Lộ diện 3 xu hướng đầu tư mới


Trải qua nhiều biến động kinh tế toàn cầu, phương châm đầu tư cũng bắt đầu thay đổi gói gọn trong 3 khái niệm “Friendshoring”, “Nearshoring” và “Onshoring”.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen phát biểu ở Atlantic Council, trình bày khái niệm “friend-shoring”, 13/4/2022. Ảnh: Atlantic Council
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen phát biểu ở Atlantic Council, trình bày khái niệm “friend-shoring”, 13/4/2022. Ảnh: Atlantic Council

Trong bối cảnh đó, các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng cần có chiến lược phù hợp để thích ứng với xu thế này.

Dịch chuyển dòng đầu tư

Thứ nhất, chiến lược “Friendshoring” hướng đến các quốc gia được coi là an toàn về mặt chính trị và kinh tế hoặc có rủi ro thấp, để tránh sự gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, phương châm này hướng dòng đầu tư vào đối tác thực sự tin cậy, trong không gian đồng minh, đối tác thân thiện, đáng tin cậy. Ví dụ: Về mặt kỹ thuật, những tập đoàn đa quốc gia có xu hướng rót tiền vào những nước có khung khổ hợp tác chặt chẽ, như hiệp định thương mại, quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện.

Thứ hai, chiến lược “Nearshoring” là đòi hỏi tất yếu sau khi đại dịch COVID-19, các cuộc xung đột ở Đông Âu và Trung Đông đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Trên thực tế, từng xảy ra tình trạng hàng hóa tràn ngập ở Trung Quốc nhưng không thể vận chuyển đến châu Âu và Mỹ do chính sách phong tỏa ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ là không giống nhau.

Như vậy, nhà đầu tư muốn dịch chuyển các trung tâm sản xuất đến gần hơn với thị trường tiêu thụ, đem nhà máy đến gần vùng nguyên liệu và tạo dựng chuỗi cung ứng gần hơn với chính quốc.

Đây là phương pháp thu hẹp chuỗi cung ứng về mặt không gian địa lý, thường được gọi là “chuỗi cung ứng ngắn”. Ưu điểm của chiến lược này là dễ kiểm soát, tiết kiệm chi phí logictics, tránh được rủi ro về mặt địa chính trị.

Thứ ba, Onshoring là biểu hiện đặc sắc của “chủ nghĩa dân tộc kinh tế”, tức là đưa chuỗi cung ứng trở về quốc gia bản địa của các tập đoàn, công ty.

Trong 3 khía cạnh của dòng đầu tư mới, chiến lược “Onshoring” được xem là thiếu khả thi, do các hạn chế mang tính quy luật lịch sử về kinh tế, xã hội. Bản thân nước Mỹ không đủ tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực để chế tạo hàng chục nghìn linh kiện khác nhau lắp ráp thành chiếc xe hơi. Đây cũng là lý do mà Apple “ngó lơ” lời kêu gọi hồi hương của cựu Tổng thống Trump - “táo khuyết” chỉ có thể tìm đến những nơi có điều kiện tương đương Trung Quốc, như Ấn Độ và Việt Nam.

Việt Nam cần làm gì?

Các chiến lược nói trên có vẻ giống như “xóa bài chia lại”, đem đến cơ hội cho những nền kinh tế khác ngoài “công xưởng toàn cầu”. Cân đo đong đếm các điều kiện, có thể kết luận lại: Những quốc gia có mối quan hệ ngoại giao thân thiện, có khung khổ pháp lý rõ ràng mới là những “cứ điểm” của chuỗi cung ứng mới.

Việt Nam có chiến lược ngoại giao linh hoạt, chính trị ổn định; là đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với nhiều siêu cường. Đặc biệt, Việt Nan đã ký kết nhiều FTAs. Vì vậy, để tận dụng được những lợi thế này, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, rót vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hạ tầng cơ sở, trước hết là những khu công nghiệp tầm cỡ khu vực và thế giới. Trên thực tế, tỉnh nào cũng có khu công nghiệp nhưng diện tích hạn chế, hạ tầng phần lớn chỉ ở mức cơ bản. Do đó, cần khắc phục hạn chế này để thu hút đầu tư.

Tiếp đến hạ tầng logictics (cảng biển, sân bay đường bộ, đội tàu quốc tế,…) giúp phân phối hàng hóa một cách nhanh nhất và tiết kiệm nhất. Không hẳn nhiên mà Trung Quốc xây dựng nhiều càng biển lớn, sở hữu nhiều tàu viễn dương nhất thế giới.

Thứ hai, nguồn nhân lực rất cần được định lượng cụ thể. Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu khoa học nào thực sự thấu đáo để phân tích chất lượng, cơ cấu lao động, dự báo khả năng phát triển đội ngũ nhân lực tinh hoa, chuyên gia có thể hợp tác nghiên cứu và phát triển cùng đối tác nước ngoài. Đây cũng là vấn đề cần sớm có lời giải thỏa đáng.

Thứ ba, chọn đúng “phân khúc” nhà đầu tư, chuyên môn hóa những lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng cạnh tranh. Theo sắc lệnh điều hành chuỗi cung ứng do Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành tháng 2/2021 có 4 nhóm ngành chiến lược: Y tế công cộng và các vật phẩm sinh học, thông tin và truyền thông, năng lượng và khoáng sản quan trọng. Trong khi đó, hiện có 10 ngành mà doanh nghiệp Mỹ quan tâm tại Việt Nam, trong đó có bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hạ tầng số, logictics, năng lượng sạch,… Đây là những nội dung mà Việt Nam có thể tận dụng.

Theo Trương Khắc Hà/Diendandoanhnghiep.vn