, ông Thiên đề xuất.