Làn sóng tư nhân thâu tóm doanh nghiệp nhà nước
(Tài chính) Câu chuyện của Kinh Đô không chỉ đánh dấu bước tiến sâu vào lĩnh vực dầu ăn của doanh nghiệp này, mà còn mở ra một xu hướng mới ở các doanh nghiệp Việt: giai đoạn doanh nghiệp tư nhân đi thâu tóm và trở thành ông chủ của các doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước được cổ phần hóa.
Kinh Đô có lẽ là cái tên được nhắc đến nhiều nhất thời gian gần đây khi liên tục công bố chiến lược kinh doanh mới. Chỉ chưa đầy nửa tháng sau khi tổ chức lễ ký kết bán 80% mảng bánh kẹo cho Mondelez (Mỹ) là đại hội cổ đông bất thường. Ít được đề cập hơn, nhưng xen giữa hai diễn biến này là một sự kiện đánh dấu bước đi quan trọng của Kinh Đô: 3 nhân sự của Kinh Đô đã được bầu vào Hội đồng Quản trị Vocarimex. Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Kinh Đô, trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vocarimex trong lần đại hội lần đầu của công ty này.Kinh Đô đã trở thành cổ đông chiến lược của Vocarimex hồi tháng 6.2014, nhưng việc nâng tỉ lệ nắm giữ lên 51% đã thu hút nhiều sự chú ý. Bởi lẽ, không có nhiều doanh nghiệp tư nhân nắm cổ phần chi phối tại một doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước.
Do đó, câu chuyện của Kinh Đô không chỉ đánh dấu bước tiến sâu vào lĩnh vực dầu ăn của doanh nghiệp này, mà còn mở ra một xu hướng mới ở các doanh nghiệp Việt: giai đoạn doanh nghiệp tư nhân đi thâu tóm và trở thành ông chủ của các doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước được cổ phần hóa.
Thực tế cho thấy xu thế này đã bắt đầu xuất hiện nhiều trên thị trường trong thời gian gần đây. Chẳng hạn như trường hợp Công ty Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc thâu tóm Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 (Cienco 4).
Cụ thể, hồi cuối tháng 11.2014, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đã thông báo việc 21 triệu cổ phần của Cienco 4 do Nhà nước nắm giữ đã được bán thành công cho Công ty Tuấn Lộc với giá 14.062 đồng/cổ phần. SHS là đơn vị thực hiện dịch vụ tư vấn thoái vốn và chào bán cổ phần nhà nước tại Cienco 4. Lượng cổ phần này tương đương 35% vốn điều lệ của Cienco 4 (600 tỉ đồng). Như vậy, với 35% cổ phần vừa mua cộng với 16,5% cổ phần đã nắm giữ trước đó, Tuấn Lộc đã giành được quyền chi phối tại Cienco 4.
Công ty Tuấn Lộc (TP. Hồ Chí Minh) do ông Trần Tuấn Lộc, một doanh nhân trẻ thuộc thế hệ 8X, quê ở Nam Đàn, Nghệ An, làm Chủ tịch. Theo thông tin trên website công ty này, Tuấn Lộc được thành lập năm 2005, từng trúng thầu thi công các công trình cầu vượt sông lớn như cầu Sài Gòn 2, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Một doanh nghiệp tư nhân khác - Novaland - cũng trở thành ông chủ mới của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Cảng sông TP.HCM (Casoco). Novaland đã đấu giá thành công phần lớn cổ phần của công ty này trong phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) do Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM tổ chức vào đầu tháng 12.
Theo đó, toàn bộ số cổ phần tương đương 25,4% vốn điều lệ của Casoco đã được bán hết. Có 17 nhà đầu tư đã trúng giá (3 tổ chức và 14 cá nhân). Trong đó, có 1 nhà đầu tư đặt mua 7,54 triệu cổ phần, tương đương 90% lượng đấu giá. Theo chia sẻ của một lãnh đạo Casoco trên báo chí, 3 nhà đầu tư tổ chức trúng đấu giá đều liên quan đến công ty bất động sản Novaland.
Bên cạnh đấu giá, Casoco sẽ bán 25,4% cổ phần cho cổ đông chiến lược Novaland. Như vậy, cộng với lượng cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, nhóm Novaland sẽ nắm giữ trên 50% cổ phần của Casoco.
Theo ông Trần Vinh Dự, Giám đốc Công ty Tư vấn TNK Capital Partners, doanh nghiệp tư nhân đi thâu tóm các doanh nghiệp có vốn nhà nước đều có mục đích. Mục đích đó có thể là họ muốn bước chân vào những ngành nghề mới, hoặc thâm nhập vào thị trường mới, hoặc những mắt xích mới trong chuỗi sản xuất và cung ứng.
Rõ ràng, việc nắm cổ phần chi phối Vocarimex sẽ giúp Kinh Đô đứng đầu thị trường dầu ăn một cách nhanh chóng với các nhãn hàng đã quá quen thuộc của Vocarimex như Cái Lân, Tường An, Golden Hope, Tân Bình. Ðây là các thương hiệu lần lượt chiếm 4 vị trí cao nhất về thị phần dầu ăn.
Trong khi đó, với Tuấn Lộc, việc nắm quyền kiểm soát Cienco 4 sẽ đưa Tuấn Lộc trở thành một doanh nghiệp có vị thế lớn trong lĩnh vực xây dựng cầu, đường, hạ tầng giao thông.
Không cùng lĩnh vực kinh doanh, nhưng ở câu chuyện của Novaland, việc mua và muốn nắm cổ phần chi phối của Casoco được cho là vì quỹ đất mà công ty này đang nắm giữ. Hiện Casoco đang được thuê dài hạn 2 lô đất tại quận 8 đến năm 2051 và năm 2063 với tổng diện tích hơn 60 ha.
Đánh giá về xu hướng doanh nghiệp tư nhân thâu tóm doanh nghiệp có vốn nhà nước, ông Dự cho rằng việc Nhà nước quyết định cổ phần hóa một cách triệt để sẽ giúp cho doanh nghiệp tư nhân có cơ hội thâu tóm trong thời gian tới. Tuy nhiên, cơ hội này sẽ không nhiều. “Những doanh nghiệp nhà nước có mô hình kinh doanh tốt thì Nhà nước vẫn không chịu buông. Trong khi các doanh nghiệp được buông ra lại là những cục xương”, ông nói.
Thực tế cho thấy những doanh nghiệp tốt như Vocarimex hay Cienco 4 là không nhiều. Lấy ví dụ việc cổ phần hóa ở các doanh nghiệp xây dựng thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Kể từ đầu năm 2014, hàng loạt tổng công ty lớn ngành giao thông đã tiến hành bán đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng, nhưng chỉ có một số doanh nghiệp như Cienco 4 hay Cienco 1 là thành công. Đây có lẽ cũng là lý do khiến cho việc thâu tóm các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn rất ít.
Trong một cuộc khảo sát của nhóm thực hiện diễn đàn M&A 2014 về việc đâu là những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của một thương vụ cổ phần hóa, câu trả lời là vấn đề tỉ lệ sở hữu nhà nước (chiếm tới 72,12% ý kiến khảo sát). Theo đó, nếu tỉ lệ sở hữu nhà nước quá cao sẽ dẫn đến sự kém hấp dẫn cho các hoạt động IPO và M&A.
Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu năm 2014, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng bày tỏ lo ngại, nếu Nhà nước cứ giữ 51% cổ phần trong nhiều doanh nghiệp khi cổ phần hóa, người mua sẽ không thể xác định được quyền lực của họ khi tham gia cuộc chơi này. Điều này sẽ ảnh hưởng đến không chỉ tốc độ cổ phần hóa, mà cả chất lượng hoạt động của chính doanh nghiệp.