Chương trình Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030: 

Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính


Chiều ngày 18/3, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình tổng thể Cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Nguồn: chinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Nguồn: chinhphu.vn

Khoảng 200 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được thông qua trong giai đoạn 2011-2020

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, qua 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, đã có 4 cuộc cải cách lớn được thực hiện đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước gồm: Cải cách giáo dục, cải cách tiền lương, CCHC và cải cách tư pháp. Trong đó, CCHC liên quan nhiều đến bộ máy, thể chế, đội ngũ, sự nghiệp công, tài chính công cùng nhiều nội dung liên quan đến con người và bộ máy hành chính nhà nước.

Khái quát kết quả CCHC, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong 10 năm qua, công tác cải cách thể chế đã được quan tâm chỉ đạo sát sao, hướng vào phục vụ người dân, doanh nghiệp, phục vụ sự phát triển, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Trong giai đoạn 2011-2020, Chính phủ trình Quốc hội thông qua khoảng 200 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, trong đó có nhiều văn bản mang tính nền tảng như Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Điều ước quốc tế, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… Bên cạnh đó, Chính  phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành khoảng 2.050 văn bản quy phạm pháp luật; chính quyền địa phương ban hành gần 9.000 văn bản…

Cải cách thủ tục hành chính được xác định là một khâu đột phá, được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính. Theo đó, đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.

Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã đạt được những kết quả rất tích cực, việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu tình trạng chậm muộn, nhũng nhiễu, tỉ lệ giải quyết đúng hạn đạt 97,37%.

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước được đẩy mạnh, khắc phục về cơ bản những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn trước. Ở Trung ương, đã giảm 12 tổ chức cấp vụ và tương đương, giảm 4 tổng cục, 10 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ.

Nhờ các kết quả đạt được, nhiều tổ chức kinh tế lớn trên thế giới đã đánh giá Việt Nam là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số, tăng hạng tốt nhất toàn cầu. Một loạt chỉ số của Việt Nam được các cơ quan, tổ chức quốc tế đánh giá có sự cải thiện cả về điểm số và vị trí xếp hạng so với năm 2011.

Có thể kể đến như: Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020, Việt Nam duy trì xếp hạng cao, xếp thứ 42/131; Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019, Việt Nam xếp thứ 67/141 quốc gia và nền kinh tế, tăng 10 bậc so với năm 2018, mức tăng cao nhất trên thế giới; Chỉ số Chính phủ điện tử năm 2020, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 86/193 quốc gia, tăng 2 bậc so với 2018, duy trì tăng hạng liên tục từ năm 2014 đến nay.

Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước

Về định hướng CCHC thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cần xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp. “Làm sao việc giải quyết thủ tục của cơ quan Nhà nước ít tiếp xúc với người được giải quyết công việc để chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Tăng cường thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm, xem xét lại mô hình tổng cục hiện nay.

Thủ tướng yêu cầu, đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện sang công ty cổ phần, đơn vị tự chủ.

Bên cạnh đó, tập trung đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan, đơn vị gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra; Đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc, thay đổi căn bản phương thức chỉ đạo điều hành, quản lý sang điện tử và dựa trên dữ liệu số; thực hiện chuyển đổi số quốc gia và xây dựng bộ máy hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. 

“Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…", Thủ tướng nhấn mạnh.