Lên phương án kết thúc đàm phán TPP vào năm 2015
(Tài chính) Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết như vậy tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2014, diễn ra vào chiều ngày 1/12. Đồng thời, tại phiên họp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã trả lời nhiều vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm trong thời gian qua.
Đặc biệt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đã có khởi sắc hơn, số DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động giảm 1,5% so với tháng trước; DN thành lập mới trong tháng 11 tăng 13,7% với số vốn tăng trên 20% so với tháng trước.
Đáng chú ý, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục được cải thiện, 11 tháng 2014 ước tăng 11,1%, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 6,5% (cùng kỳ tăng 5,5%), trong khi các năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt tăng là 4,1%, 6,3% và 5,5%. Như vậy, nhu cầu tiêu dùng 11 tháng năm 2014 ở mức cao hơn những năm trước.
Phân tích về nguyên nhân dẫn tới Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2014 giảm – 0,27% so với tháng trước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng, kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, không có biểu hiện giảm phát. Nguyên nhân chủ yếu của lạm phát tăng thấp do giá đầu vào (giá xăng, giá gas) giảm mạnh trong thời gian qua, không phải do tổng cầu yếu.
Cũng tại phiên họp, trả lời báo giới về giải pháp cân đối thu – chi ngân sách khi giá dầu giảm mạnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn nên cho biết, hiện nay, giá dầu giảm nhanh, theo dự báo của các chuyên gia, có thể tăng lại khoảng giữa năm 2015, nhưng đó chỉ là dự báo và tình hình vẫn đang diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, Chính phủ báo cáo kế hoạch cân đối ngân sách với Quốc hội, đã dự tính là giá dầu 100 USD/thùng. Tới giờ này, như bạn nói, giảm khoảng 30 USD, con số có thể còn thay đổi.
“Chúng ta cứ tính rằng, mỗi 1 USD giảm thì chúng ta mất 1.000 tỷ đồng và như thế nếu năm 2015, giá dầu xuống trên dưới 80 USD/thùng, chúng ta mất khoảng 20.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng nói.
Để có phương án đối phó với tình hình này, tại phiên họp này, Bộ Tài chính đã có tính toán các phương án để bù đắp khoản hụt thu đó. Hiện nay, có rất nhiều điểm khai thác với giá thành từ 35 - 40 cho tới 70 USD/thùng.
“Thủ tướng đã chỉ đạo xem xét lại những mỏ dầu có giá thành cao, tính toán không khai thác lúc này, chỉ khai thác những mỏ dầu có thể đem lại lợi nhuận tương đối. Đồng thời, tính toán cân đối các nguồn khác để bù đắp số hụt có thể xảy ra. Đến giờ này, có thể tạm yên tâm rằng, phương án bù đắp của Bộ Tài chính đưa ra là khả thi”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Năm 2015 có thể kết thúc đàm phán TPP
Trước câu hỏi của báo chí về phương án, lộ trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong thời gian qua, đàm phán TPP đã trải qua hơn 20 phiên chính thức, nhiều phiên đàm phán giữa kỳ, giữa các nhóm nhỏ.
Đặc biệt đã trải qua 5 phiên đàm phán cấp Bộ trưởng, gần đây nhất đàm phán Bộ trưởng được tổ chức tại
Lãnh đạo các quốc gia không đưa ra thời hạn cụ thể, nhưng nếu đọc tuyên bố các nhà lãnh đạo đàm phán TPP, sẽ thấy tinh thần quyết tâm và khẩn trương giao nhiệm vụ cụ thể hướng đến kết thúc đàm phán trong thời gian sớm nhất có thể.
“Đêm nay (1/12), đoàn Việt Nam sẽ lên đường tham dự đàm phán cấp trưởng đoàn tại Washington DC, tập trung vào một số nội dung tương đối phức tạp là: DN Nhà nước (DNNN), môi trường, mở cửa thị trường hàng hóa, đặc biệt là đàm phán về quy tắc xuất xứ. Tiếp theo đó, hiện nay thời gian chưa xác định cụ thể, nhưng nhiều khả năng trong tháng 1/2015, sẽ có vòng đàm phán nữa, bàn tiếp các vấn đề khó như sở hữu trí tuệ, đưa lên các Bộ trưởng một phương án cả gói để kết thúc đàm phán sớm nhất trong năm 2015”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.
Trả lời câu hỏi của báo chí về đàm phán TPP có đề cập đến nền kinh tế số và đảm bảo quyền riêng tư cá nhân hay không? Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, trong đàm phán TPP, Việt Nam có đàm phán chương thương mại điện tử. Hai nguyên tắc cơ bản của thương mại điện tử là tự do lưu chuyển thông tin trên Internet. Nếu không có tự do lưu chuyển thông tin thì không thể có thương mại điện tử. Nguyên tắc thứ hai là không yêu cầu bên khác đặt máy chủ trên lãnh thổ nước mình mới được làm thương mại điện tử.
Tuy nhiên, trong lúc thừa nhận các nguyên tắc cơ bản đó, tất cả các quốc gia đàm phán TPP cũng như Việt Nam, Liên minh châu Âu (EU) đều thừa nhận các ngoại lệ của nguyên tắc đó. Ngoại lệ đầu tiên là vấn đề an ninh quốc gia, một quốc gia có thể thực hiện bất kỳ biện pháp nào, kể cả hạn chế thương mại điện tử, nếu như thực hiện vì lý do đảm bảo an ninh quốc gia.
Thứ hai, các quốc gia liên quan có thể thực hiện bất kỳ biện pháp nào không phù hợp với các quy định của hiệp định nếu như các biện pháp đó đảm bảo mục tiêu công cộng chính đáng. Chúng ta có nhiều mục tiêu công cộng chính đáng như: An toàn, trật tự xã hội.
Thứ ba, các quốc gia đều có quyền kiểm soát thông tin trên mạng để đảm bảo thuần phong mỹ tục, đảm bảo quy định pháp luật quốc gia về quyền riêng tư…
“Trong tương lai, chúng ta hoan nghênh tất cả các nhà cung cấp thương mại điện tử trên Internet nhưng chúng ta có quyền thực hiện pháp luật quốc gia về đảm bảo quyền riêng tư với các nhà cung cấp dịch vụ, kể cả khi các nhà các nhà cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ hay từ bên ngoài Việt Nam, bất kể nhà cung cấp nào…”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Yêu cầu DN vận tải kê khai giảm giá cước
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến giá cước vận tải tại buổi họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải cũng như UBND các tỉnh, thành phố để phối hợp cùng kiểm soát giảm giá cước vận tải theo mức giảm của giá xăng dầu.
"Chúng tôi cũng đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải thành lập các đoàn kiểm tra làm việc với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng về giá vận tải", Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.
Kết quả, tại Hà Nội, các DN kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 2 - 10%; kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 5,8-10% và vận tải hàng hóa kê khai giảm giá 3,4 - 3,9%.
Tại TP. Hồ Chí Minh, tại thời điểm kiểm tra, nhiều DN kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước từ 2,7-9% (tuỳ cự ly vận chuyển), vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá 2 - 11,33%.
Tại Đà Nẵng, các DN kinh doanh dịch vụ taxi kê khai giảm giá từ 3 - 32%, các tuyến vận tải cố định Đà Nẵng tới các tỉnh cũng sẽ tính toán kê khai giảm, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đã kê khai giảm từ 3,2-6,7%.
Ngày 1/12/2014, Bộ Tài chính có công văn số 17496 /BTC-QLG về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn và triển khai thực hiện Thông tư liên tịch 152/2014/TTLT/BTC-BGTVT (thay thế Thông tư liên tịch số 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT, đã có hiệu lực thi hành) gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với đó, tiếp tục giám sát kê khai giảm giá cước vận tải phù hợp giá xăng dầu. Trường hợp cần thiết thành lập đoàn liên ngành thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về giá, báo cáo về Bộ trước ngày 15/12/2014.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các Sở Tài chính triển khai, hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT. Theo đó, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tham mưu trình UBND cấp tỉnh xem xét bổ sung dịch vụ kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải vào danh mục dịch vụ thực hiện kê khai giá tại địa phương nếu thấy cần thiết; thông báo danh sách các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai giá cước vận tải ô tô trên địa bàn địa phương…