Lát đá vỉa hè tại Hà Nội: Tốn kém và không như kỳ vọng
Lát đá vỉa hè từ bao lâu nay luôn là câu chuyện dài chưa có hồi kết, được người dân quan tâm và đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều quan tâm đến chất lượng để tránh sự tốn kém, lãng phí.
Tuổi thọ 70 năm, nhưng chỉ “sống” 2 năm
Cuối năm 2016, TP. Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố. Theo đó, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.
Tuy nhiên, đưa vào sử dụng vài năm, tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như: Giải Phóng (Hoàng Mai), Lê Hồng Phong (Ba Đình), hồ Hoàn Kiếm (Hoàn Kiếm), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Trần Duy Hưng, Trung Kính (Cầu Giấy),… vỉa hè lát đá xuất hiện tình trạng xuống cấp. Điển hình như ở đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), dù vỉa hè mới được đầu tư lát đồng bộ đá tự nhiên tuổi thọ 70 năm từ khoảng quý III/2017, nhưng sau 2 năm đã xuất hiện nhiều vị trí đá lát bị bung, vỡ, sụt lún.
Gần đây, nhằm thay đổi diện mạo của thủ đô Hà Nội, chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, Hà Nội đã gấp rút thực hiện thay đá vỉa hè mới bằng đá tự nhiên tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình và một số nơi ở quận Hoàng Mai, Thanh Xuân.
Chỉnh trang vỉa hè là một chủ trương đúng đắn của TP. Hà Nội, nhằm tạo diện mạo khang trang, sạch đẹp, phục vụ đời sống nhân dân Thủ đô, góp phần ngăn chặn tình trạng lấn chiếm vỉa hè và tai nạn giao thông. Tuy nhiên, việc triển khai chỉnh trang vỉa hè cần phải được đầu tư kỹ lưỡng, bảo đảm được thẩm mỹ, độ bền của đá lát.
Ông Phạm Duy Tuấn, người dân sống khu vực quận Hai Bà Trưng chia sẻ: “Thành phố tuyên bố đá vỉa hè có độ bền 70 năm nhưng được 2 năm đã hỏng. Đá hỏng việc thay mới, lát đá lại là việc làm rất cần thiết, để bảo đảm cảnh quan đô thị. Nhưng rất mong các cơ quan chức năng phải tính toán cẩn thận, đưa ra những phương án khắc phục để bảo đảm chất lượng và độ bền vững cho đá lát vỉa hè, tránh lãng phí, tốn kém”.
Đồng ý với chủ trương của TP. Hà Nội về việc thay lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, ông Nguyễn Ngọc Thoan (quận Hoàn Kiếm) nêu quan điểm: Sau khi được lát đá cũng như sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường sẽ tạo được cảnh quan thống nhất và có giá trị sử dụng lâu dài. Thực tế cho thấy, các loại gạch trước kia lát được vài tháng là bắt đầu mất màu, một số chỗ mặt vỉa hè mấp mô. Mưa nhiều còn bám rêu mốc, không an toàn, mất mỹ quan đô thị và cứ 3-4 năm lại phải thay một lần. Cứ đào lên, lấp xuống khiến phố phường lem nhem, đời sống người dân bị ảnh hưởng nhiều.
Chia sẻ ý kiến của mình, anh Nguyễn Tuấn Việt, quận Thanh Xuân cho hay: Tình trạng thoát nước ở Hà Nội vẫn đang là vấn đề lớn, có một số đoạn đường mỗi khi trời mưa là bị ngập. Đường phố nhiều chỗ vẫn còn ổ gà, dây điện, cáp viễn thông, trạm biến áp như tơ nhện. Theo anh Việt, bên cạnh việc lát đá vỉa hè, Hà Nội cũng nên tập trung duy tu, bảo dưỡng đường, cải thiện môi trường. Bởi cứ lát đá xong, hệ thống điện nước, cáp ngầm lại bị đào lên sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của đá vỉa hè.
Ý kiến của anh Nguyễn Tuấn Việt cho thấy việc lát đá vỉa hè không chỉ quan trọng trong khâu thực thi, quản lý khi thi công, mà còn rất quan trọng trong khâu quản lý sau lát đá. Như vậy mới có thể bảo đảm được độ bền của đá, đúng chất lượng của đá vỉa hè.
Đồng nhất với quan điểm trên, một số chuyên gia quy hoạch đô thị cho ý kiến, điểm tích cực khi đồng bộ lát vỉa hè bằng đá tự nhiên là sự sạch đẹp, văn minh đô thị trong tương lai. Tuy nhiên, Hà Nội cần tính toán kỹ nếu làm đại trà, phải đồng bộ hạ tầng điện, nước, cáp viễn thông thời gian nào cho hợp lý. Đồng thời, phải quy rõ trách nhiệm cho các tập thể, cá nhân để không xảy ra tình trạng đá vừa lát xong đã hỏng.
Tại sao lát đá vỉa hè khó đạt hiệu quả như mong đợi?
Trả lời phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về việc tại sao trước đây Hà Nội đã thí điểm nhiều loại vật liệu đá lát vỉa hè mà chưa vật liệu nào ổn định, hiệu quả không như mong đợi, ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để bảo đảm độ bền vĩnh cửu của đá vỉa hè thì các cơ quan chức năng cần phải chú trọng đến khâu tư vấn, thiết kế, lựa chọn vật liệu đá phù hợp với từng khu vực.
Ông Chính cho rằng, cần xem xét nguồn gốc của loại đá từ mỏ nào, tính hóa lý, độ bền vững, độ thấm nước của đá, không trơn trượt... Việc tính toán phải chi tiết, cụ thể để bảo đảm chất lượng, kỹ thuật. Việc trồng cây cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh để tình trạng cây mọc, phát triển làm bong tróc, hỏng vỉa hè. Muốn làm được việc này, cần thành lập hội đồng thẩm định, đấu thầu, xem xét và nghiệm thu để tìm ra loại đá tốt.
Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong và sau khi thi công cũng rất cần thiết, nhằm bảo đảm thi công đúng theo quy trình, kỹ thuật, bảo đảm chất lượng công trình. Sau đó, cần có hội đồng nghiệm thu để rút kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ các công trình đang thi công. Bởi theo ông Chính, chỉ cần một người dân thiếu ý thức, đỗ xe hoặc đi vào chỗ công trình vừa thi công, mặc dù có biển báo công trình đang thi công, cần giữ gìn, thì việc bảo vệ tính bền vững, giữ tuổi tác cho đá lát vỉa hè là điều rất khó.
Thời gian qua, chưa cần phải nghiên cứu sâu về chất lượng đá và kỹ, mỹ thuật lát đá vỉa hè, bằng cảm quan cũng có thể nhận diện “thủ phạm” khiến vỉa hè vừa được chỉnh trang sạch đẹp xong, nhưng chẳng mấy chốc có chỗ đã bị sứt mẻ, mất mỹ quan đô thị. “Thủ phạm” vô hình là khi tắc đường, người đi xe máy bất chấp vỉa hè được bó cao, vẫn chen lấn, trèo lên đường dành cho người đi bộ, có đoạn lái xe ô tô cũng cố trèo lên vỉa hè. Thậm chí, vỉa hè vừa lát xong, hệ thống điện nước, cáp ngầm lại đào bới, nhưng hoàn trả mặt đường không theo yêu cầu. Tiếp đến, nhiều tuyến phố vỉa hè biến thành bãi gửi xe ô tô, xe máy…, hằng ngày chịu tải khối lượng nặng thì cũng khó bảo đảm được độ bền của đá vỉa hè.
Tham khảo các nước trên thế giới, có nhiều nước giữ được độ bền cho vỉa hè hàng trăm năm tuổi như tại Pháp, Nhật, Hàn Quốc… bởi họ quy định vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ, cây xanh được trồng xung quanh, có biển báo hiệu, thanh chắn bằng thép. Chỉ cần ô tô đỗ sai vào vỉa hè, camera ghi lại, cảnh sát giao thông sẽ xử lý ngay. Còn nếu muốn sử dụng thêm chức năng khác cho vỉa hè thì thiết kế phải khác.
Tại Hà Nội, nhìn lại, có thể vấn đề chúng ta nên quan tâm là làm thế nào chấm dứt tình trạng phương tiện giao thông đi trên vỉa hè, giữ gìn vỉa hè. Đồng thời, xử lý triệt để tình trạng vi phạm trật tự, lấn chiếm vỉa hè, trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ và vỉa hè được sử dụng đúng mục đích.