Lệnh trừng phạt, Nga hay phương Tây chịu thiệt?

Theo vnmedia.vn

(Tài chính) Lệnh trừng phạt Nga có thể sẽ bắt đầu từ ngày hôm nay (17/3). Các nhà phân tích cho rằng, cả Nga và EU sẽ chịu ảnh hưởng nếu lệnh trừng phạt được áp dụng, kéo theo đó là những hệ lụy khó lường.

Lệnh trừng phạt, Nga hay phương Tây chịu thiệt?
Lệnh trừng phạt đối với Nga có thể sẽ bắt đầu từ hôm nay (17/3). Nguồn: internet
Chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên thứ Sáu với mức giảm hàng tuần lớn nhất trong bảy tuần qua khi cuộc đối đầu tồi tệ nhất giữa Nga và phương Tây kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh vẫn đang tiếp diễn. Thị trường cũng chịu sức ép ảm đạm do những lo ngại về sự suy giảm nền kinh tế Trung Quốc.

Nhà Trắng bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý và nói hành động của Nga là “nguy hiểm và gây bất ổn”.

Lệnh trừng phạt, Nga chịu thiệt thòi hơn?

Đề cập đến kế hoạch trừng phạt kinh tế, Sam Wardwell, nhà chiến lược đầu tư của Pioneer Investmens ở Boston, Mỹ cho biết, EU phụ thuộc khí đốt tự nhiên của Nga, đó là một sự hủy diệt kinh tế lẫn nhau. Hiện Nga đang cung cấp khoảng 1/3 tổng nhu cầu khí đốt của châu Âu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh châu Âu đang phục hồi kinh tế và mùa xuân đang tới, thời tiết ấm dần lên, Nga cần tiền bán nhiên liệu hơn là châu Âu cần khí đốt của Nga.

Phương Tây coi cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại Crimea là bất hợp pháp, và cho rằng hoạt động quân sự của Nga ở Crimea là vi phạm chủ quyền của Ukraine và sẽ ảnh hưởng đến kết quả của cuộc trưng cầu dân.

Mỹ và châu Âu nói Nga sẽ phải trả giá cho việc sáp nhập Criema, và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo về một hiểm họa.

Lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đối với Nga có thể sẽ chính thức vào thứ Hai (17/3). Châu Âu và Mỹ có thể ban hành các lệnh cấm hạn chế đi du lịch và đóng băng các tài sản của một số cá nhân thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nga cho biết sẽ trả đũa biện pháp trừng phạt của EU và Mỹ.

Các biện pháp trừng phạt tập trung vào một số cá nhân thay vì các công ty của Nga hay hoạt động thương mại phản ánh sự lo ngại về một cuộc chiến tranh lạnh mới có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi vốn còn mong manh của châu Âu và Mỹ.

Đối với nền kinh tế Nga: Biện phát trừng phạt sẽ làm tổn hại cả hai bên, các nhà phân tích nói, Nga sẽ phải chịu thiệt thòi nhiều hơn so với phương Tây. Kim ngạch xuất khẩu của Liên minh châu Âu sang Nga chỉ chiếm gần 1% GDP của EU, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Nga sang EU chiếm gần 15% GDP của Nga

Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin, hiện là cố vấn kinh tế cho Thủ tướng Putin, cho biết ngay cả biện pháp trừng phạt cũng sẽ ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài và trong nước Nga. Các ngân hàng phương Tây đã đóng dòng tín dụng. Ông Kudrin đã trích dẫn rằng nền kinh tế Nga có thể sẽ không tăng trưởng trong năm nay do hệ quả của tình hình căng thẳng hiện nay.

Thị trường Nga đang chao đảo. Trong đó chỉ số chứng khoán MICEX giảm khoảng 20% từ đầu năm đến nay, và đồng Rúp đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD.

Theo ngân hàng đầu tư Renaissance Capital của Nga, các nhà đầu tư đã rút khoảng 33 tỷ USD ra khỏi nước Nga trong hai tháng đầu năm nay, và con số này có thể lên tới 55 tỷ USD vào cuối tháng 3.

Nga cũng sẽ đối mặt với một khoản hỗ trợ khổng lồ cho Crimea. Bán đảo Crimea đang phụ thuộc khoảng 70% ngân sách của Ukraine, và cũng phụ thuộc tới 90% nguồn cung nước, cùng phần lớn năng lượng và thực phẩm.

“ Đó sẽ là một vấn đề lớn đối với Nga khi phải cung cấp tất cả các nhu yếu phẩm hàng ngày cần thiết cho người dân”, Yaroslav Pylynskyi, một giám đốc thuộc Trung tâm Woodrow Wilson nói.

Chuyên gia Helena Yakovlev Golani đến từ Đại học Toronto ước tính, Nga sẽ phải bỏ ra khoảng 10 tỷ USD hàng năm trong vòng 5 năm tới để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ lương hưu và chi trả các khoản an sinh xã hội cho gần 2 triệu người ở Crimea.

Về cung cấp năng lượng: Theo các nhà phân tích, trong trạng thái kinh tế suy yếu, Nga không thể để mất doanh thu xuất khẩu. Mối đe dọa ngừng cung cấp khí đốt sẽ không đáng lo ngại như lần đã xảy ra trong năm 2009, vì các kho dự trữ khí đốt châu Âu cao hơn và thời tiết trở nên nóng nực hơn.

Đức chịu ảnh hưởng lớn nhất

Đối với nền kinh tế châu Âu: Thị trường châu Âu có thể  bị ảnh hưởng ít hơn từ quan hệ với Nga. Đức sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất khi hiện có hơn 6.000 công ty đang hoạt động tại Nga.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế kỳ vọng những ảnh hưởng tiêu cực sẽ được hạn chế. Chuyên gia kinh tế Holger Schmieding Berenberg cho biết tăng trưởng của Đức sẽ chỉ giảm đi khoảng 0,1% - 0,2% trong vòng 12 tháng tới, giả sử cuộc khủng hoảng được hạn chế trong phạm vi của Crimea.

Ukraine vẫn cần nhiều tỷ đô la Mỹ

Ukraine: Có hoặc không có Crimea, Ukraine vẫn sẽ cần hàng tỷ USD để hỗ trợ tài chính trong vài tháng tới mới có thể trụ vững được.

EU đã đề nghị cung cấp cho Ukraine 15 tỷ USD trong hai năm tới, dưới hình thức cho vay, tài trợ, đầu tư và nhượng quyền thương mại. Mỹ đã hữa 1 tỷ USD bảo lãnh vốn vay và Ngân hàng Thế giới cũng sẽ hỗ trợ khoảng 3 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng  và các dự án an sinh xã hội.

Một nhóm nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tới Kiev để khảo sát thực tế từ ngày 4/3. IMF cũng cho biết nhóm này sẽ ở lại cho đến ngày 21/3 để bắt đầu đàm phán về chương trình hỗ trợ và cải cách kinh tế.