Lãnh đạo Tổng cục Hải quan trả lời về doanh nghiệp ưu tiên

PV. (Tổng hợp)

Để có cái nhìn rõ nét hơn về kết quả thực hiện thí điểm Chương trình DN ưu tiên (DNƯT) trong lĩnh vực hải quan, định hướng triển khai trong thời gian tới và kịp thời giải đáp các vướng mắc liên quan, ngày 30/7/2013, Báo Hải quan tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Làm thế nào để trở thành doanh nghiệp ưu tiên?". Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan đã chủ trì buổi giao lưu trực tuyến này. FinancePlus.vn tổng hợp các ý kiến trả lời để gửi tới bạn đọc.

Nguyễn Nam Hải (Hà Nội):

Doanh nghiệp chúng tôi là DN vừa và nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực dệt may. Xin được hỏi, chúng tôi có thể tham gia chương trình DN ưu tiên của TCHQ được không?

Ông Nguyễn Dương Thái- Phó Tổng cục trưởng TCHQ:

Thông tư 86/2013/TT-BTC ngày 27/6/2013 của Bộ Tài chính quy định về việc áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp đủ điều kiện đã bổ sung loại doanh nghiệp ưu tiên hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giầy.

Do đó DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giầy có kim ngạch xuất khẩu tối thiểu đạt 50 triệu USD/năm, đáp ứng các điều kiện quy định tại Chương II Thông tư 86 thì có thể gửi đơn đến TCHQ (Cục Kiểm tra sau thông quan) để được giải quyết.

Nguyễn Minh Hải (Cà Mau):

DN chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực XNK thuỷ sản, mới thành lập và đi vào hoạt động được gần 2 năm, chúng tôi đáp ứng được tiêu chí về điều kiện kim ngạch XNK. Xin ông cho biết, chúng tôi có thể tham gia chương trình DNUT của TCHQ?

Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục KTSTQ:

Khoản 1 Điều 3 Thông tư 86/2013/TT-BTC ngày 27/6/2013 quy định thời hạn đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật của DN là 24 tháng trở về trước, kể từ ngày TCHQ nhận được văn bản của DN đề nghị được công nhận là DNUT.

Do đó nếu DN đáp ứng các điều kiện quy định tại Chương II Thông tư 86 thì có thể tham gia chương trình này.

Hà Thái Anh (Hà Nội):

Đề nghị ông cho biết những kết quả đáng chú ý trong quá trình triển khai thí điểm chương trình DN ưu tiên thời gian qua?

Ông Nguyễn Dương Thái- Phó Tổng cục trưởng TCHQ:

Sau 2 năm Tổng cục Hải quan triển khai thực hiện chương trình DN ưu tiên đã thu được kết quả đáng khích lệ.

Theo đánh giá của các DN ưu tiên nói riêng và cộng đồng DN nói chung cho thấy, chương trình đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho DN như giảm thời gian, chi phí do được miễn kiểm tra hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa; được vinh danh, uy tín với đối tác. Đối với cơ quan Hải quan cũng có nhiều lợi ích từ việc áp dụng cơ chế quản lý này…

Hoàng Trần Thắng (Đà Nẵng):

Đề nghị ông cho biết thời gian tới chương trình DN ưu tiên sẽ được ngành Hải quan mở rộng như thế nào?

Ông Nguyễn Dương Thái- Phó Tổng cục trưởng TCHQ:

Sau thời gian thực hiện thí điểm chương trình DN ưu tiên trong lĩnh vực hải quan, TCHQ đã đánh giá những lợi ích chương trình này mang lại.

Dự kiến thời gian tới, TCHQ sẽ mở rộng chương trình theo quy định tại Thông tư 86/2013/TT-BTC để nhiều DN có thể tham gia xét. Trước mắt, trong năm 2013, TCHQ sẽ công nhận thêm khoảng 6 đến 8 DN, đưa tổng số DN ưu tiên lên 20 đến 22 DN (hiện tại có 14 DN được TCHQ công nhận là DN ưu tiên).

Hoàng Mạnh Hiển (TP. Hồ Chí Minh):

Xin ông cho biết, vấn đề công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên giữa hải quan các nước, TCHQ triển khai thực hiện ra sao?

Ông Nguyễn Dương Thái- Phó Tổng cục trưởng TCHQ:

Điều kiện tiên quyết để ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên giữa hải quan hai nước là cần có sự tương thích giữa chế độ DN ưu tiên của hải quan hai nước ấy.

Chế độ DN ưu tiên còn rất mới ở Việt Nam. Để hoàn thiện chương trình DN ưu tiên, tiến tới mục đích ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên với các nước khác, cần có các giải pháp hoàn thiện chương trình.

Hiện tại, Tổng cục Hải quan đã triển khai thực hiện từng giải pháp như: Đã đưa chế độ ưu tiên vào Luật (Luật sửa đổi một số điều của Luật Quản lý thuế, đang được đưa vào Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi); mở rộng các đối tượng tham gia chương trình; bước đầu đưa một số nội dung về an ninh an toàn vào chương trình thông qua các tiêu chí về bộ máy kiểm soát nội bộ, cơ chế kiểm soát tài chính. Từ đó đưa chương trình DN ưu tiên của Việt Nam phù hợp hơn với khuyến nghị của WCO, với chương trình AEO của một số nước khác.

Trần Văn Chiến (Hải Dương):

Xin đại diện của Công ty Samsung cho biết, khi tham gia chương trình DN ưu tiên, DN đã nhận được những lợi ích gì từ chương trình này?

Ông Kim Kyong Lae– GĐ Phòng Cải tiến, Công ty Samsung Electronics VN:

Tham gia chương trình DN ưu tiên, DN đã được  giảm thời gian thông quan, miễn kiểm tra hàng hóa. Tiếp theo là được khai tờ khai một lần, giao hàng nhiều lần. Từ đó, giảm chi phí cho DN. Bên cạnh đó, DN được thanh khoản trước, hoàn thuế trước, kiểm tra sau, tạo uy tín cho DN.

Theo Thông tư 86, DN không phải đăng ký định mức, không phải làm thanh khoản. Đây là lợi ích rất lớn đối với DN.

Nguyễn Lan Phương (Hải Phòng):

Xin cho biết, DN ưu tiên sẽ nhận được ưu đãi gì vượt trội so với những DN khác trong giai đoạn thông quan?

Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục KTSTQ:

DN ưu tiên được miễn kiểm tra hồ sơ thực tế hàng hóa, không phải đăng ký định mức, không phải nộp báo cáo thanh khoản. Định kỳ DN nộp báo cáo nhập-xuất-tồn do DN tự xây dựng;

Không kiểm tra sau thông quan tại trụ sở DN, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Trường hợp cơ quan Hải quan phát hiện sai sót thì thông báo để DN kiểm tra làm rõ, giải trình.

DN được khai hải quan một lần;

Được áp dụng chế độ tự thanh khoản;

Không phải nộp tiền chậm nộp; không bị xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp ấn định thuế do mã số hàng hóa đã được cơ quan Hải quan thống nhất trước đó.

Thành Công (Hà Nam):

Đối với một doanh nghiệp hết thời hạn công nhận là DNƯT mà vì lý do nào đó không đề nghị gia hạn ngay thì sẽ thuộc trường hợp đình chỉ áp dụng chế độ ưu tiên (theo khoản 1.3 điều 17). Tuy nhiên sau đó doanh nghiệp lại đề nghị và vẫn đáp ứng được điều kiện xin công nhận mới thì lý do gì lại bị ràng buộc bởi khoản 2 điều 17, tức là 2 năm sau mới được Tổng cục Hải quan tiếp nhận hồ sơ?

Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục KTSTQ:

Đây là cơ chế hợp tác hải quan và DN do vậy hai bên đã cử người chuyên quản để thường xuyên theo dõi hoạt động XNK giúp DN duy trì điều kiện DN ưu tiên.

Do vậy, trước khi hết thời hạn công nhận 60 ngày, thông qua đầu mối chuyên quản giữa hai bên, cơ quan Hải quan sẽ thông báo cho DN để nộp hồ sơ đề nghị gia hạn (trừ trường hợp DN không có yêu cầu tiếp tục được thực hiện chế độ này).

Nếu DN vẫn đáp ứng điều kiện duy trì tuân thủ pháp luật sẽ được cơ quan Hải quan xem xét gia hạn.

Dương Anh Văn (Hà Nội):

Mức kim ngạch xuất khẩu theo Thông tư 86/2013/TT-BTC để đạt là doanh nghiệp ưu tiên loại 2 là 50 triệu USD/năm chỉ phù hợp với rất ít các doanh nghiệp dệt may. Căn cứ để đưa ra con số 50 triệu USD là gì, mức kim ngạch tối thiểu này trong tương lai có thể giảm không?

Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục KTSTQ:

Căn cứ cơ sở dữ liệu XNK của Cục CNTT (Tổng cục Hải quan), năm 2011 và 2012 mức kim ngạch này có khoảng 130 DN.

Quy định như thế này phù hợp với lộ trình định hướng phát triển DN ưu tiên Việt Nam đến năm 2014. Tuy nhiên, mức tối thiểu này có thể xem xét giảm thấp đối với DN vừa và nhỏ, XK nông thủy sản có xuất xứ thuần túy Việt Nam, hoặc chủ yếu được sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước.

Nguyễn Anh ( Anh):

Theo tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu trao đổi dữ liệu điện tử giữa doanh nghiệp và cơ quan Hải quan, cụ thể hạ tầng kỹ thuật cần có là gì?

Ông Trần Quốc Định-Phó Trưởng ban Cải cách hiện đại hóa: 

Tiêu chí hạ tầng kỹ thuật cần có là:
Có hệ thống máy tính; có đường truyền kết nối với hệ thống của cơ quan Hải quan; có hệ thống phần mềm được xây dựng đảm bảo phù hợp với chuẩn dữ liệu do cơ quan Hải quan ban hành và đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ về DN ưu tiên.

Trần Văn Nam (Hải Phòng):

Tổng cục Hải quan có công bố danh sách và thông tin về các DNƯT không?

Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục KTSTQ:

Cơ quan Hải quan không công bố bằng một văn bản chính thức, nhưng thông qua tuyên truyền phổ biến pháp luật về chế độ DN ưu tiên trên trang web của TCHQ, Báo Hải quan điện tử... thì danh sách DN ưu tiên đã được liệt kê. 

Đồng thời DN ưu tiên được cơ quan Hải quan mặc định bằng một mã số riêng để tự động phân luồng ưu tiên trên hệ thống thông quan điện tử.

Trương Xuân Tám (Vũng Tàu):

Sau gần 2 năm được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên (AEO), Liên doanh Việt- Nga Vietsovpetro rất mừng thấy lợi ích lớn nhất của doanh nghiêp AEO là rút ngắn được đáng kể thời gian nhận hàng nhập khẩu, trong đó nhờ có chế độ ân hạn thuế 30 ngày. Tuy nhiên, trong Thông tư 86/2013/TT-BTC đã không còn ghi rõ chế độ ân hạn thuế cho doanh nghiệp AEO, dẫn đến việc phải nộp thuế trước khi nhận hàng, kéo dài thời gian thông quan; mặc dù Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế có quy định chế độ ưu tiên về thuế (tại Khoản 5, Điều 4 chế độ ưu tiên như sau: “5. Áp dụng biện pháp ưu tiên khi thực hiện các thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nếu người nộp thuế đáp ứng đủ các tiêu chí sau: a) Không vi phạm pháp luật về thuế, về hải quan trong hai năm liên tục; b) Thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật; c) Thực hiện thủ tục hải quan, thủ tục thuế điện tử; d) Tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê; đ) Có kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hằng năm theo mức quy định.”) Những điều kiện trên chính là điều kiện của doanh nghiệp AEO. Vậy xin hỏi đồng chí Phó Tổng cục trưởng: Chúng tôi được biết hiện nay Bộ Tài chính đang xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư 194/2010/TT-BTC, liệu Tổng cục Hải quan có báo cáo Bộ Tài chính để có quy định chế độ ưu tiên về thời hạn nộp thuế cho Doanh nghiệp AEO hay không? Đồng chí có đồng ý rằng việc ân hạn thuế đối với Doanh nghiệp AEO là ít rủi ro nhất, vì các doanh nghiệp AEO là các doanh nghiệp đã đạt độ tin cậy cao nhất của cơ quan Hải quan?

Ông Nguyễn Dương Thái- Phó Tổng cục trưởng TCHQ:

Chế độ ưu tiên với DN đủ điều kiện đã được quy định tại Thông tư 86/2013/TT-BTC. Chúng tôi đồng tình DN được công nhận là DNƯT theo điều kiện của Thông tư là DN có độ tin cậy cao, có năng lực tuân thủ pháp luật hải quan tốt. 

Tuy vậy, khi sửa đổi Thông tư 194/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cũng đang nghiên cứu để cụ thể hóa hơn nữa ưu tiên với đối tượng DN này vào nội dung Thông tư.

Trần Văn Chiến (Hải Dương):

Xin hỏi đại diện của Công ty Samsung, trong quá trình nộp hồ sơ đăng ký tham gia chương trình DN ưu tiên, DN có gặp khó khăn, vướng mắc gì? Và phải trả những chi phí gì khi tham gia chương trình này? Và sau khi đã được Tổng cục Hải quan công nhận là DN ưu tiên, trong quá trình hoạt động DN có gặp khó khăn, vướng mắc gì?

Ông Kim Kyong Lae– GĐ Phòng Cải tiến, Công ty Samsung Electronics VN:

Trong quá trình nộp hồ sơ đăng ký tham gia chương trình DNƯT, DN không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. DN chỉ chịu sự kiểm tra, đánh giá của cơ quan Hải quan trước khi là DN ưu tiên.

DN không phải trả bất cứ một chi phí gì để trở thành DN ưu tiên.

Sau khi trở thành DN ưu tiên, DN cũng không gặp khó khăn, vướng mắc gì nhiều.

Tuy nhiên, trong trường hợp Samsung giao dịch với DN trong nước, phía Samsung được miễn kiểm tra hàng hóa nhưng phía nhà cung cấp khi làm thủ tục hải quan lại bị kiểm tra hàng hóa.

Như vậy, hàng của Samsung vẫn bị kiểm tra. Điều này làm chậm tiến độ thông quan hàng hóa, gây khó khăn cho DN.

Phạm Quốc Khanh (An Giang):

Đối hàng nhập sản xuất xuất khẩu, khi trước là DNƯT thì doanh nghiệp được ân hạn thuế 275 ngày. Hiện nay, hàng sản xuất khẩu phải nộp thuế ngay. Nếu là DNƯT, đề nghị cho được hưởng ân hạn thuế 275 ngày như trước đây. Xin Tổng cục Hải quan cho biết ý kiến?

Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục KTSTQ:

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế (có hiệu lực từ ngày 1/7/2013) thì hàng hóa XK, NK phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng.

Hàng hóa là nguyên liệu vật tư NK để sản xuất hàng XK thì thời hạn nộp thuế tối đa là 275 ngày nếu đáp ứng một trong hai điều kiện sau:

Điều kiện 1: Có cơ sở sản xuất, có hoạt động XK, NK trong thời gian ít nhất 2 (hai) năm liên tục mà không có hành vi gian lận trốn thuế, nợ thuế quá hạn chậm nộp tiền phạt; tuân thủ pháp luật kế toán thống kê; thanh toán qua ngân hàng.

Điều kiện 2: Được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp và không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn bảo lãnh.

Hàng NK sản xuất XK nếu không đáp ứng một trong hai điều kiện trên thì không được hưởng ân hạn thuế 275 ngày kể cả là DN ưu tiên.

Bùi Văn Vĩnh (Gia Lai):

Xin cho biết, có trường hợp nào hàng hóa của DN ưu tiên vẫn bị phân vào luồng Đỏ? Trường hợp này Tổng cục Hải quan giải quyết như thế nào?

Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục KTSTQ:

Trường hợp DN ưu tiên NK ủy thác hàng hóa cho DN khác không phải là DN ưu tiên thì sẽ bị phân vào luồng Đỏ (theo Thông tư 86/2013/TT-BTC năm 2013).

Có thể có trường hợp hệ thống xử lý tự động bị trục trặc.

Vương Thành Hưng (Vũng Tàu):

Là một trong những DN đã được Bộ Công Thương công nhận là “DN XK uy tín” do Bộ Công Thương công bố trên cơ sở lựa chọn đáp ứng đủ các tiêu chí do Bộ Công Thương quy định về kim ngạch XK, uy tín trong kinh doanh với bạn hàng nước ngoài, chấp hành tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước trong lĩnh vực thuế và hải quan… Vậy xin hỏi, với những điều kiện này Tổng cục Hải quan có thể áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực Hải quan cho DN chúng tôi?

Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục KTSTQ:

Điều kiện tiên quyết để được công nhận là DN ưu tiên là DN phải được đánh giá là tuân thủ tốt pháp luật, đáp ứng các điều kiện khác như: thực hiện thủ tục hải quan điện tử, kim ngạch XNK, thanh toán qua ngân hàng, tuân thủ quy định pháp luật về kế toán thống kê và được cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế đánh giá là tuân thủ tốt pháp luật thuế, pháp luật hải quan.

Do vậy, trường hợp DN được Bộ Công Thương công nhận là "DN XK uy tín" thì cơ quan Hải quan sẽ coi đây là cơ sở để xem xét, đánh giá điều kiện về độ tin cậy. Điều kiện đầy đủ để xét chế độ ưu tiên, thủ tục thẩm định công nhận DNƯT cần thực hiện theo Thông tư 86/2013/TT-BTC.

Phạm Trường Long (Nam Định):

Tại Điều 8 Thông tư 86 có nêu vấn đề cơ quan Hải quan xác định độ tin cậy về sự tuân thủ pháp luật trong tương lai của doanh nghiệp căn cứ vào bộ tiêu chí đánh giá. Vậy các doanh nghiệp chúng tôi có được tham khảo bộ tiêu chí đánh giá này để tự hoàn thiện mình trước khi tham gia chương trình DNUT không?

Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục KTSTQ:

Cơ quan Hải quan xác định độ tin cậy về sự tuân thủ pháp luật trong tương lai của DN căn cứ vào bộ tiêu chí đánh giá. Hiện Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu để hoàn thiện bộ tiêu chí này trong thời gian tới đây. Các DN có thể tham khảo bộ tiêu chí đánh giá để tự hoàn thiện mình trước khi tham gia chương trình DN ưu tiên.

Nguyễn Thanh Vinh:

Đối với hàng nhập sản xuất xuất khẩu, khi trước là DNƯT thì doanh nghiệp được ân hạn thuế 275 ngày. Hiện nay, hàng nhập sản xuất xuất khẩu phải nộp thuế ngay. Nếu là DNƯT, đề nghị cho được hưởng ân hạn thuế 275 ngày như trước đây. Xin Tổng cục hải quan cho biết ý kiến?

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn-Phó Cục trưởng Cục Thuế XNK:

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20-11-2012 quy định: Hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, thời hạn nộp thuế tối đa là 275 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Có cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam;

- Có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian ít nhất hai năm liên tục tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan mà không có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế; nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt;

- Tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê;

- Thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không đáp ứng các điều kiện nêu trên nhưng được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế theo thời hạn bảo lãnh, nhưng không quá 275 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan và không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn bảo lãnh.

Trường hợp không đáp ứng các điều kiện nêu trên hoặc không được tổ chức tín dụng bảo lãnh thì phải nộp thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa.

Hà Thành Lộc (Quy Nhơn):

Xin đại diện Công ty Samsung cho biết, từ khi công nhận là DN ưu tiên hàng hóa của Công ty có khi nào bị phân vào luồng Đỏ? Trường hợp này Công ty xử lý ra sao?

Ông Kim Kyong Lae– GĐ Phòng Cải tiến, Công ty Samsung Electronics VN:

Trong suốt 2 năm được công nhận là DN ưu tiên, hàng hóa của Samsung chưa bao giờ bị phân vào luồng Đỏ.

Tran Van Nam (Hà Nội):

Chúng tôi là DN có hoạt động XNK. Vậy để được công nhận là DN ưu tiên cần phải đáp ứng các điều kiện gì?

Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục KTSTQ:

Các điều kiện để được công nhận là DN ưu tiên đã được đề cập ở trên.

Hoàng Mạnh Tiến (Quảng Ninh):

Xin quý cơ quan cho biết, việc quản lý doanh nghiệp ưu tiên có khác gì với việc quản lý các doanh nghiệp khác. Thời gian vừa qua, có doanh nghiệp nào bị xử lý vi phạm?

Ông Nguyễn Dương Thái- Phó Tổng cục trưởng TCHQ:

Việc quản lý DN ưu tiên hoàn toàn khác. Điều này thể hiện rất rõ trong Thông tư 63/2011/TT-BTC, Thông tư 105/2011/TT-BTC và nay là Thông tư 86/2013/TT-BTC, từ việc thẩm định, quyết định công nhận DN ưu tiên đến việc quản lý, duy trì chế độ ưu tiên đối với DN đã được công nhận.

Hải quan phải cử bộ phận chuyên trách thường xuyên theo dõi hoạt động của DN để giúp DN nâng cao năng lực tuân thủ pháp luật, phát hiện sớm các sai sót để kịp thời khắc phục. Đồng thời cơ quan Hải quan phải thường xuyên cập nhật thông tin về DN để đảm bảo DN vẫn đáp ứng đầy đủ các điều kiện của DN ưu tiên. Việc xem xét để gia hạn, tạm đình chỉ, đình chỉ chế độ ưu tiên đối với DN cũng đòi hỏi hải quan phải thu thập thông tin, đánh giá đầy đủ về DN. Việc này Hải quan không phải thực hiện đối với các DN khác.

Trong giai đoạn thí điểm theo Thông tư 63/2011/TT-BTC và Thông tư 105/2011/TT-BTC, đã có 1 DN bị tạm đình chỉ, hiện Tổng cục Hải quan đang xem xét để quyết định việc tiếp tục chế độ ưu tiên hay đình chỉ chế độ ưu tiên đối với DN này.

Trần Hồng Hạnh (Hà Nội):

Chúng tôi xin được biết chính xác các chỉ tiêu "Làm thế nào để trở thành doanh nghiệp ưu tiên?". Trân trọng cám ơn!

Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục KTSTQ:

Các tiêu chí để trở thành DN ưu tiên:

+ Tuân thủ tốt pháp luật. Trong thời hạn 2 năm trở về trước không vi phạm pháp luật về thuế, hải quan; không XNK danh mục thuộc hàng cấm XNK; không bị xử lý về hành vi trốn thuế gian lận thuế; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, không quá 3 lần bị cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền mỗi lần vượt quá thẩm quyền của Chi cục trưởng hoặc chức danh tương đương; không chấp hành yêu cầu của cơ quan Hải quan trong kiểm tra hải quan cung cấp thông tin.

+ Điều kiện thanh toán qua ngân hàng.

+ Áp dụng chuẩn mực kế toán được Bộ Tài chính chấp nhận. Báo cáo tài chính hàng năm được đánh giá là hoạt động kinh doanh hiệu quả, không có khoản nợ thuế quá hạn trong hai năm liền kề năm xem xét.

+ Kim ngạch XNK đạt tối thiểu 200 triệu USD đối với DN ưu tiên trong XK, NK tất cả các loại hình mặt hàng; 50 triệu USD đối với DN ưu tiên trong XK hàng hóa là nông sản, thủy sản, dệt may, da giày.

+ Thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử.

+ Đáp ứng điều kiện về độ tin cậy, được đánh gia trên tiêu chí kiểm soát nội bộ, cơ chế kiểm soát tài chính, hợp tác của DN với cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế.

+ Đây là cơ chế tự nguyên do vậy DN tự đối chiếu nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện, cam kết tuân thủ tốt pháp luật thì có văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét.

Phạm Hải Đăng (Đà Nẵng):

Xin ông cho biết, tại sao Tổng cục Hải quan lại xây dựng chương trình DN ưu tiên, mục đích của chương trình này là gì? 14 DN ưu tiên đã được Tổng cục Hải quan công nhận hiện nay là những DN nào? Hoạt động trong lĩnh vực nào? Và họ ở đâu?

Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục KTSTQ:

Chương trình DN ưu tiên được xây dựng trên cơ sở khung tiêu chuẩn an ninh và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) được đưa ra tháng 6-2005 tại Hội nghị thường niên. Tổng cục trưởng Hải quan các nước thành viên đã ký thư cam kết thực hiện chương trình này, trong đó có Việt Nam. Đây là chương trình hàng đầu của Tổ chức Hải quan thế giới đã được 45 nước áp dụng.

Mục tiêu chiến lược của chương trình là hướng tới công nhận lẫn nhau với các nước. Khi Việt Nam ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau với các nước thì hàng hóa XK của DN Việt Nam sẽ được hưởng những lợi ích vượt trội, cao nhất ở nước ngoài.

14 DN đã được công nhận doanh nghiệp ưu tiên có 7 DN Việt Nam, là DN vừa và nhỏ; 6 DN FDI và 1 DN liên doanh. Cụ thể: Công ty CP Thủy sản Minh Phú, Thủy sản An Giang, Cà phê 2-9 Đắk Lắk, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Liên doanh Vietsopetro,  Công ty TNHH Sam sung Việt Nam, Công ty Canon Việt Nam, Công ty Sumidenso Việt Nam; Công ty Brother Việt Nam, Công ty Intel, Công ty Nokia...

Trong số 14 DN có 1 DN đang bị tạm đình chỉ, Tổng cục Hải quan đang xem xét quyết định để quyết định việc có tiếp tục công nhận hay đình chỉ.

Nguyễn Hải Đường (TP Vũng Tàu):

Theo khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế: Điều 42 được sửa đổi, bổ sung như sau: c) Hàng hóa không thuộc điểm a (Hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu) và điểm b (Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất) khoản này thì phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa nhưng phải nộp tiền chậm nộp kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa đến ngày nộp thuế theo quy định tại Điều 106 của Luật này. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Vậy xin hỏi: Trong trường hợp phải nộp tiền chậm nộp thì Doanh nghiệp tự tính và nộp tiền chậm nộp hay chờ cơ quan Hải quan ra quyết định về việc nộp tiền chậm thì mới nộp tiền?

Bà Vũ Hồng Vân- Trưởng phòng Chính sách thuế (Cục Thuế XNK):

Trường hợp này DN phải tự tính tiền chậm nộp và chủ động nộp tiền chậm tương ứng với số ngày chậm nộp thực tế. Cơ quan Hải quan sẽ thực hiện kiểm tra việc tính chậm nộp của DN.

Lê Văn Quang (Cà Mau):

Tôi là một trong những DN đã được Tổng cục Hải quan công nhận là DN ưu tiên, xin cho hỏi, trường hợp sau 60 ngày kể từ ngày thông quan hàng hóa, DN ưu tiên tự phát hiện việc khai báo sai thì có được tự khắc phục bằng cách kê khai bổ sung như đối với trường hợp khai bổ sung trong thời hạn 60 ngày quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Quản lý thuế?

Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục KTSTQ:

Sau 60 ngày kể từ ngày thông quan hàng hóa DN ưu tiên tự phát hiện khai báo sai thì không được khắc phục bằng cách khai bổ sung như quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Quản lý thuế. 

Đây là cơ chế tự nguyện, phía DN và cơ quan Hải quan đều cử người chuyên quản để thường xuyên theo dõi hoạt động XNK, khắc phục sai sót. Do vậy, DN phải chủ động, có quy trình kiểm soát nội bộ để rà soát khắc phục những sai sót nếu có.

thieu_hoa@icloud.com (Hà Nội):

Quy định cứng 200 triệu USD kim ngạch XNK trở lên là một tiêu chí không phù hợp với thực tế ngành hàng. Ví dụ: một valy kim cương cũng có giá trị bằng vài trăm triệu, nhưng các mặt hàng khác như bông vải, sợi, ô tô, linh kiện ô tô... thì không thể có giá trị cao như vậy. Tổng cục có thay đổi cách tính về kim ngạch theo ngành hàng không? Xin cảm ơn!

Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục KTSTQ:

Quy định mức kim ngạch XNK 200 triệu USD/năm là tính toán dựa trên cơ sở dữ liệu XNK của Tổng cục Hải quan.

Theo mức này, có khoảng 110 DN đáp ứng. Tuy nhiên, khi xây dựng mức kim ngạch, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã cân nhắc đến yếu tố DN vừa  và nhỏ, các ngành hàng ưu tiên XK phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH của Việt Nam.

Do vậy, mức kim ngạch đối với các DN XNK thuộc lĩnh vực nông sản, thủy sản, dệt may, da giày thì mức kim ngạch là 50 triệu USD/năm.

Tập đoàn thủy sản Minh Phú: (Cà Mau):

Với quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế thì tất cả DN XNK khi mở tờ khai NK loại hình kinh doanh đều phải nộp ngay thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng. Vậy đối với những DN ưu tiên, Tổng cục Hải quan có thể cho áp dụng thời hạn sau 30 ngày mới phải nộp thuế cho tờ khai NK loại hình kinh doanh?

Bà Vũ Hồng Vân-Trưởng phòng Chính sách thuế (Cục Thuế XNK):

Theo quy định tại Điểm C, Khoản 3, Điều 42 Luật Quản lý thuế được sửa đổi, bổ sung tại Điểm 11, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế thì hàng nhập khẩu theo loại hình kinh doanh phải nộp thuế ngay trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng.
 
DN có thể được áp dụng thời hạn nộp thuế 30 ngày với điều kiện phải có tổ chức tín dụng bảo lãnh cho số thuế phải nộp. Đồng thời, trong thời hạn 30 ngày, DN phải nộp tiền chậm nộp kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng đến ngày nộp  thuế theo quy định.

Bùi Thanh Tùng (Đà Nẵng):

Công ty chúng tôi là DNƯT loại 2 theo Thông tư 63/2011/TT-BTC. Theo Thông tư 86/2013/TT-BTC thì Công ty chúng tôi đáp ứng điều kiện là DNƯT loại 1. Công ty chúng tôi có nguyện vọng chuyển đổi loại doanh nghiệp ưu tiên theo quy định tại Điều 2 Thông tư 86/2013/TT-BTC. Đề nghị Quý cơ quan cho biết Công ty chúng tôi cần phải làm những thủ tục gì?

Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục KTSTQ:

Khoản 2 Điều 27 Thông tư 86/2013/TT-BTC có quy định “Trường hợp doanh nghiệp ưu tiên có yêu cầu chuyển đổi loại doanh nghiệp ưu tiên theo quy định tại Điều 2 Thông tư, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xem xét quyết định, thủ tục thẩm định quy định tại Thông tư này”.

Như vậy, đề nghị Công ty nộp đơn đề nghị chuyển đổi loại DNƯT tới Cục Kiểm tra sau thông quan để được xem xét, giải quyết. Thủ tục thẩm định sẽ được thực hiện đơn giản hơn như quy định tại Chương III Thông tư 86/2013/TT-BTC.

Lê Đăng Hùng (Hà Nội):

Chương trình doanh nghiệp ưu tiên tại Việt Nam hiện nay có khác gì so với thế giới. Mức độ chuẩn mực, hội nhập, năng lực?

Ông Nguyễn Dương Thái- Phó Tổng cục trưởng TCHQ:

Chương trình DN được ủy quyền của Hải quan các nước tiên tiến trên thế giới (AEO) thực hiện theo khung tiêu chuẩn về đảm bảo an ninh và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), đáp ứng cả hai yêu cầu: Đảm bảo an ninh và tạo thuận lợi cho thương mại.

Chế độ DNƯT của Việt Nam mới tập trung chủ yếu vào mục tiêu tạo thuận lợi cho thương mại. Để hoàn thiện Chương trình DNƯT theo khuyến cáo của WCO cần có giải pháp và lộ trình hoàn thiện.

Hiện tại Tổng cục Hải quan đã triển khai thực hiện một số giải pháp như: Đưa chế độ ưu tiên vào Luật (Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi), bước đầu đưa một số nội dung về an ninh an toàn vào chương trình thông qua các tiêu chí về bộ máy kiểm soát nội bộ, cơ chế kiểm soát tài chính...

Chế độ DNƯT còn rất mới ở Việt Nam, cần tiếp tục được hoàn thiện. Từ đó tạo tiền đề cho việc ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DNƯT giữa Việt Nam với các nước khác.

Phạm Trường Long (Nam Định):

Xin hỏi đại diện của Công ty Samsung, trong các lợi ích mà DN ưu tiên được hưởng, ông nhận thấy lợi ích nào là thiết thực nhất?

Ông Kim Kyong Lae– GĐ Phòng Cải tiến, Công ty Samsung Electronics VN:

Trong các lợi ích mà DN ưu tiên được hưởng, lợi ích mà Samsung cảm thấy thiết thực nhất là được thông quan hàng hóa 24/7.

Điều này đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất của công ty trong bối cảnh nhu cầu sản xuất của công ty liên tục. Thứ hai là DN được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, tạo điều kiện cho hàng hóa của DN được thông quan nhanh chóng.

Nguyễn Thành Vinh (Hải Dương):

Bộ máy quản lý doanh nghiệp ưu tiên của cơ quan Hải quan có tổ chức như thế nào? Có mấy cấp độ quản lý? Tại Tổng cục Hải quan có bộ phận riêng biệt liên quan đến doanh nghiệp ưu tiên hay không, hay làm chung nghiệp vụ?

Ông Nguyễn Dương Thái- Phó Tổng cục trưởng TCHQ:

Bộ máy quản lý DNƯT đã được thể hiện thông qua biện pháp quản lý DNƯT quy định tại Thông tư 86/2013/TT-BTC. Cụ thể:

-Tại Tổng cục: Có Tổ quản lý DNƯT đặt tại Cục Kiểm tra sau thông quan. Tổ đảm nhiệm tham mưu cho Lãnh đạo Cục và Tổng cục thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc quản lý DNƯT; nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý DNƯT của các bộ phận chuyên trách hoặc cán bộ chuyên trách quản lý DNƯT của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

-Tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố: Tùy theo số lượng DNƯT thuộc địa bàn quản lý của Cục mà bố trí bộ phận chuyên trách hoặc cán bộ chuyên trách quản lý DNƯT đặt tại Chi cục Kiểm tra sau thông quan. Bộ phận chuyên trách này thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Khoản 2 Điều 22 của Thông tư 86/2013/TT-BTC.

-Bộ phận chuyên trách của Tổng cục, của Cục đều chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Tổng cục, hoặc Lãnh đạo Cục và chịu sự điều phối chung trong hoạt động (quản lý DNƯT) từ Cục Kiểm tra sau thông quan.

Nguyễn Hương Giang (Hà Nội):

Tôi đã có cơ hội sinh sống tại Nhật Bản một thời gian, và đã tiếp cận chương trình AEO tại Nhật. Vậy chương trình doanh nghiệp ưu tiên tại Việt Nam và chương trình AEO tại Nhật có khác nhau không?

Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục KTSTQ:

Chế độ DN ưu tiên nói chung (nước ngoài gọi tắt là AEO) của Việt Nam hay Nhật Bản nói riêng đều được xây dựng căn cứ định hướng của Khung tiêu chuẩn an ninh và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), căn cứ vào mục tiêu và khả năng của từng nước để các nước quy định điều kiện cụ thể áp để áp dụng.

Chế độ DN ưu tiên của Nhật Bản là kết hợp định hướng của Tổ chức Hải quan thế giới để đề ra 4 nhóm điều kiện phù hợp gồm: Điều kiện về tuân thủ pháp luật; điều kiện có khả năng áp dụng hệ thống thông quan tự động; điều kiện về khả năng quản lý vận hành hoạt động thương mại và điều kiện DN phải có chương trình tuân thủ pháp luật.

Về cơ bản chế độ DN ưu tiên tại Việt Nam và chế độ AEO tại Nhật Bản đều giống nhau ở điều kiện tiên quyết là tuân thủ pháp luật. 

Tuy nhiên, Nhật Bản là nước đã áp dụng chế độ AEO từ tháng 4/2006, trước tiên Nhật Bản cũng chỉ áp dụng đối với DN XK và tới nay đã áp dụng mở rộng cho tất cả các DN trong dây chuyền cung ứng hàng hóa như: Nhà NK, đại lý hải quan, DN vận tải, kho ngoại quan, người kinh doanh kho bãi, logitics,...

Ở Việt Nam giai đoạn đầu thực hiện mới áp dụng đối với nhà XK và nhà NK.

Thành Đạt (TP Huế):

Mục đích của chương trình doanh nghiệp ưu tiên tại Việt Nam có trùng khớp với mục đích chương trình doanh nghiệp ưu tiên của thế giới không?

Ông Nguyễn Dương Thái- Phó Tổng cục trưởng TCHQ:

Chương trình DNƯT của Việt Nam được xây dựng theo khuyến cáo của WCO (theo khung tiêu chuẩn về đảm bảo an ninh và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu của Tổ chức Hải quan thế giới-WCO).

Tuy nhiên, như tôi đã trả lời ở câu hỏi trước thì, Chương trình DN được ủy quyền của Hải quan các nước tiên tiến trên thế giới (AEO) đáp ứng cả hai yêu cầu: Đảm bảo an ninh và tạo thuận lợi cho thương mại.

Trong khi đó, chế độ DNƯT của Việt Nam mới tập trung chủ yếu vào mục tiêu tạo thuận lợi cho thương mại. Để hoàn thiện Chương trình DNƯT theo khuyến cáo của WCO, Việt Nam cần có giải pháp và lộ trình hoàn thiện.

Hiện tại Tổng cục Hải quan đã triển khai thực hiện một số giải pháp như: Đưa chế độ ưu tiên vào Luật (Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi), bước đầu đưa một số nội dung về an ninh an toàn vào chương trình thông qua các tiêu chí về bộ máy kiểm soát nội bộ, cơ chế kiểm soát tài chính.

Phạm Quốc Khanh (An Giang):

Cảm ơn sự trả lời của bà Lê Thu. Hai điều kiện để được ân hạn thuế nhập sản xuất xuất khẩu thì điều 1 Công ty chúng tôi có cơ sở sản xuất trên 2 năm và hơn nữa DN đã đáp ứng các điều kiện DNƯT thì việc tuân thủ pháp luật và thuế là đương nhiên. Như vậy việc bảo lãnh nộp thuế đi ngược lại ý nghĩa DNƯT. Điều này bà nghĩ thế nào?

Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục KTSTQ:

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế thì trường hợp DN nhập nguyên liệu vật tư để sản xuất hàng hóa XK thì thời hạn nộp thuế tối đa là 275 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai nếu DN đáp ứng một trong hai điều kiện:

- Đáp ứng các điều kiện có cơ sở sản xuất, tuân thủ pháp luật... hoặc

- Được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp.

Do vậy, công ty của anh/chị nếu đáp ứng điều kiện có cơ sở sản xuất,... thì không cần phải đáp ứng điều kiện bảo lãnh.  

Cao Bình Nguyên (Cà Mau):

Kính gửi: Đồng chí Phó Tổng cục trưởng. Xin đồng chí vui lòng cho biết: Thông tư 86 ra đời nhưng chưa có hiệu lực, nhưng DNUT có những kiến nghị, vướng mắc xin bổ sung (đã có văn bản gửi cụ thể ). Vậy Thông tư 86 dành cho DNUT có được bổ sung, điều chỉnh nữa hay không?

Ông Nguyễn Dương Thái- Phó Tổng cục trưởng TCHQ:

Xin cảm ơn câu hỏi của độc giả. Như tôi đã trả lời ở trên, chế độ DNƯT ở Việt Nam còn rất mới, cần tiếp tục hoàn thiện. Sau 2 năm thực hiện thí điểm (theo Thông tư 63/2011/TT-BTC và Thông tư 105/2011/TT-BTC) chế độ DNƯT đã được hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hơn tại Thông tư 86/2013/TT-BTC. Sau một thời gian thực hiện Thông tư 86, chế độ ưu tiên đối với DN sẽ tiếp tục được hoàn thiện hơn nữa. Trong quá trình thực hiện, những vướng mắc phát sinh sẽ được xem xét, tháo gỡ phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Nguyễn Khắc Cường (TP. Hồ Chí Minh):

DN chúng tôi chuyên nhập khẩu hàng mua bán trong nước và xuất kinh doanh ra nước ngoài (thương mại), kim ngạch nhập khẩu khoảng 100 triệu USD/năm, kim ngạch xuất khẩu khoảng 30 USD/ năm. Chúng tôi có được thuộc diện DN ưu tiên hay không hay DN ưu tiên chỉ áp dụng cho DN sản xuất hàng xuất khẩu?

Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục KTSTQ:

Theo quy định tại Điều 2 và Điều 6 Thông tư 86/2013/TT-BTC thì công ty chưa đạt điều kiện về kim ngạch XK và loại DN ưu tiên tương ứng với hoạt động ngành hàng của DN.

Phạm Anh Vũ (Nghệ An):

Đề nghị cho biết, quy trình, cách thức thẩm định DN ưu tiên được Tổng cục Hải quan thực hiện như thế nào?

Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục KTSTQ:

Về quy trình, cách thức thẩm định DN ưu tiên được Tổng cục Hải quan thực hiện như sau:

-DN có đơn kèm hồ sơ gửi Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan).
 
- Việc thẩm định bao gồm thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế, lấy ý kiến đánh giá của cơ quan Hải quan và cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Thủ tục thực hiện cụ thể được quy định tại Chương 3 Thông tư 86/2013/TT-BTC ngày 27/6/2013.

Hồ Phương Hà (Hà Nội):

Xin ông cho biết, những hàng hóa mà DN ưu tiên xuất nhập khẩu ủy quyền cho DN khác có được hưởng chế độ ưu tiên?

Bà Lê Thu- Phó Cục trưởng Cục KTSTQ:

Đây là phương thức quản lý mới ưu tiên áp dụng đối với DN, được hệ thống tự động phân luồng, toàn bộ hàng XNK của DN khi làm thủ tục sẽ được hưởng chế độ ưu tiên.

Trường hợp DN ưu tiên không trực tiếp làm thủ tục mà ủy quyền cho đại lý làm thủ tục hải quan thì trước khi thực hiện chế độ ưu tiên phải thông báo cho cơ quan Hải quan về đại lý làm thủ tục hải quan cho hàng hóa XNK của DN và cam kết về sự tuân thủ pháp luật của đại lý.

Hòa An (Hải Phòng):

Đại diện Công ty Samsung có thể chia sẻ kinh nghiệm với các DN khác khi đăng ký hồ sơ tham gia chương trình DN ưu tiên? Khâu chuẩn bị hồ sơ như thế nào?

Ông Kim Kyong Lae– GĐ Phòng Cải tiến, Công ty Samsung Electronics VN:

Đầu tiên, DN phải bám sát yêu cầu trong Thông tư 63 trước đây và bây giờ là Thông tư 86. Đồng thời, DN phải thường xuyên liên lạc với đầu mối của Cục KTSTQ để kịp thời bổ sung, sửa chữa hồ sơ.

Về khâu chuẩn bị hồ sơ, DN cần đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của Thông tư để đảm bảo sự nhanh chóng, thuận lợi. Đặc biệt là khâu đánh giá lại hoạt động của DN thì DN cần đánh giá chi tiết lịch sử hoạt động của mình, các lần bị xử phạt hành chính nếu có...