Lãng phí trong các dự án tái định cư ở Ngân Sơn

Theo Báo Nhân dân

Những năm gần đây, huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn) được Nhà nước đầu tư xây dựng nhiều dự án tái định cư để ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở, di dân giải phóng mặt bằng... Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều không đạt mục tiêu đề ra, đời sống nhân dân vẫn không được cải thiện, gây lãng phí lớn nguồn vốn đầu tư.

 Lãng phí trong các dự án tái định cư ở Ngân Sơn
Khu tái định cư Lủng Viền, xã Cốc Ðán, huyện Ngân Sơn quá chật hẹp và thiếu nước sinh hoạt. Nguồn: nhandan.com.vn

Khu tái định cư Pù Pết ở xã Bằng Vân được đầu tư hơn mười tỷ đồng để san gạt đất ở, đất sản xuất, xây dựng công trình cấp điện, nước sinh hoạt, thủy lợi, đường giao thông. Ðầu năm 2008, mười hộ dân sinh sống ở lòng hồ bản Chang dời bỏ nhà cửa, ruộng vườn đã gắn bó từ nhiều đời để chuyển đến khu tái định cư này.

Ban đầu, các hộ đều phấn khởi bởi chỗ ở mới được đầu tư đồng bộ. Nhưng càng về sau, cuộc sống của bà con càng khó khăn. Khu đất ở được san ủi bằng phẳng, mỗi hộ được cấp 300 m2 đất, các hộ dựng nhà san sát nhau như ở phố, làm chuồng nuôi lợn, nuôi gia súc sát nhà, không có chỗ thoát nước, cho nên nước thải và phân lợn chảy lênh láng ra chung quanh, gây ô nhiễm. Ðược đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt mà các hộ phải chịu cảnh thiếu nước thường xuyên, nguyên nhân chủ yếu là do một đoạn đường ống dẫn nước bị vỡ ngay sau khi đưa vào sử dụng.

Mỗi khẩu được cấp 700 m2 đất sản xuất, ban đầu bà con xác định, đất đồi bãi mới san ủi, cho nên phải kiên trì cải tạo vài ba vụ thì sẽ tốt dần lên. Song, cải tạo mãi mà đất ruộng vẫn trơ sỏi đá. Dẫn chúng tôi đi một vòng xem các thửa ruộng, bà con ngao ngán cho biết, chuyển đến đây canh tác đã mấy vụ rồi, vụ nào chúng tôi cũng bền bỉ cải tạo, nhưng toàn là đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi", cằn cỗi thế này, cho nên không cây gì phát triển được.

Gia đình anh Trần Quốc Hoàn có ba khẩu, được cấp 2.100 m2 đất sản xuất lổn nhổn sỏi đá, chai cứng rất khó cày cuốc. Năm đầu anh Hoàn trồng ngô, nhưng chuẩn bị ra bắp thì thiếu nước, cây khô héo, vụ sau xoay sang trồng cây thuốc lá, chăm bón mãi mà cây vẫn còi cọc, không lên được, sau đó héo úa và chết hết.

Chỉ sang đám ruộng bên cạnh, anh Hoàn cho biết: "Ðây là ruộng trồng thuốc lá của gia đình anh Triệu Văn Kết cũng có phát triển được đâu, trong khi cánh đồng bên Bằng Vân, thuốc lá lên xanh tốt, còn đất ở đây chẳng trồng được cây gì có kết quả cả". Hai năm đầu vận động vợ con kiên trì cải tạo, đắp bờ thành hai thửa ruộng để cấy lúa, nhưng anh Kết bảo: "Ðã cấy lúa mà không được thu hoạch, vì thiếu nước và đất cằn cỗi". Có công trình thủy lợi được đầu tư xây mới, nhưng không có nước chảy về, cả khu ruộng hạn hán. Do đó, chuyển đến khu tái định cư ít lâu, có đất ở lòng hồ bản Chang chưa bị ngập, nhiều hộ quay trở về cấy lúa để kiếm cái ăn.

Giữa năm 2009 đến tháng 5-2011, tỉnh Bắc Cạn lại đầu tư hơn 400 triệu đồng để hỗ trợ sản xuất, tập huấn kỹ thuật trồng cây lương thực, xây dựng chuồng và mua cho mỗi hộ bốn con lợn giống. Hầu hết các gia đình ở khu tái định cư Pù Pết không lười nhác, nhưng đều "bó tay" trước đất đai toàn sỏi đá, chỗ ở chật hẹp không sản xuất, chăn nuôi được, không có nước tưới, nước sinh hoạt. Ðến nay, tất cả các hộ đều bỏ về nơi ở cũ là lòng hồ bản Chang, cuộc sống phập phồng theo con nước lên xuống, bỏ lại nhà cửa hoang tàn, Pù Pết trở thành khu tái định cư "vườn không nhà trống".

Ðược đầu tư hơn 19 tỷ đồng, huyện Ngân Sơn vừa hoàn thành việc xây dựng khu tái định cư Nà Cháo để chuyển 30 hộ gia đình có đời sống khó khăn, thiếu đất ở, đất canh tác trên địa bàn xã Cốc Ðán đến sinh sống. Tại khu tái định cư Nà Cháo, mỗi hộ được cấp hơn 200 m2 đất ở và 3.000 m2 đất canh tác. Dự án nêu rõ, phủ lớp đất màu dày 20 cm lên mặt ruộng để tạo điều kiện cho bà con canh tác dễ dàng.

Thực tế tại các thửa ruộng bậc thang trên sườn đồi, bề rộng chỉ một mét, mặt ruộng chai cứng, lổn nhổn toàn sỏi đá. Nước cấp cho sinh hoạt và canh tác chung một đường ống nhỏ, phần đầu mương được xây dựng thấp hơn cuối mương, cho nên nước chảy về khu tái định cư nhỏ giọt. Không biết bà con sẽ xoay xở thế nào trên nền đất ở chật hẹp không thể chăn nuôi, tăng gia được, đất canh tác cằn cỗi như thế rất khó có loại cây gì phát triển được. Trước thực trạng khu tái định cư Nà Cháo, lãnh đạo xã Cốc Ðán cũng thấy ngao ngán, cuộc sống của nhân dân rất khó được cải thiện.

Cũng tại huyện Ngân Sơn, Nhà nước đầu tư 27,9 tỷ đồng xây dựng khu định canh định cư Bản Piêng để ổn định cuộc sống cho 46 hộ dân, trong đó định canh định cư tại chỗ 21 hộ, chuyển 25 hộ dân tộc thiểu số có đời sống bấp bênh đến sinh sống vào năm 2010. Nhưng đến nay, toàn bộ dự án vẫn dang dở và "đắp chiếu".

Cụ thể là, các hạng mục như san gạt đất ở, đường giao thông, điện, nước, khai hoang đất sản xuất chưa được xây dựng, hoặc đang trong tình trạng dở dang. Thế nhưng chủ đầu tư là UBND huyện Ngân Sơn đã "tiêu" hết quá nửa số vốn trong tổng mức đầu tư. Nhìn khu đất mà các hộ dân sẽ chuyển đến làm nhà ở sinh sống lâu dài chúng tôi không khỏi ái ngại. Ðó là khu đất trên sườn đồi, đang san gạt, tạo mặt bằng thì gặp những ghềnh đá lớn ở phía dưới, cho nên phải dừng lại từ năm 2011 đến nay.

Ðiều nan giải nữa là, khi dự án được phê duyệt thì kinh phí dự kiến cho đền bù giải phóng mặt bằng để khai hoang đất canh tác là 1,6 tỷ đồng, do không thực hiện ngay, cho nên đến nay đã đội lên hàng chục tỷ đồng và chưa xác định được nguồn vốn. Ðể hoàn thành dự án này, số vốn đầu tư đội lên rất lớn mà địa phương chưa biết nguồn ở đâu và cũng chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành, nếu không đầu tư tiếp thì hàng chục tỷ đồng của Nhà nước coi như "ném qua cửa sổ".

Số vốn Nhà nước đầu tư cho các dự án định canh định cư trên địa bàn huyện Ngân Sơn là rất lớn, mức đầu tư bình quân lên đến hàng tỷ đồng/hộ. Nếu như thay vì xây dựng các hạng mục để dồn các hộ lại như một dãy phố bằng việc hỗ trợ để các hộ tự tạo, mua đất làm nhà, đất canh tác từ các hộ nhiều đất, sử dụng không hết thì chắc chắn sẽ rất hiệu quả, vốn đầu tư không lớn đến như thế.

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân làm cho các dự án định canh định cư không hiệu quả như nêu trên, gây lãng phí lớn là do chỉ chú trọng việc thực hiện các hạng mục xây dựng cơ bản mà chưa quan tâm thỏa đáng đến chất lượng các hạng mục, sự hài hòa, hợp lý của một dự án tổng thể về định canh định cư là ổn định, cải thiện đời sống và bảo tồn, giữ gìn phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ðề nghị tỉnh Bắc Cạn rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng các hạng mục, các dự án này, xem xét trách nhiệm của các tập thể và cá nhân liên quan nhằm chống lãng phí, nâng cao chất lượng các dự án định canh định cư trên địa bàn huyện Ngân Sơn.