Rà soát, bổ sung các chính sách ưu đãi thuế hỗ trợ hợp tác xã phát triển

Hải An

Ngày 12/03/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 340/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030. Với quan điểm phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phải dựa trên nội lực của tổ chức là chính, Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển…, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi về thuế cho các hợp tác xã phát triển trong tình hình mới.

Nhà nước thường xuyên xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã phát triển
Nhà nước thường xuyên xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã phát triển

Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã. Từ đó, không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Các mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2030 là cả nước có khoảng 140 nghìn tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên, 45 nghìn hợp tác xã với 8 triệu thành viên, 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên; Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% - 70% trên tổng số hợp tác xã cả nước. Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 25%; khoảng 80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc.

Bên cạnh đó, cả nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam có trên 5.000 hợp tác xã và 500 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản; đồng thời, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Chính phủ giao các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện nhóm giải pháp: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; Hướng dẫn tổ chức, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã…

Bên cạnh đó, một nhiệm vụ rất quan trọng mà Chính phủ giao các bộ, ngành là tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách; Rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững, phù hợp với xu thế phát triển hợp tác xã quốc tế và tình hình thực tế của Việt Nam trong mỗi giai đoạn phát triển.

Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan cân đối, bố trí vốn sự nghiệp để thực hiện Chiến lược; Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi về thuế cho các hợp tác xã để tạo điều kiện hỗ trợ hợp tác xã phát triển trong tình hình mới.

Bộ Tài chính cũng chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan cân đối, bố trí vốn sự nghiệp theo phân cấp ngân sách hiện hành, phù hợp khả năng cân đối của ngân sách trung ương hàng năm, để thực hiện Chiến lược theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Các mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2030 là cả nước có khoảng 140 nghìn tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên, 45 nghìn hợp tác xã với 8 triệu thành viên, 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên; Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% - 70% trên tổng số hợp tác xã cả nước. Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 25%; khoảng 80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc.