Lan tỏa hương vị chè La Bằng
Nằm ở sườn đông dãy Tam Đảo hùng vĩ, khí hậu trong lành, đất đai màu mỡ, xã La Bằng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) có chín xóm với đồng bào tám dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Được thiên nhiên ưu đãi cùng với tâm huyết của người trồng chè đã dần tạo nên thương hiệu chè La Bằng nức tiếng gần xa.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Thái Nguyên, xã La Bằng có một sản phẩm chè được công nhận 4 sao, hai sản phẩm chè được công nhận 3 sao; thương hiệu chè La Bằng được đăng ký nhãn hiệu. Tổng diện tích trồng chè ở xã La Bằng là hơn 300 ha.
Để nâng cao chất lượng chè, việc liên kết, hợp tác sản xuất trên địa bàn được đẩy mạnh, với 10 làng nghề sản xuất chè truyền thống và hợp tác xã sản xuất chè. Nhận thức rõ cần liên kết, thống nhất quản lý quy trình sản xuất chè sạch, chất lượng, sản xuất theo chuỗi giá trị, cách đây 15 năm, Hợp tác xã chè La Bằng ở xóm Đồng Tiến được thành lập, là mô hình hợp tác xã kiểu mới được hình thành sớm nhất trên địa bàn huyện Đại Từ.
Được sự hỗ trợ của tỉnh Thái Nguyên và huyện Đại Từ về kỹ thuật, máy móc chế biến, với gần 20 thành viên và hàng trăm hộ liên kết sản xuất với diện tích khoảng 70 ha. Năm 2017, sản phẩm trà của Hợp tác xã chè La Bằng được chế biến theo quy chuẩn VietGAP đã được lựa chọn làm quà tặng cho đại biểu quốc tế dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.
Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng Nguyễn Thị Hải cho biết: “Hợp tác xã chè La Bằng tiên phong ở địa phương trong việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại sản phẩm chè La Bằng đã có vị thế trên thị trường, khẳng định qua sản lượng tiêu thụ và giá bán sản phẩm, loại chè cao cấp có giá từ bốn đến năm triệu đồng/kg. Với giá trị bình quân, mỗi héc-ta chè ở La Bằng cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm”.
Từ năm 2020, xã La Bằng được tỉnh Thái Nguyên chọn thực hiện chương trình chuyển đổi số, nhận thức của người dân về thương mại điện tử tăng lên, làm cho thương hiệu chè La Bằng ngày càng được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến, lan tỏa rộng trong xã hội nhờ quảng bá trên internet. Sản xuất chè đã góp phần quan trọng mang lại thu nhập cho người dân ở La Bằng đạt 50 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,7%. La Bằng đã trở thành xã nông thôn mới, trong đó xóm Đồng Tiến trở thành xóm nông thôn mới kiểu mẫu.