Cuộc chiến thương mại sẽ ra sao dưới thời ông Biden?
Khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào tuần tới, ông sẽ nhanh chóng thay đổi hầu hết các khía cạnh trong chính sách của Mỹ. Tuy nhiên, một ngoại lệ rõ ràng đó chính là Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, nếu ông Biden duy trì cách tiếp cận của Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump khi đối đầu với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ông phải sẽ hối hận.
Dù ông Biden có thể ít chống đối Trung Quốc hơn, nhưng trong quá khứ, ông đã lặp lại nhiều lời phàn nàn của người tiền nhiệm về các hoạt động thương mại của Trung Quốc. Tổng thống đắc cứ đã cáo buộc Trung Quốc "ăn cắp" tài sản trí tuệ, bán phá giá sản phẩm ở thị trường nước ngoài và ép buộc chuyển giao công nghệ từ các công ty Mỹ.
Ông Biden cũng khẳng định rằng mình sẽ không từ bỏ ngay lập tức thỏa thuận thương mại song phương "giai đoạn một" vốn đã đạt được vào năm ngoái, hoặc xóa bỏ mức thuế 25% hiện ảnh hưởng đến khoảng một nửa hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Theo quan điểm của ông Biden, tốt nhất là không nên thực hiện bất kỳ thay đổi đáng kể nào đối với cách tiếp cận đang diễn ra với Trung Quốc cho đến khi ông tiến hành xem xét đầy đủ thỏa thuận hiện có và tham khảo ý kiến của các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Á và châu Âu, qua đó "phát triển một chiến lược gắn kết".
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai - một luật sư thương mại người Mỹ gốc Á (được ông Biden đích thân lựa chọn), có nhiều kinh nghiệm với Trung Quốc - có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình xem xét này.
Mức thuế quan không tương thích với thỏa thuận giai đoạn một
Từ trước đến nay, nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng các mức thuế quan cao và thỏa thuận giai đoạn một về cơ bản là không tương thích với nhau.
Trong hai năm qua, tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị áp thuế bổ sung đã tăng từ mức gần như không đáng kể lên hơn 70%. Và tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc bị áp thuế đã tăng vọt, từ 2% vào tháng 2/2018 lên hơn 50% sau đó 2 năm.
Trong cùng thời gian, Mỹ đã thực hiện 11 đợt trừng phạt đối với các thực thể của Trung Quốc. Tháng trước, việc bổ sung 59 doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc vào danh sách các thực thể bị kiểm soát xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ đã nâng tổng số lên 350 - nhiều nhất đối với bất kỳ quốc gia nào.
Với chi phí cao như vậy và những hạn chế nghiêm ngặt về xuất khẩu, Trung Quốc không thể thực hiện cam kết của mình như việc mua thêm khoảng 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ từ năm 2020 đến năm 2021.
Kể từ tháng 1/2020, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm nhiều so với mục tiêu của thỏa thuận. Kết quả là, vào tháng 11/2020, Trung Quốc chỉ hoàn thành 57% cam kết mua hàng hàng năm.
Có thể nói rằng, các lựa chọn của Trung Quốc để đẩy nhanh tiến độ đang bị hạn chế nghiêm trọng. Khu vực tư nhân - chiếm gần 80% nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu của Mỹ - không thể đơn giản mua hàng Mỹ với mức thuế cao như vậy. Trong khi đó, việc buộc các doanh nghiệp nhà nước tiếp nhận sẽ tạo ra những vấn đề riêng.
Theo các nhà phân tích, chừng nào ông Biden vẫn giữ nguyên cách tiếp cận đối đầu của Donald Trump, thỏa thuận giai đoạn một về cơ bản sẽ không thể thực hiện được và tiến bộ hơn nữa. Thương mại song phương thậm chí có thể sụp đổ.
Mỹ đối mặt với nhiều bất lợi
Nhưng điều này không có nghĩa là chính quyền Joe Biden chỉ cần dỡ bỏ thuế quan. Thỏa thuận giai đoạn một cũng có nhiều thiếu sót, đặc biệt là vì việc tuân thủ thỏa thuận này sẽ buộc Trung Quốc phải giảm nhập khẩu từ các nước khác.
Bằng cách mang lại cho Mỹ lợi thế đáng kể so với các đối tác thương mại khác của Trung Quốc, thỏa thuận thậm chí có thể vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Các quốc gia khác, do đó, đang cố gắng cân bằng lại sân chơi.
Vào cuối năm 2020, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định Toàn diện về Đầu tư. Cùng lúc đó, các nước ASEAN cũng đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Không có gì trong số này là lợi ích của Mỹ. Các nước ASEAN (hình thành thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ) có khả năng sẽ chuyển thương mại nhiều hơn sang các đối tác RCEP.
RCEP cũng có khả năng làm tăng nhu cầu của Trung Quốc đối với xuất khẩu nông sản và năng lượng từ Australia và New Zealand. Và bằng cách gián tiếp thiết lập một khu vực thương mại tự do giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nó sẽ củng cố các chuỗi cung ứng ở Đông Bắc Á và Tây Thái Bình Dương.
Điều này đặt Mỹ vào một bất lợi chiến lược ngày càng tăng.
Thay vì duy trì chính sách đối đầu với Trung Quốc, ông Biden nên chấp nhận vai trò trung tâm của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu và theo đuổi một thỏa thuận thương mại không phân biệt đối xử cùng có lợi.
Các nhà kinh tế cho rằng, chính quyền mới của ông Biden sẽ hứa hẹn một khởi đầu khác cho Mỹ và các mối quan hệ của nước này với thế giới. Để thực hiện điều đó, ông Biden phải chấm dứt cuộc chiến thương mại thảm khốc của người tiền nhiệm nhằm chống lại Trung Quốc.