Liệu TPP có "hồi sinh" dưới thời Tổng thống Joe Biden?

Theo Thanh Trần/nhadautu.vn

Tổng thống Joe Biden đã từng nói rằng ông sẽ cố gắng đàm phán lại TPP nhưng không cam kết tái gia nhập.

 Liệu TPP có "hồi sinh" dưới thời Tổng thống Joe Biden?  Ảnh: CNN
Liệu TPP có "hồi sinh" dưới thời Tổng thống Joe Biden? Ảnh: CNN

Sau khi chính thức trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46, nhiều người đang đặt ra câu hỏi là liệu ông Biden có đưa Mỹ trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không. Theo các chuyên gia, một 'cuộc chiến' căng thẳng tại Quốc hội có thể sẽ loại trừ TPP khỏi danh sách ưu tiên của ông Joe Biden.

11 quốc gia thành viên khác đã ký thỏa thuận mà không có Mỹ vào tháng 3/2018. Việc tái gia nhập dưới thời chính quyền Joe Biden sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho các nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Nhật Bản và Singapore và cũng có thể khuyến khích các quốc gia không phải thành viên khác xem xét gia nhập.

Mặc dù vậy, việc đàm phán lại các điều khoản và điều kiện trong TPP có thể là rủi ro đối với các thành viên hiện tại.

Tổng thống Joe Biden đã từng nói rằng ông sẽ cố gắng đàm phán lại TPP nhưng không cam kết tái gia nhập. Dù vậy, ông Biden cũng nói với Hội đồng Quan hệ Đối ngoại rằng TPP không phải là một thỏa thuận hoàn hảo, nhưng đó là một cách tốt để các nước xích lại gần nhau "nhằm kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc".

Trong cuộc đua năm 2016, áp lực trong nước đã khiến ứng cử viên Đảng Dân chủ lúc bấy giờ là bà Hillary Clinton ủng hộ việc rút khỏi TPP. Dưới tư tưởng "Nước Mỹ là trên hết" của Tổng thống Donald Trump, Mỹ tỏ ra không mấy quan tâm đến việc tham gia các hiệp định đa phương của châu Á.

Hiệp định TPP đã được đàm phán bởi chính quyền Obama nhưng về cơ bản, nó chưa bao giờ được Quốc hội Mỹ thông qua. Hiệp ước này được ký kết vào tháng 2/2016 bởi 12 quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada, Úc và Việt Nam.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP vào năm 2017, khiến 11 nước còn lại phải đàm phán và ký kết Hiệp định mới có tên là CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership) vào tháng 3/2018.

Ban đầu, TPP sẽ chiếm khoảng 40% nền kinh tế thế giới có xu hướng phụ thuộc vào Mỹ trong khi Trung Quốc, nước không gia nhập chỉ chiếm 18-20% GDP toàn cầu, Graham Allison, giáo sư tại Đại học Harvard cho biết.

"Nếu đó chỉ đơn giản là vấn đề địa chính trị, Mỹ sẽ làm điều đó trong tích tắc", ông Allison nói.

Giáo sư Allison nhận định rằng chính quyền của ông Biden sẽ phải cân bằng lợi ích trong nước và đàm phán lại TPP theo cách tương tự như hiệp định gốc.

Thực tế, ông Biden đã thúc đẩy TPP khi còn là Phó Tổng thống dưới thời chính quyền Obama. Trong khi đó, sự ra đời của RCEP có thể gây ra một cuộc tranh luận mới của Mỹ về các hiệp định thương mại toàn cầu.

Trong cương lĩnh năm 2020, Đảng Dân chủ của Joe Biden tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không đàm phán bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào trước khi cải thiện khả năng cạnh tranh của Mỹ trên sân nhà".

Một thành viên Đảng Dân chủ cho biết rằng, các cuộc đàm phán thương mại đầy tham vọng như TPP sẽ bị gác lại trong thời điểm hiện tại.

Với việc Tổng thống Joe Biden sẽ ưu tiên các vấn đề trong nước, chẳng hạn như cuộc chiến chống Covid-19 và đảm bảo việc làm cho người Mỹ, một thỏa thuận thương mại có thể không được hiện thực hóa sớm.

Nick Marro, chuyên gia về thương mại toàn cầu tại Economist Intelligence Unit, cho biết trong một ghi chú: "Chúng ta sẽ khó có thể thấy bất kỳ động thái mạnh mẽ nào của Mỹ đối với việc gia nhập TPP trong thời gian tới".