Người dùng iPhone ở châu Âu vừa có được "đặc quyền"


Theo Apple, các nhà phát triển phần mềm ở EU có thể phân phối trực tiếp ứng dụng từ web đến người tiêu dùng châu Âu, thay vì phải phân phối qua App Store.

Người dùng iPhone ở châu Âu có thể tải ứng dụng trực tiếp từ website của nhà phát triển
Người dùng iPhone ở châu Âu có thể tải ứng dụng trực tiếp từ website của nhà phát triển

Theo thông báo ngày 12/3 trên trang hỗ trợ lập trình viên, Apple sẽ cho phép người dùng iOS ở châu Âu tải ứng dụng trực tiếp từ website của nhà phát triển, bên cạnh lựa chọn tải từ App Store hoặc kho ứng dụng bên thứ ba.

Đây được xem là sự nhượng bộ lớn trong trong cuộc chiến bảo vệ vị thế độc quyền của kho ứng dụng App Store trên iPhone và các thiết bị khác.

Mặc dù vậy, ứng dụng vẫn cần trải qua quy trình giám sát chất lượng của Apple. Ngoài ra, tên miền website cũng cần đăng ký trên hệ thống App Store Connect.

Về quá trình cài ứng dụng lên thiết bị của Apple,  người dùng tại châu Âu cần cấp quyền cho nhà phát triển trong phần cài đặt, màn hình sẽ hiển thị bảng thông tin gồm tên app, giới thiệu, ảnh chụp màn hình và phân loại độ tuổi.

Một số điều kiện không hề dễ nữa là nhà phát triển phân phối app qua web cần tham gia chương trình Apple Developer Program dưới tư cách tổ chức đăng ký, hoặc có pháp nhân tại Liên minh châu Âu (EU); có uy tín cao trong 2 năm liên tiếp và từng có ứng dụng đạt 1 triệu lượt tải đầu tiên tại Liên minh châu Âu.

Táo khuyết cho biết, người dùng iPhone và các thiết bị chạy hệ điều hành iOS từ phiên bản 17.4 trở đi sẽ có thể cài đặt các ứng dụng từ kho ứng dụng của các nhà phát triển khác ngoài App Store.

Apple cũng đưa ra phí công nghệ cốt lõi 0,5 euro/năm (0,55 USD/năm) đối với mỗi tài khoản người dùng, ngay cả khi các nhà phát triển không phân phối ứng dụng qua App Store hoặc không sử dụng hệ thống thanh toán của Apple.

Theo Bloomberg, đây là một phần trong những thay đổi của Apple nhằm tuân thủ các quy định mới của EU, dự kiến có hiệu lực trong tháng 3/2024.

Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) được Liên minh châu Âu công bố tháng 9/2023 và có hiệu lực từ ngày 7/3, nhắm đến vị thế của các nền tảng Apple, Google (thuộc Alphabet), Amazon, Meta, Microsoft và ByteDance - công ty Trung Quốc sở hữu nền tảng chia sẻ video thông dụng TikTok,... nhằm tăng tính cạnh tranh.

Các nền tảng trên phải tuân thủ hàng loạt quy định, ví dụ như cho phép cài kho ứng dụng bên thứ ba, tạo điều kiện để người dùng chuyển sang nền tảng đối thủ, và cấm kết hợp dữ liệu cá nhân trên nhiều dịch vụ. Nếu vi phạm, công ty sở hữu nền tảng có thể chịu án phạt tương đương 10% doanh thu mỗi năm trên toàn cầu, thậm chí 20% nếu tái phạm nhiều lần.

Theo tapchicongthuong.vn