6 tháng cuối năm:
Liệu tăng trưởng xuất khẩu có khả quan?
(Taichinh) - Theo nhận định của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng trở lại theo diễn biến xu hướng “đầu năm giảm, giữa và cuối năm tăng trở lại”.
Kim ngạch xuất khẩu gặp “khó” vì nông nghiệp
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 06 đạt 14,3 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 77,7 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 15,4% của 6 tháng năm 2014. Mức giảm đơn giá bình quân thể hiện ở một số mặt hàng, như: dầu thô giảm 47,6%; cao su giảm 22,4%; gạo giảm 4,7%; sắn và các sản phẩm sắn giảm 5,3%...
Đáng chú ý, trong tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng, khu vực kinh tế trong nước đạt 22,8 tỷ USD, giảm 2,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 54,9 tỷ USD, tăng 15,3%, thấp hơn mức tăng 16,1% của cùng kỳ năm 2014 và chiếm 70,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, mức cao nhất từ trước đến nay. Nếu trừ dầu thô thì khu vực này chiếm 67,8% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 20,8%, cao hơn mức tăng 16,8% của cùng kỳ năm trước.
“Điều này cho thấy sự sụt giảm chủ yếu là do dầu thô trong khi xuất khẩu các mặt hàng khác tăng mạnh”, cơ quan thống kê nhận định.
Điều vô cùng lo lắng đó là, trong số các mặt hàng có kim ngạch giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, thì đáng lưu ý là mặt hàng nông, thủy sản. Điển hình là: thủy sản đạt 3 tỷ USD, giảm 14,5%; cà phê đạt 1,4 tỷ USD, giảm 34,8%, (lượng giảm 35,5%); gạo đạt 1,3 tỷ USD, giảm 8,9%, (lượng giảm 4,4%)...
Phân tích về vấn đề này tại Hội nghị giao ban sản xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 23/06/2015, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Công Thương) cũng bày tỏ sự quan ngại trong vấn đề xuất khẩu. Bởi lẽ xuất khẩu của doanh nghiệp "nội"vẫn rất khó khăn và yếu thế hơn hẳn doanh nghiệp nước ngoài. Đây là thực trạng đã tồn tại trong nhiều năm vừa qua.
Theo bà Hiền, kim ngạch xuất khẩu giảm vẫn chủ yếu là do nhóm hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản, khoáng sản giảm cả về giá lẫn sản lượng.
“Điều đáng buồn là nông nghiệp đang 6 tháng đầu năm đang ở mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ 3 năm qua. Giá trị sản xuất toàn ngành sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 489 nghìn tỷ đồng, tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước”, bà Hiền cho biết.
Cần có chính sách hợp lý về đầu ra để tăng xuất khẩu hàng nông sản
Trên thực tế, việc kim ngạch xuất khẩu không tăng trưởng mạnh như những năm trước đã được Bộ Công Thương dự báo ngay từ cuối năm 2014.
Bộ này đưa ra nhận định trên cơ sở cho rằng, năm 2015, kinh tế thế giới phục hồi dẫn đến nguồn cung hàng hóa trở nên dồi dào và hàng Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với hàng của các quốc gia khác. Bên cạnh đó, nhu cầu nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh trên thế giới đã chạm ngưỡng, dẫn đến xuất khẩu các mặt hàng này gặp nhiều khó khăn hơn.
Mặc dù không tăng trưởng mạnh so với những năm trước đây, nhưng theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu sẽ dần tăng trưởng trở lại trong những tháng tiếp theo và mục tiêu tăng trưởng khoảng 10% so với cùng kỳ hoàn toàn có khả năng đạt được. Bởi theo xu hướng của các năm trước, kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm trong những tháng đầu năm và tăng trưởng trở lại những tháng giữa và cuối năm.
Phát biểu tại cuộc họp của Bộ Công Thương trong tháng 6, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, dự kiến, theo thông lệ hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của 6 tháng đầu năm sẽ đạt khoảng 44% kế hoạch cả năm, chính vì vậy, với 47% kế hoạch đạt được sau 6 tháng, khả năng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 vẫn đạt mục tiêu tăng khoảng 10% so với năm 2014, đúng như con số được Quốc hội giao.
Ông Chinh cũng cho biết thêm, một trong những mặt hàng gặp khá nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm là thủy sản. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, theo quy luật, kim ngạch xuất khẩu thủy sản thường giảm ở những tháng đầu năm và tăng trưởng mạnh ở quý III và IV. Chính vì vậy, dư địa tăng trưởng xuất khẩu cho mặt hàng này vẫn tương đối lớn.
Tuy nhiên, để “cứu cánh” cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm cũng không hề đơn giản. Chia sẻ về những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh cho hay, phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp XK.
Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Kết quả xuất khẩu cả năm 2015 có thể vẫn khả quan, nhưng Chính phủ đã yêu cầu phải đánh giá lại nguyên nhân của sự suy giảm xuất khẩu, đặc biệt trong khối các doanh nghiệp nhà nước, từ đó tìm hướng giải quyết. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta như nông sản đã bộc lộ sức cạnh tranh kém”.
“Vậy vấn đề xây dựng quy hoạch ra sao, tái cơ cấu nông nghiệp như thế nào cần được xác định lại rõ ràng trong thời gian tới, từ đó tìm giải pháp tối ưu tăng trưởng xuất khẩu bền vững”, ông Tuấn Anh đề xuất.
Cũng trăn trở về vấn đề này, tại cuộc họp báo về kinh tế 6 tháng đầu năm diễn ra chiều 26/6, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm cũng bày tỏ lo lắng, “nếu không có chính sách và giải pháp tốt để khắc phục các khó khăn do hạn hán thiên tai dịch bệnh, cơ cấu giống cũng như có chính sách hợp lý về đầu ra để tăng xuất khẩu hàng nông sản, thì ngành nông nghiệp sẽ rất khó khăn”.