Láo nháo như chợ bất động sản

Nguyễn Cảnh - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Gần cuối tháng 9, chủ đầu tư tổ hợp cao cấp The Pride gây tò mò thị trường tiêu dùng nhà ở bằng sự kiện ngày hội "Nhà đổi nhà", sẽ được tổ chức vào cuối tháng 9. Trước đó, Indochina Plaza Hà Nội đưa ra các phương án bán hàng táo bạo, kiểu cam kết thuê lại căn nhà đã bán cho khách với lãi suất cao hơn ngân hàng. Các cá nhân rao mua hay rao bán cũng vận dụng nhiều "chiêu" mới.

Láo nháo như chợ bất động sản
Giao dịch bất động sản thực sự thời điểm này vẫn chỉ cầm chừng. Nguồn: internet

Trong vô vàn cách xúc tiến thanh khoản sản phẩm dự án, Công ty CP Đầu tư Hải Phát bất chợt "nghĩ" ra cách quảng bá, thu hút dư luận người cần nhà chưa từng có tiền lệ. Về dự án mục tiêu - tổ hợp The Pride (thuộc KĐT An Hưng, Hà Đông) được chủ đầu tư dồn tâm sức bán hàng lần này, vết chàm chậm tiến độ - ngâm vốn góp của khách hàng dường như đã bị doanh nghiệp (DN) "lờ đi".

Ngắn gọn như sau, 3 trên 4 tòa tháp đã bán hầu hết căn hộ, tiền góp vốn của người mua đã thanh toán đầy đủ, nhưng chủ đầu tư vẫn "quên" bàn giao. Cực chẳng đã, nhiều khách hàng đã tìm tới các cơ quan bảo vệ pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi sát sườn của mình. Chưa hết, CT3 (tháp còn lại) sắp mở bán cũng từng "nằm bất động" 2 năm qua vì thiếu vốn.

Bán hàng hay… biểu diễn?

Thay vào đó, là những ngôn từ quảng bá rất mỹ miều trên website của Sàn giao dịch Hải Phát: "Với những quý khách hàng đã sở hữu căn hộ tại dự án nhưng chưa ưng ý về diện tích, hướng, hoặc tổng giá trị căn nhà không phù hợp với khả năng tài chính mà vẫn có nhu cầu định cư tại dự án thì có thể đổi nhà với khách hàng khác có căn hộ phù hợp nhu cầu, hoặc quỹ căn hộ từ chủ đầu tư. Sàn giao dịch bất động sản (BĐS) Hải Phát sẽ hỗ trợ tư vấn và miễn phí 100% phí hoa hồng khi quý khách hàng chuyển đổi căn hộ trong thời gian diễn ra ngày hội…".

Trước đó, Hải Phát đã mau mắn ký hợp tác với PMC (Công ty CP Quản lý và Khai thác Tòa nhà) và CenPlus (thuộc Cengroup) như một cách tạo giá trị thặng dư cho sản phẩm lõi (căn hộ) của mình. Nôm na, thông qua "cái bóng" CenGroup, DN kỳ vọng khép kín chuỗi đầu tư - khai thác lợi ích căn hộ thành phẩm bằng việc chia đều việc cho PMC lẫn Cenplus (một trong những nghiệp vụ của đơn vị này là giúp khách hàng cho thuê lại BĐS mình nếu mua xong chưa có nhu cầu ở ngay).

Về cơ học, DN tạo lập nhà ở sẽ giữ vai trò điều tiết nhu cầu của khách hàng đối với từng loại căn hộ (diện tích, giá bán, tiến độ đóng tiền). Tạm hiểu, trong 2 ngày cuối tháng 9, khách hàng cũ - mới tề tựu ở dự án để được tư vấn, môi giới miễn phí theo nhu cầu chuyển đổi.

Tuy vậy, đại diện lãnh đạo Hải Phát mới đây cũng chỉ trả lời rất chung chung về khả năng "dàn xếp công nợ" thông qua Ngày hội. Đó là chuyện rất nhiều khách hàng đang gây áp lực "đòi lại vốn góp - yêu cầu bàn giao" các căn hộ CT1, CT2, CT4 từ 2 - 3 năm trước.

Nhà đầu tư năm xưa (chủ nợ), người cần mua nhà gấp gáp hiện hữu gặp nhau tại ngày hội. Giao dịch khớp xong, chi phí môi giới và tư vấn chẳng mất, kẻ bán - người mua đều đạt được mục đích. Và vui nhất, vẫn là chủ đầu tư với kịch bản: giảm bớt nợ đọng tài chính, tăng thanh khoản sản phẩm, lại được tiếng. Có lẽ, đây là cơ sở để ông chủ Hải Phát tỏ ra tin tưởng The Pride là viên ngọc, niềm tự hào của DN (?!)

Những cuộc kiếm tìm

Với những người mải mốt bấy lâu tìm cho mình một chốn đi về ổn định tại Thủ đô, họ phải vượt qua rất nhiều cửa ải. Quanh quẩn, cũng chỉ ở giá trị, pháp lý, tiến độ bàn giao của sản phẩm địa ốc.

Một năm qua, người thu nhập trung bình khá đã mạnh dạn "đi chợ" BĐS hơn trước nhờ hàng loạt công cụ quản lý lẫn hỗ trợ tài chính phát huy hiệu quả. Nhưng tình thế lại chuyển cảnh: số lượng dự án đáp ứng đồng thời các yêu cầu như đã (đang) hoàn thiện - sẵn sàng bàn giao - giá phù hợp - người mua được vay tín dụng lãi suất ưu đãi thì như sao buổi sớm.

Vậy nên, không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi (dự báo 2015 sẽ bùng nổ bàn giao nhà thương mại giá rẻ ở Thủ đô, cộng thêm cám cảnh chuyện trả nợ đồng lần, nhiều cá nhân đã linh hoạt tìm tới nguồn BĐS trong kho nhà băng với hy vọng tìm được hàng "chuẩn".

Tuy nhiên, "giá các sản phẩm nhà đất thế chấp - thanh lý của ngân hàng đều ngang ngửa, thậm chí cao hơn giá thị trường", anh Tuấn, một cán bộ công chức trẻ ở Hà Nội chán nản.

Cùng nỗi niềm trên, vợ chồng chị Thảo hăm hở "đặt vấn đề" tìm mua nhà thổ cư bị siết nợ với một nhân vật tự "khoe" là có người nhà làm trong ngân hàng. Sau cuộc trao đổi điện thoại gần 1 giờ đồng hồ, Thượng đế "dẹp" luôn ý định săn mua nhà đất thế chấp đáo hạn ngân hàng.

Theo chia sẻ của người trong cuộc, những cá nhân rao bán kiểu này thường tỏ ra sẵn sàng cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý của BĐS. Sản phẩm của họ chào bán rất hấp dẫn từ vị trí, diện tích, đủ hình ảnh trong và ngoài căn hộ/miếng đất. Chỉ duy một điều, giá tiền luôn… vượt tưởng tượng của người tìm mua.

Ví dụ nhanh, căn nhà mặt phố Khương Thượng diện tích sử dụng 33m2, 3 tầng, mặt ngõ giáp nhà rộng 6m, có giá 7,4 tỷ đồng. "Xa xôi" như tại phường Hà Cầu, Hà Đông, nhà sổ đỏ 46m2 tại đầu làng, ngõ chỉ 2m, thì giá cũng chạm ngưỡng 1,5 tỷ đồng theo lời rao từ đầu mối rao bán.

Ở dạng thức khác, nhiều chủ BĐS tìm đủ lý do giải thích cho giá bán siêu "bèo" đối với nhà đất thuộc sở hữu. Trong đó, "cần tiền trả nợ ngân hàng nên chấp nhận bán lỗ" là phổ biến nhất.

Tuy nhiên, "bẫy giá rẻ - thu hồi vốn gấp" cũng được giăng ra, nếu so sánh với giá sản phẩm cùng vị trí, pháp lý, diện tích. Đơn cử, nhà 1 tầng rộng 31m2 tại gần ngã ba Ba La - Hà Đông có giá tới 2,5 tỷ đồng. Trong khi, 1 mảnh thổ cư tương tự ở Phùng Khoang (gần trung tâm hơn) được rao chỉ 2,1 tỷ đồng…