Livestream bán hàng tại chợ: Cần chiến lược bài bản và dài hơi


Hỗ trợ livestream bán hàng giúp gợi mở cho tiểu thương về cách bán hàng mới, song để hiệu quả cần có chiến lược dài hơi.

Hơn 18.000 đơn hàng đã được chốt sau khi hỗ trợ tiểu thương chợ Bến Thành livestream bán hàng.
Hơn 18.000 đơn hàng đã được chốt sau khi hỗ trợ tiểu thương chợ Bến Thành livestream bán hàng.

Rộ lên từ vài năm gần đây, livestream đang trở thành từ khóa “hot” trong cộng đồng tiểu thương online nhờ đặc tính tương tác cao và khả năng tăng doanh số bán hàng.

Mới đây, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều phiên livestream tại chợ Bến Thành. Sau livestream, hàng chục nghìn đơn hàng đã được bán, giúp mang về thêm doanh thu cho các tiểu thương. Sắp tới đây tại Đồng Tháp cũng sẽ tổ chức phiên livestream để bán hoa - kiểng Sa Đéc.

Trước đó, Tháng 6/2023, hơn 40 KOL (người có sức ảnh hưởng) trên nền tảng mạng xã hội TikTok cùng quy tụ về xã Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang) để thực hiện chương trình livestream quảng bá, bán hàng. Trong 4 giờ, đã diễn ra 26 phiên livestream, thu hút được 1,7 triệu lượt người xem với hơn 5.000 đơn hàng được chốt.

Trước đó, nhiều phiên bán hàng qua livestream đã gây tiếng vang lớn như: Phiên livestream của Phạm Thoại lập kỷ lục livestream trên TikTok với 3 triệu lượt xem và gần 50.000 đơn hàng trong 12 tiếng phát trực tiếp; phiên livestream liên tục trong 1 ngày của Di Động Việt thu hút 1 triệu lượt xem, gần 4 triệu lượt yêu thích, bán ra gần 4.000 sản phẩm với hơn 3.000 đơn hàng…

Từ trước đến nay, việc livestream bán hàng là do các chủ shop, chủ doanh nghiệp thực hiện, bây giờ có thêm sự góp tay của chính quyền các cấp hỗ trợ doanh nhân. Đây là tín hiệu đáng mừng.

Nỗ lực livestream giúp bà con tiểu thương rất đáng được ghi nhận như chiếc bánh trong lúc đói lòng, như cái vỗ vai an ủi giữa lúc tuyệt vọng khốn khó. Và nó cũng có giá trị rất lớn trong việc gợi mở cho những tiểu thương cách tiếp cận mới về bán hàng.

Thực tế, thời gian qua, trong bối cảnh tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, tiểu thương bế tắc đầu ra, ế ẩm, việc hướng dẫn các tiểu thương chợ truyền thống tham gia livestream được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để tăng doanh thu bán hàng.

Tuy nhiên, để livestream tại các chợ truyền thống thật sự có hiệu quả và lâu dài thì hàng hóa phải có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, giá cạnh tranh cùng dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp và cần một chiến lược tổng thể và dài hơi.

Đầu tiên cần có các giải pháp đồng bộ để phát huy nội lực của nền kinh tế Việt Nam. Có thể dễ dàng nhận thấy là nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi hàng hóa Trung Quốc.

Với giá bán rẻ, các kho đầu mối lớn ngay các cửa khẩu biên giới cùng hệ thống logistics hoàn chỉnh và các sàn thương mại điện tử phát triển, hàng Trung Quốc được người tiêu dùng Việt Nam mua sắm dễ dàng, tiện lợi. Chúng ta không ủng hộ việc "đóng cửa" để bảo hộ sản xuất trong nước, tuy nhiên cần có những hàng rào để bảo vệ doanh nghiệp trong nước.

Nhìn sang các quốc gia lân cận như Indonesia - nơi thị trường thương mại điện tử lớn nhất khu vực Đông Nam Á (năm 2022 là hơn 50 tỉ USD) có thể thấy, để bảo vệ 64 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, quốc gia này đã ban hành chính sách "những mặt hàng nước ngoài kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử ở Indonesia phải có giá tối thiểu là 100 USD.

Cùng với đó là đẩy mạnh chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt - tiền đề quan trọng để fintech (công nghệ tài chính) phát triển. Thương mại điện tử phát triển song hành với các tiện ích trong thanh toán. Ngoài việc thanh toán nhanh chóng, tiện lợi, các fintech - với sự tham gia của các tổ chức tài chính - sẽ cung cấp thêm dịch vụ "buy now pay later" (mua trả sau), khuyến khích tiêu dùng.

Song song đó là việc quy hoạch mạng lưới logistics, đặc biệt là giao nhận hàng hóa, một cách khoa học và hiệu quả. Hiện nay chi phí vận chuyển một món hàng từ Trung Quốc giao về tới TP. Hồ Chí Minh đang rẻ hơn nhiều cũng món hàng đó nhưng giao từ Hà Nội.

Bài học của Trung Quốc là từ hơn 10 năm trước, họ đã đưa ra hàng loạt chính sách nhằm giảm chi phí vận chuyển như chuẩn hóa giao nhận, giảm thuế cho ngành logistics, bù đắp phí cầu đường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin...

Cuối cùng, rất cần sự công nhận tạo điều kiện để các KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng) và KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường) tham gia tích cực và hiệu quả trong hoạt động bán hàng. Đã đến lúc cần đào tạo bài bản, chuyên nghiệp đội ngũ KOL, KOC và coi đó là một thành phần quan trọng trong việc phát triển thương mại điện tử ở nước ta.

Có thể nói, việc chính quyền tổ chức livestream tại chợ truyền thống được kỳ vọng là phát súng mở màn cho một chiến lược dài hạn và bài bản để giúp thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững thời gian tới, chứ không phải chỉ một vài buổi livestream rồi thôi.

Theo Báo Công Thương