Lập nhóm thông tin chốt kiểm tra nồng độ cồn: Cách “né” tốt nhất là… tuân thủ pháp luật!


Trên mạng xã hội, đặc biệt là facebook có hàng trăm hội nhóm công khai chỉ với mục đích thông tin, đối phó với lực lượng chức năng xử lý nồng độ cồn.

Lực lượng chức năng làm việc, xử phạt người vi phạm thông tin báo chốt Cảnh sát giao thông trên mạng xã hội tại Đắk Lắk. (Ảnh: CAĐL)
Lực lượng chức năng làm việc, xử phạt người vi phạm thông tin báo chốt Cảnh sát giao thông trên mạng xã hội tại Đắk Lắk. (Ảnh: CAĐL)

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc triển khai đồng bộ, quyết liệt việc kiểm tra, xử lý nghiêm, không có vùng cấm đối với hành vi điều khiển giao thông vi phạm nồng độ cồn. Việc triển khai nghiêm công tác này cũng là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Công an… và được đại bộ phận người dân ủng hộ.

Hơn nữa, kiểm tra xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn là việc triển khai thực hiện quy định pháp luật đã được ban hành. Tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông có hành vi uống rượu, bia trước, trong khi lái xe...

Tai nạn giao thông và những hệ lụy của nó ảnh hưởng nặng nề đến toàn xã hội, đến từng gia đình và bản thân mỗi cá nhân. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông thì có vô vàn lý do, tự hạ tầng, phương tiện, năng lực và ý thức con người khi tham gia giao thông, các yếu tố khách quan khác…

Phải khẳng định người đã uống rượu, bia điều phương tiện giao thông là vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đó là chưa kể đến những trường hợp đã rơi vào tình trạng “mất nhận thức” nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Có thể nhận thấy, từ khi lực lượng chức năng đẩy mạnh kiểm tra nồng độ cồn, xử lý vi phạm với người điều khiển giao thông vi phạm nồng độ cồn đã thấy “vắng” hình ảnh những “quái xế” điều khiển phương tiện tham gia trên đường lắc lư, đánh võng vì đã có hơi men, đã ít đi những thông tin tài xế say xỉn gây tai nạn giao thông. Và với xã hội, với cộng đồng mọi người đã cơ bản hình thành thói quen “đã uống rượu, bia là không lái xe”… Sự chấp hành pháp luật, sự ủng hộ của người dân và những tác động tích cực đến xã hội từ việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, “không vùng cấm” kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng đã thấy rõ.

Tuy nhiên, một bộ phận ý thức kém, vẫn vi phạm quy định uống rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, họ đối phó bằng cách lập các nhóm kín và cũng có không ít nhóm công khai trên mạng xã hội, trên zalo, facebook để thông tin, né tránh các địa điểm triển khai công tác kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng. Thậm chí có những người dù không vi phạm, sau khi kiểm tra nồng độ cồn tại các chốt, khi đã qua chốt lại thông tin lên các hội nhóm để báo cho người khác (?). Đặc biệt, trên mạng xã hội có thể thấy các hội nhóm này ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước!…

Mặc dù không hề tham gia hay có ý định theo dõi thông tin, nhưng nhiều người cho biết trên facebook cá nhân xuất hiện rất nhiều nhóm, panpage có tên gắn với từ “thông chốt” xuất hiện như “thông chốt HN”;’ “thông chốt 14…”; “thống chốt và báo chốt…’… nhóm nào cũng có hàng nghìn người theo dõi. Thỉnh thoảng các panpage này lại cập nhật thông tin địa chỉ này, địa chỉ kia nhằm thông tin lực lượng chức năng đang kiểm tra nồng độ cồn. Không ít nội dung thông tin có cách nói khiếm nhã, ẩn ý bôi nhọ hình ảnh lực lượng chức năng triển khai nhiệm vụ, thi hành pháp luật...

Hành vi livestream chốt đo nồng độ cồn, thông tin thông báo địa điểm triển khai công tác của Cảnh sát giao thông là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, Điều 4, Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NÐ-CP ngày 27/1/2022) quy định: Xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi vi phạm “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật".

Như vậy, những trường hợp báo chốt cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ sẽ bị xử phạt theo quy định nêu trên… Thực tế thì nhiều cá nhân thời gian qua cũng đã bị xử phạt vì lỗi hành vi này với số tiền hàng chục triệu đồng, việc xử phạt còn công khai trên báo chí.

Trở lại việc thông tin chốt kiểm tra nồng độ cồn của một số cá nhân trên các hội nhóm mạng xã hội, có thể những người vi phạm quy định thông tin chưa bị “sờ đến” và có thể từ những thông tin đăng tải trên mạng xã hội về địa điểm triển khai công tác của lực lượng chức mà một số cá nhân “né” được chốt kiểm tra nồng độ cồn, không bị xử lý vi phạm. Chưa nói việc có “hơi” bia, rượu điều khiển phương tiện tham gia giao thông, việc vừa lái xe vừa mở điện thoại, mở mạng xã hội cập nhật thông tin tìm đường né tránh “chốt” tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Và nếu tai nạn xảy ra thì hậu quả khôn lường. Hãy nhớ, phía sau tay lái là cả một gia đình. Cách “né" chốt bền vững nhất là… tuân thủ pháp luật!.

Theo Báo Công Thương