Leo thang chiến tranh thương mại, Mỹ-Trung bên nào thiệt hơn
Hầu hết các phân tích gia đồng ý rằng Bắc Kinh sẽ thiệt hại nhiều hơn Washington nếu chiến tranh thương mại kéo dài. Tuy nhiên, nước Mỹ và chính quyền Tổng thống Trump cũng sẽ không tránh được cảnh "gậy ông đập lưng ông".
Bắt đầu từ rạng sáng ngày 10/5 (giờ địa phương), Mỹ đã tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả nhanh chóng với tuyên bố nâng thuế với 60 tỷ USD hàng hoá đã chịu thuế từ đợt trước của Mỹ. Đợt tấn công này xảy ra sau khi Tổng thống Trump quyết định gia tăng áp lực với cáo buộc Bắc Kinh rút lại cam kết đối với một số nội dung của thỏa thuận thương mại đang đàm phán.
Trung Quốc thiệt nhiều hơn?
Hầu hết các phân tích gia đồng ý rằng Bắc Kinh sẽ thiệt hại nhiều hơn Washington nếu chiến tranh thương mại kéo dài. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể giảm khoảng 1,6% trong năm nay nếu các mức thuế trừng phạt của Mỹ tiếp tục đẩy các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ, theo ước đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Trung Quốc sẽ cảm nhận nhiều đau đớn hơn Mỹ cho sự quá phụ thuộc của nước này vào thương mại và vào công nghệ cốt lõi của Mỹ trong chuỗi cung cấp của mình.
Thứ nhất, Trung Quốc sẽ không gây ra nhiều tổn thương cho đối thủ vì nước này xuất khẩu nhiều hơn, so với nhập khẩu từ Mỹ. Năm ngoái, Bắc Kinh đã xuất khẩu hàng hóa trị giá hơn 500 tỷ USD sang Mỹ. Ngược lại, Mỹ chỉ bán lượng hàng hóa trị giá 130 tỷ USD cho Trung Quốc.
Thứ hai, nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào thương mại song phương hơn là Mỹ. Xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này (theo một Sách trắng do Quốc vụ viện Trung Quốc mới phát hành đầu tuần này).
Hiện tại, thương mại chiếm gần 20% GDP của Trung Quốc trong khi chiếm khoảng 14% sản lượng kinh tế của Mỹ. Và xuất khẩu giá trị gia tăng của Mỹ sang Trung Quốc tương đương 0,7% GDP của nước này, trong khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tương đương khoảng 3% sản lượng kinh tế. Lý thuyết kinh tế cho thấy một cuộc chiến thương mại sẽ làm tổn thương một nhà xuất khẩu hơn là một nhà nhập khẩu.
Thứ ba, một hậu quả của cuộc chiến thương mại sẽ là việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn lâu nay phục vụ những lợi ích tốt nhất cho Trung Quốc. Sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc trong bốn thập kỷ qua đã được xây dựng dựa trên vai trò là trung tâm sản xuất của thế giới. Một cuộc chiến thương mại kéo dài sẽ buộc các công ty nước ngoài phải đa dạng hóa hoặc chuyển nguồn cung khỏi Trung Quốc và chuyển các dây chuyền sản xuất của họ sang các nước an toàn hơn như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Mexico, trong nỗ lực tránh các đòn thuế trừng phạt.
Trong khi đó, nước Mỹ đang có tăng trưởng kinh tế mạnh, thị trường lao động lành mạnh và Phố Wall ổn định, với ít lo sợ hơn. Những yếu tố này đã giúp Chính quyền Tổng thống Trump thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 3,2% trong quý đầu năm nay, tỷ lệ thất nghiệp đang dao động ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm, và sự hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ đã củng cố lòng tin của nhà đầu tư cho dù niềm tin đó có được trong lúc có hy vọng vào việc hai nước sắp đạt được thỏa thuận.
“Mỹ nhập khẩu khoảng 540 tỷ USD hàng Trung Quốc vào năm ngoái và xuất sang Trung Quốc 120 tỷ”, ông Robert E Scott, nhà kinh tế tại Viện Chính sách Kinh tế (EPI) nói với kênh Al Jazeera. “Cả hai con số đó đều không là bao so với quy mô kinh tế Mỹ, vốn đã đạt được 21.100 tỷ USD trong quý đầu tiên”.
Ông Scott cũng nói rằng tỷ lệ này của Trung Quốc lớn hơn nhiều. “Tổng số 540 tỷ USD hàng xuất khẩu của họ đến Mỹ trong năm 2018 chiếm 4% của nền kinh tế 13.400 tỷ của Trung Quốc… Nói cách khác, Trung Quốc bị tổn thương nhiều hơn bảy lần so với Mỹ khi thương mại bị gián đoạn trong cuộc tranh chấp này”.
Ảnh hưởng với Mỹ đến đâu
Cho dù Mỹ có ở trong vị trí tốt hơn Trung Quốc trong chiến tranh thương mại thì những hậu quả của nó là không thể tránh khỏi.
“Nếu đòn thuế quan của ông Trump phát triển thành cuộc chiến thương mại toàn diện, tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ bị kéo xuống, có khả năng là 0,5% và thị trường chứng khoán thậm chí còn bị ảnh hưởng lớn hơn nữa”, ông Gary Clyde Hufbauer, chuyên gia cao cấp tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế nhận định với đài VOA.
Ông Hufbauer nói thêm rằng trong trường hợp leo thang hơn nữa, người tiêu dùng có thể thấy nhiều mặt hàng tăng giá đáng kể, trong khi các doanh nghiệp Mỹ sẽ thiệt hại.
“Ở phía nhập khẩu của Mỹ, một loạt mặt hàng tiêu dùng bày bán trong các siêu thị như Walmart và Target sẽ đắt đỏ hơn. Còn ở phía xuất khẩu, sản phẩm nông nghiệp của Mỹ sẽ ứ đọng. Các tập đoàn tài chính phục vụ doanh nghiệp lớn như Ngân hàng JPMorgan Chase sẽ thiệt hại và xuất khẩu những sản phẩm công nghệ cao của Mỹ như máy bay và turbine sẽ giảm, ông Hufbauer nói.
Một số nhà phân tích tin rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ dừng lại ở miệng vực. “Tôi vẫn nghĩ là họ sẽ đạt được thỏa thuận,” ông Edward Alden, chuyên gia cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói với tờ Al Jazeera “Phía Trung Quốc đang bị thiệt hại nhiều hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không thể duy trì được cuộc chiến lâu dài”, ông Alden nhận định.
Trong khi đó, Đảng Cộng hòa ủng hộ rộng rãi nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm chống lại hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ, thao túng thị trường và các hàng rào thương mại khác của Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nghị sỹ Cộng hòa đang trở nên mất kiên nhẫn và nản lòng với thiệt hại lớn từ chiến tranh thương mại khi đã hơn 1 năm sau khi ông Trump nói rằng cuộc chiến thương mại là ‘dễ thắng lợi’.
Sự nản lòng đó dễ thấy nhất ở những bang nông nghiệp vốn chịu thiệt thòi nhiều nhất từ các đòn thuế trả đũa của Trung Quốc đối với hàng nông nghiệp Mỹ và điều đó đặt ra nguy cơ cho chiến lược tái tranh cử của ông Trump, nhất là ở các bang miền Trung Tây. Một số Thượng nghị sỹ Cộng hòa đã cảnh báo Phó Tổng thống Mike Pence rằng sự bất lực của Tổng thống Trump trong việc đạt được thỏa thuận với Trung Quốc đang gây tổn thương cho kinh tế nông nghiệp.
“Có một cảm giác rất mạnh mẽ ở những vùng nông nghiệp rằng họ đang bị đưa ra làm con tốt thí trong toàn bộ sự việc này”, tờ The Hill dẫn lời Thượng nghị sỹ Cộng hòa Pat Roberts của tiểu bang Kansas, Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp Thượng viện.
“Tổng thống đang đi đúng cuộc chiến,” Nghị sĩ Cộng hòa Mike Conaway của bang Texas, một thành viên cao cấp của Ủy ban Nông nghiệp Hạ viện, nói. “Lời khuyên duy nhất của tôi đối với Tổng thống và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và những người khác là hãy giải quyết việc này càng nhanh càng tốt bởi vì chúng ta đang chứng kiến nông dân Mỹ chịu đựng mỗi ngày”.
Cuộc chiến của Tổng thống Trump với Trung Quốc diễn ra vào lúc ông đang có tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong nhiệm kỳ và một nền kinh tế khỏe mạnh – hai nhân tố giúp ông có lợi thế để mạnh tay trong cuộc xung đột này.
Cuộc xung đột với Trung Quốc được đón nhận nhiều hơn ở những bang công nghiệp như Ohio, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin vốn giúp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi năm 2016. Những bang này đóng vai trò then chốt trong chiến lược tái tranh cử của ông.
Mặc dù Đảng Dân chủ đồng ý rộng rãi với những chỉ trích của ông Trump nhắm vào Trung Quốc, nhưng không có khả năng họ dành cho ông Trump sự ủng hộ trong lúc cuộc chiến thương mại gây thiệt hại ngày càng nhiều. Nếu quá trình thương lượng thoả thuận mới bất thành thì các ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ chắc chắn sẽ tận dụng để công kích thành tích kinh tế và khả năng của ông Trump.
Nghị sĩ Dân chủ Tim Ryan của bang Ohio, một ứng viên Tổng thống vào năm 2020, cho biết ông chia sẻ quan ngại của Tổng thống về giao thương với Trung Quốc nhưng chỉ trích việc ông Trump thiếu chiến lược ‘một cách nguy hiểm’.
Ông Steve Okun, chuyên gia thương mại và cố vấn cao cấp tại hãng tư vấn McLarty Associates, phát biểu trên kênh CNBC rằng: “Về mặt chính trị, rất khó để cho Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc để cho mọi người nhìn thấy họ nhượng bộ những yêu cầu của Mỹ".
“Tôi nghĩ rằng cơ hội đạt được thỏa thuận đã giảm đáng kể và khả năng các cuộc đàm phán đổ vỡ đang tăng lên”, ông Nick Marro, một chuyên gia phân tích tại tạp chí Economist, nói trên chương trình ‘Capital Connection’ của CNBC hôm 10/5. Ông Marro cho rằng việc tăng thuế này đã xóa bỏ hết những ‘thiện chí’ và ‘thời cơ tích cực’ tích lũy được trong các cuộc gặp trước đây giữa hai nước.
Theo các nhà phân tích, kịch bản tốt nhất đối với cả hai bên là tiếp tục đàm phán, nhưng việc leo thang thuế quan trong tuần qua cũng làm tăng khả năng Mỹ và Trung Quốc có thể không bao giờ đạt được thỏa thuận. Ông Stefan Legge, một giảng viên và là nhà nghiên cứu kinh tế tại Đại học St. Gallen ở Thụy Sỹ, dự báo chiến tranh thương mại sẽ còn kéo dài chừng nào cả hai nền kinh tế có thể chịu được.