Liệu có thể thu hồi được số tiền vốn Nhà nước bị thất thoát?

Huyền Châu

(Tài chính) Ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NNPTNT) ký Quyết định 3018/QĐ-BNN-ĐMDN thu hồi gần 40% số vốn Nhà nước thất thoát tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản miền Trung (Seaprodex Đà Nẵng), một nhóm nhà đầu tư (NĐT) sở hữu gần 25% vốn đã phản đối, đòi trả lại cổ phiếu và lấy lại tiền đầu tư. Vì sao lại có chuyện lạ như vậy?

Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Sửa sai kịp thời!

Seaprodex Đà Nẵng tiền thân là Công ty XNK Thủy sản miền Trung, một trong nhiều thành viên của Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Thủy Sản Việt Nam (Seaprodex Việt Nam). Ngày 1/1/2007, công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với số vốn Nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối và do Seaprodex Việt Nam đại diện. Theo Quyết định 1151/QĐ-BTS của Bộ Thủy sản lúc đó (nay là Bộ NNPTNT), phần giá trị thực tế vốn Nhà nước góp vào Seaprodex Đà Nẵng tại thời điểm 31/12/2006 là 25,71 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến tháng 2/2008, sau khi Bộ Thủy sản sáp nhập vào Bộ NNPTNT, không hiểu vì lý do gì mà Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần lại ký Quyết định 645 QĐ-BNN-ĐMDN điều chỉnh Quyết định 1151/QĐ-BTS với nội dung chủ yếu là bổ sung thêm phần công nợ phải thu khó đòi của Seaprodex Đà Nẵng (trước khi cổ phần hóa) trị giá 9,36 tỷ đồng vào các khoản giảm trừ phần vốn Nhà nước tại thời điểm chuyển đổi mô hình doanh nghiệp từ sở hữu Nhà nước sang cổ phần, tức kéo giảm giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại Seaprodex Đà Nẵng từ 25,71 tỷ đồng xuống còn 16,35 tỷ đồng, tương đương giảm gần 40%.

Sau quyết định trên, Seaprodex Đà Nẵng tiếp tục hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tăng vốn 2 lần vào các năm 2008 và 2012, lên 100 tỷ đồng. Đến đầu tháng 12/2012, tức là sau hơn 5 năm, Bộ NNPTNT mà trực tiếp là Bộ trưởng Cao Đức Phát đã không đồng ý “làm đẹp” các khoản nợ khó đòi trị giá 9,36 tỷ đồng này theo cách làm thất thoát vốn Nhà nước, nên đã trực tiếp ký Quyết định 3018 hủy bỏ Quyết định 645 QĐ-BNN-ĐMDN. Và để thực hiện quyết định mới, ngày 22/1/2013, Bộ Tài chính cũng có văn bản Số 1156/BTC-TCDN đề nghị Bộ NNPTNT chỉ đạo Seaprodex Việt Nam, Seaprodex Đà Nẵng tổ chức xác định tăng lại giá trị phần vốn nhà nước có tại Seaprodex Đà Nẵng tại thời điểm đăng ký kinh doanh theo đúng Quyết định số 1151.

Nhà đầu tư phản đối

Đến đầu tháng 2/2013, Bộ NNPTNT chính thức có công văn Số 448/BNN-ĐMDN yêu cầu Seaprodex Việt Nam phối hợp với Seaprodex Đà Nẵng tổ chức xác định lại giá trị phần vốn Nhà nước theo đúng Quyết định 1151/QĐ-BTS. Tuy nhiên, mặc dù mang tính chất sửa sai Quyết định 645 QĐ-BNN-ĐMDN nhưng những quyết định bất nhất liên quan đến khoản nợ khó đòi này của Bộ NNPTNT đã bị một nhóm 16 NĐT sở hữu gần 25% vốn điều lệ của Seaprodex Đà Nẵng “bắt giò”. Trong đơn kiến nghị, họ đưa ra lý do Seaprodex Đà Nẵng đã thực hiện 2 đợt tăng vốn điều lệ và trong bản cáo bạch của cả 2 đợt tăng vốn này đều không còn khoản nợ khó đòi trên (do quyết định 645). Và đây chính là điều kiện, là một cơ sở quan trọng để họ quyết định mua cổ phiếu, tức đầu tư vào Seaprodex Đà Nẵng.

Theo nhóm cổ đông này, nếu Seaprodex Đà Nẵng phải chịu khoản nợ 9,36 tỷ đồng, họ sẽ đề nghị Seaprodex Đà Nẵng trả lại tiền đã mua cổ phần 2 đợt tăng vốn, có tính trả lãi theo lãi tiền gởi của ngân hàng từ khi mua, và họ sẽ trả lại khoản cổ tức đã nhận cho Seaprodex Đà Nẵng.

Tuy nhiên, từ việc phản ứng mạnh của nhóm cổ đông trước các quyết định thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát, đã có ý kiến cho rằng nhóm cổ đông này đang bị giật dây bởi những người tạo ra số nợ trên nhằm mục đích hợp thức hóa và trốn tránh trách nhiệm. Trên thực tế, đại hội cổ đông của Seaprodex Đà Nẵng hôm 30/3/2013 đã không đồng ý thực hiện Quyết định 3018/BNN-ĐMDN do kết quả biểu quyết không đạt tỷ lệ trên 65% số phiếu tán thành.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo số liệu công bố thì khoản nợ khó đòi này bao gồm các “con nợ” là Công ty TNHH Công nghiệp TS-ARI nợ 0,25 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Giao nhận hàng hóa Long Mã 1,36 tỷ đồng; Công ty TNHH Sắt thép Thuận Phát 0,6 tỷ đồng và Công ty TNHH Tự Lập nợ 7,15 tỷ đồng.

Về trách nhiệm, có thể nói để xảy ra khoản nợ này trách nhiệm trước tiên thuộc ban lãnh đạo Seaprodex Đà Nẵng trước cổ phần hóa. Còn nếu cân đong đo đếm mức độ nặng nhẹ, vô tình hay cố ý, khẳng định mức độ sai phạm của từng cá nhân cụ thể thì có lẽ phải chờ cơ quan thanh tra. Trên thực tế, từ diễn biến mua bán đối với Công ty Tự Lập, “con nợ” lớn nhất trong số 4 đơn vị còn nợ khoản nợ khó đòi trên, có thể thấy ban lãnh đạo Seaprodex Đà Nẵng đã buông lỏng trong việc quản lý vốn Nhà nước.

Dẫn chứng rõ nhất cho nhận định này là việc Phó Giám đốc Trần Tấn Tâm (hiện là Tổng Giám đốc Seaprodex Việt Nam) ngày 30/12/2005 đã ký tiếp hợp đồng kinh tế Số 419/SG-2005/HĐKT bán 48 tấn hạt nhựa cho Công Tự Lập trong khi 5 hợp đồng đã ký trước đó công ty này chỉ thanh toán được tiền thuế VAT, còn tiền nợ gốc tương đương 6,69 tỷ đồng đã quá hạn thanh toán, vi phạm những hợp đồng đã ký trước đó lại được cho qua. Sau hợp đồng này, Seaprodex Đà Nẵng còn tiếp tục ký thêm một hợp đồng nữa (tức hợp đồng thứ 7) với Công ty Tự Lập cũng trên tinh thần “dễ dãi” như các hợp đồng trước(?!). Hậu quả là đã tạo nên khoản nợ hơn 7 tỷ đồng mà đến nay, tức hơn 8 năm vẫn chưa thu hồi được. Đây cũng là vấn đề cần được làm rõ./.