Quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe là cần thiết


Đến lúc tuyệt đối cấm tài xế đã uống rượu là không được lái xe thì đất nước chúng ta mới bình yên, bây giờ các đồng chí thấy là ngày nào cũng có tai nạn giao thông, một năm mà mười mấy ngàn người chết, bị thương, số này rất lớn. Đây là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 12/2023 và tháng 1/2024.

Vi phạm nồng độ cồn tăng

Báo cáo công tác Dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2023 và tháng 1/2024 tại Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cử tri đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông trong việc ra quân kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, làm tăng ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, cử tri cũng bày tỏ lo lắng về tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông trong dịp Tết làm chết và bị thương nhiều người.

Thực tế cho thấy, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã có quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng thời gian qua tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông trong đó có vi phạm nồng độ cồn vẫn xảy ra.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, chỉ tính trong 7 ngày Tết Nguyên đán năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý 29.099 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Số này tăng hơn 21.373, tương đương 277,7% so với Tết Nguyên đán 2023. Số người vi phạm nồng độ cồn chiếm 41,25% trong tổng số vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Trong 7 ngày Tết Nguyên đán năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý 29.099 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh minh họa: ITN
Trong 7 ngày Tết Nguyên đán năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý 29.099 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh minh họa: ITN

Như vậy, so với Tết năm ngoái, số vi phạm này chỉ có 7.700 trường hợp, Tết năm 2022 chỉ có hơn 1.100 trường hợp bị xử phạt thì năm nay con số này lên tới hơn 29.000 trường hợp; đây là con số báo động về tình trạng người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Điều này cũng cho thấy, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao.

Sức khỏe, tính mạng người tham gia giao thông là trên hết

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, vấn đề vi phạm nồng độ cồn cũng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thực tế cũng cho thấy, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông. Nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.

Với quan điểm tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm. Theo Cơ quan soạn thảo, quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, hạn chế tai nạn giao thông và bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 6 Điều 5 quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm).

Tuy nhiên, quy định này hiện cũng còn ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, việc quy định cấm tuyệt đối người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” là quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.

Tuy nhiên, theo thống kê, hơn 50% vụ án giết người; gây rối trật tự công cộng; hiếp dâm; vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người phạm tội trước khi gây án có sử dụng rượu bia; điều đó cho thấy tác động của rượu, bia là rất lớn, do đó nhiều ý kiến cho rằng, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn giúp bảo đảm an toàn giao thông và trật tự xã hội là rất cần thiết.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, thời gian qua Bộ Công an đã rất quyết liệt trong chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Điều này đã góp phần rất quan trọng vào việc bảo đảm an toàn giao thông, trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế rất lớn những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen đã uống rượu, bia thì không lái xe. Trên cơ sở đó, bà Đặng Bích Ngọc bày tỏ đồng tình với quy định của dự thảo Luật, đó là cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Trong khi đó, từ thực tế giám sát về tình hình an toàn giao thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Minh Đức cho biết, các vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng có 43% xuất phát từ rượu, bia. Cũng theo ông Đức, pháp luật phải bảo đảm tính thống nhất.

"Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, do đó cơ quan soạn thảo đã đề xuất quy định nội dung này trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Và quan điểm của cơ quan thẩm tra là đồng ý với cơ quan soạn thảo về quy định này để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật", ông Nguyễn Minh Đức cho biết.  

 

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn