Liên kết chuỗi để chủ động nguồn lực

Theo hanoimoi.com.vn

(Tài chính) Dù dệt may (DM) đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đứng trong top đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, nhưng thực tế chuỗi cung ứng của ngành dệt may còn yếu. Theo các chuyên gia, giải pháp để phát triển ổn định khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là ngành phải liên kết chuỗi để chủ động nguồn lực.

 Liên kết chuỗi để chủ động nguồn lực
Sản xuất tại Công ty Dệt vải công nghiệp Hà Nội. Nguồn: hanoimoi.com.vn
Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, hằng năm các doanh nghiệp (DN) trong ngành cần sử dụng khoảng 820.000 tấn nguyên liệu: Bông tự nhiên 420.000 tấn, xơ các loại 400.000 tấn. Tuy nhiên, Việt Nam phải nhập 415.000 tấn bông (chiếm 99%), bông trong nước chỉ khoảng 5.000 tấn; nhập 220.000 tấn xơ, chiếm 54%. Khó khăn còn ở chỗ không có vải để sản xuất.

Năm 2012, các DN dệt may cần sử dụng khoảng 6,8 tỷ mét vải, nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 800 triệu mét; phải nhập khẩu 6 tỷ mét. Ngoài ra, máy móc, phụ tùng, hóa chất, thuốc nhuộm dùng cho dệt, kéo sợi đều phải nhập khẩu. Trong khi đó, nguồn nhân lực của ngành lại thiếu và yếu, nhất là đội ngũ kỹ thuật, thiết kế, quản lý…

Khi tham gia TPP, các DN dệt may được hưởng thuế suất 0% (hiện xuất khẩu dệt may của nước ta vào Mỹ chiếm 50% tổng kim ngạch, thuế suất trung bình là 17,5%). Tuy nhiên, để được hưởng thuế suất này, toàn bộ các khâu từ kéo sợi, dệt, nhuộm hoàn tất và may phải được thực hiện trong nước. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ các khâu dệt - nhuộm - hoàn tất đang là "nút thắt cổ chai" của toàn ngành.

Vì vậy, giải pháp để phát triển ổn định khi tham gia TPP là phải thực hiện chuỗi cung ứng dệt may để chủ động nguồn lực, thiết bị công nghệ và thị trường; đầu tư vào khâu dệt - nhuộm - hoàn tất để giải quyết nút thắt; đồng thời, gia tăng giá trị bằng cách giảm dần gia công, tiếp tục mở rộng thị trường và phát triển ngành công nghệ may thời trang.

Để chuẩn bị cho TPP, nhiều đơn vị đã nỗ lực đầu tư, trong đó Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) được đánh giá là đơn vị đi đầu. Trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều dự án sợi, dệt nhuộm của Vinatex đã đi vào hoạt động như Nhà máy sợi Vinatex - Hồng Lĩnh quy mô 30.000 cọc sợi, Nhà máy Phú Bài 2 quy mô 15.000 cọc sợi… Hiện tập đoàn đang triển khai nhiều dự án nhà máy sợi quy mô 10.000 - 30.000 cọc sợi như các nhà máy sợi Đông Quý, Phú Hưng, PVTEX Nam Định… Từ nay đến cuối năm, Vinatex sẽ khởi công và hoàn thành 3 dự án nhà máy may tại khu vực miền Trung và các nhà máy may Vinatex Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Vinatex Bồng Sơn (Bình Định), Vinatex Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Vinatex còn thực hiện một số giải pháp mang tính chiến lược như "gọi" nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài có thế mạnh về các sản phẩm còn thiếu hụt như nguyên liệu xơ visco, polyester, đầu tư vào các vùng trồng cây nguyên liệu để tăng tỷ trọng nhằm tạo nguồn nguyên phụ liệu, ổn định sản xuất và tăng tỷ lệ nội địa hóa. Phát triển mối quan hệ hợp tác với các nhà sản xuất có công nghệ tiên tiến. Quy hoạch lại việc tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ phát triển thị trường, thiết kế giỏi, sáng tạo.

Hiệp hội dệt may Việt Nam đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển chuỗi cung ứng như chú trọng mở rộng xây dựng và kiện toàn hệ thống phân phối; xây dựng thương hiệu, tăng tính hợp tác nội ngành; tích cực mở rộng thị trường, chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng và tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Ngành đang nỗ lực phát triển một số thương hiệu sang các thị trường trong khu vực như Lào, Campuchia, Trung Quốc…; đẩy mạnh phương thức sản xuất từ gia công lên FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế và sản xuất); kêu gọi đầu tư vào khu vực nhuộm để tăng khả năng cung cấp vải hoàn tất cho may xuất khẩu...