Lấy ý kiến dự thảo thông tư và quy trình VNACCS/VCIS
(Tài chính) Ngày 15/10, tại Đồng Nai, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo thông tư và quy trình thủ tục hải quan phục vụ triển khai hệ thống VNACCS/VCIS.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục và Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020, Hải quan Việt Nam đang triển khai công tác hiện đại hóa với trọng tâm là Hệ thống thông quan hàng hóa tự động VNACCS/VCIS. Chỉ trong 2 năm, ngành Hải quan đã thực hiện toàn bộ các công việc cần thiết để từ tháng 4/2014, hệ thống VNACCS/VCIS sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng, hiện có 2 bất cập cơ bản là trong Luật Hải quan hiện hành chưa tạo điều kiện hành lang pháp lý cho việc triển khai hệ thống VNACCS/VCIS và chưa có quy định cụ thể đối với các loại hình hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng chế biến XK, hàng gia công của doanh nghiệp trong KCX, KCN và Khu Kinh tế cửa khẩu, thủ tục hải quan đối với đầu tư miễn thuế, khu phí thuế quan…
“Hội thảo lần này nhằm lấy ý kiến toàn ngành và các chuyên gia về công tác triển khai hệ thống VNACCS/VCIS tập trung ở các nội dung: hoàn thiện thiện cơ sở pháp lý, thảo luận làm rõ nội dung dự thảo thông tư và quy trình thủ tục hải quan phục vụ triển khai hệ thống VNACCS/VCIS và thống nhất nội dung trình Bộ Tài chính, doanh nghiệp và các cơ quan có thẩm quyền. Mục đích hướng đến của Dự thảo thông tư và quy trình này là sẽ tối ưu hóa công tác hải quan, giúp doanh nghiệp thông quan hàng hóa nhanh chóng, dễ dàng nhất góp phần thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Công Bình nhấn mạnh.
Theo đại diện Ban thư kí Dự án VNACCS/VCIS, một số nội dung mới doanh nghiệp cần chú ý trong dự thảo thông tư quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua hệ thống VNACCS/VCIS như bắt buộc sử dụng chữ ký số với người thực hiện tờ khai hải quan điện tử, doanh nghiệp có thể thực hiện khai tạm và khai chính thức, quy định không giới hạn số lần sửa đổi bổ sung thông tin khi khai tạm tuy nhiên khi đã khai chính thức sẽ chịu trách nhiệm pháp lý.
Thông tư cũng quy định doanh nghiệp có thể thực hiện khai sửa đổi bổ sung trước thời điểm thông quan đối với luồng Xanh, sau thời điểm kiểm tra hồ sơ đến trước thời điểm thông quan đối với luồng Vàng và sau kiểm tra thực tế hàng hóa đối với luồng Đỏ. Trong trường hợp muốn giải phóng hàng khi hàng hóa được phép xuất nhập khẩu nhưng chưa có đủ cơ sở xác định chính xác số thuế phải nộp, doanh nghiệp cần có bảo lãnh với số thuế do doanh nghiệp tự xác định …
Một số điểm mới về quy trình các cơ quan Hải quan cần lưu ý là trách nhiệm của Chi cục trưởng được quy định phân công kiểm tra hồ sơ, phân công công chức kiểm hóa, phê duyệt mức độ kiểm tra và các đề xuất, phê duyệt giải phóng hàng, mang hàng về bảo quản.
Hệ thống tự động quyết định thông qua việc kiểm tra các điều kiện liên quan đối với cả 3 luồng, công chức có thẩm quyền chỉ xác nhận hoàn thành việc kiểm tra những nội dung được yêu cầu trên hệ thống, công chức không thực hiện xác nhận trên bất cứ chứng từ liên quan nào về các nội dung trên.
Ngoài ra, cơ quan Hải quan không thể phúc tập ngay đối với những tờ khai luồng xanh trong ngày vì thông tin tờ khai luồng xanh không chuyển sang VCIS online, khi phát hiện vi phạm đột xuất đối với tờ khai luồng xanh không thể can thiệp đột xuất.
Góp ý dự thảo thông tư và quy trình triển khai hệ thống VNACCS/VCIS, đại diện Hải quan các địa phương đề xuất cần quy định rõ hơn về thời gian sửa tờ khai hải quan chính thức, ngoài ra cần có quy định về trường hợp doanh nghiệp yêu cầu xác nhận thông quan trên hồ sơ giấy, quy định về chức năng nhiệm vụ của Trung tâm hỗ trợ xử lý rủi ro, quy định cụ thể về các trường hợp dừng thông quan đột xuất, thẩm quyền của Chi cục trưởng…