Lo ngại xói mòn năng lực cạnh tranh và lợi thế so sánh
Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố báo cáo tập hợp quan điểm của 7 hiệp hội (VCCI, VASEP, VISTA, JCCI, VEI…), nêu ra những điểm có thể gây tác hại của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi (bản dự thảo tại thời điểm 11/8/2019).
Theo báo cáo, Việt Nam sẽ phải đối phó với việc giảm kim ngạch xuất khẩu, còn ở bên trong, các cơ quan nhà nước phải nỗ lực xử lý vấn đề thất nghiệp gia tăng, chi phí bảo hiểm thất nghiệp tăng và việc cắt giảm lao động hàng loạt.
CIEM cho rằng nếu dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được chính thức thông qua, với hàng loạt các quy định “ngáng chân” doanh nghiệp, thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ bị tác động tiêu cực.
“Bộ luật Lao động năm 2012 đang tồn tại đã và đang gây quá nhiều khó khăn cho việc xuất khẩu hàng hóa của các ngành công nghiệp trọng điểm xuất khẩu. Nhiều đơn hàng đã bị hỏng do các đoàn đánh giá độc lập của ‘bên mua’ căn vào các quy định quá khắt khe của Bộ luật Lao động hiện hành để ‘đánh trượt’ doanh nghiệp trong việc xuất hàng đi nước ngoài”, báo cáo viết.
Khi doanh nghiệp đang phải đối diện với quá nhiều khó khăn về thị trường, nguồn vốn thì các thay đổi theo hướng gây khó khăn hơn trong dự thảo Bộ luật Lao động sẽ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, doanh thu sụt giảm.
Khi đó, nhiều doanh nghiệp sẽ có khả năng phải đối mặt với việc giải thể, phá sản hoặc cắt giảm công suất lao động do thiếu vốn. Điều này dẫn tới nguồn thu từ hoạt động của doanh nghiệp (như thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng…) cũng sẽ bị sụt giảm theo. Đến lượt mình, nhà nước sẽ chịu sức ép lớn do việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội của quốc gia trở nên khó khăn vì không có đủ nguồn thu, phát sinh bội chi.
Năng lực cạnh tranh bị xói mòn, doanh nghiệp gặp khó?
Dự thảo Bộ luật Lao động mới sẽ có thể làm cho lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu quốc tế trở nên “vô giá trị”, khi các doanh nghiệp Việt Nam bị các bên đánh giá chấm điểm trượt ngay trên “sân nhà”.
Cụ thể, khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế, trước tiên doanh nghiệp phải vượt qua các vòng đánh giá vô cùng khắt khe của đoàn đánh giá độc lập. Một trong các tiêu chí để được chấp nhận đủ điều kiện đưa hàng Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ, EU, Canada, Úc … là phải đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn phát triển bền vững như GLOBAL G.A.P, BAP (Best Aquaculture Practices), ASC (Aquaculture Stewardship Council standard)...
Chứng nhận theo các tiêu chuẩn này là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được sản xuất, chế biến có trách nhiệm đảm bảo tốt các quy định về lao động, tức là phải tuân thủ pháp luật lao động nước sở tại (nơi xuất xứ hàng hóa) là Việt Nam.
Rõ ràng, khi pháp luật nước sở tại quy định quá chặt về các điều kiện mà doanh nghiệp cần tuân thủ trong lĩnh vực lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội thì nó vô tình đã “làm khó” cho doanh nghiệp và khiến doanh nghiệp Việt Nam càng trở nên yếu thế hơn trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp ở các quốc gia khác.
“Hàng Việt Nam trước khi xuất sang các thị trường nước ngoài đã bị đánh trượt về điều kiện ngay trên chính ‘sân nhà’”, CIEM cảnh báo.
Cũng theo CIEM, lợi ích quốc gia từ chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ vô giá trị do rào cản pháp luật lao động quá lớn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Có thể thấy, nền sản xuất công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay chưa phát triển nên không thể giảm chi phí giá thành đầu vào của nguyên vật liệu để tăng sức cạnh tranh.
Lợi thế duy nhất để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là chi phí về lao động, nguồn nhân lực. Nhưng điểm mạnh này có thể trở thành điểm yếu khi môi trường pháp lý không thuận lợi, hàng loạt các chi phí cho người lao động ngày càng tăng cao. Điều này khiến doanh nghiệp nước ngoài có thể từ bỏ Việt Nam để tìm kiếm các quốc gia khác.
Theo đánh giá của CIEM, dự thảo Bộ luật Lao động mới còn khá nhiều “điểm mờ”. Những “điểm mờ” này tạo ra những “khoảng trống pháp luật”. Trong thực tiễn, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, giải quyết khiếu nại, khởi kiện, đình công khi gặp phải các quy định mờ này thường diễn giải theo hướng “có lợi hơn cho người lao động” nên càng gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.
Chưa hết, những quy định trong dự thảo bộ luật có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động dôi dư do năng lực tài chính hiện tại chưa đáp ứng được các yêu cầu dự thảo luật.
Ngoài ra, dự thảo bộ luật còn có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải gia tăng những rủi ro về chi phí lao động bên cạnh những rủi ro mà doanh nghiệp đã và đang phải đối diện liên quan đến thị trường, hàng hóa (nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất, gia công, làm dịch vụ các hàng hóa mang tính đặc thù về thời vụ, hoặc phải xử lý ngay các nguyên liệu nông - lâm - thủy sản tươi sống…)
Điều này được cho là sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng.
5 vấn đề cần cân nhắc kỹ
Trong khi đó, góp ý vào Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM cảm thấy lo ngại. Đồng thời, ông đề xuất 5 vấn đề cần cân nhắc kỹ.
Thứ nhất, thị trường lao động là một trong những thị trường nhân tố đầu vào cơ bản của bất cứ nền kinh tế nào. Nhưng với Dự thảo, ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng, chúng ta đang can thiệp quá sâu, thô bạo, quá chi tiết vào quan hệ lao động. Đây là tư duy sai ngay từ đầu, đi ngược lại kinh tế thị trường.
“Nguyên tắc của kinh tế thị trường là Nhà nước chỉ can thiệp khi có thất bại của thị trường. Nhưng các nhà soạn thảo Dự thảo này đứng ở góc độ sợ người lao động làm quá sức, sợ giới chủ bóc lột người lao động quá mức dù hai bên được thỏa thuận... Quan trọng là Nhà nước phải làm thế nào để hợp đồng lao động, khế ước lao động được thực thi chứ không thể ngồi nghĩ thay cho người lao động, nghĩ thay cho người sử dụng lao động”, ông Vũ Thành Tự Anh chia sẻ quan điểm.
Thứ hai, bất kỳ bộ luật nào cũng phải đảm bảo cho thị trường vận hành một cách hiệu quả. Kinh tế Việt Nam vào thời điểm này vẫn phải trông nhờ vào lợi thế quy mô lao động lớn. Nhưng mong muốn toàn dụng lao động sẽ không thực hiện được khi giới hạn thời gian làm thêm, giới hạn về tiền lương lũy kế… Với những giới hạn này, thậm chí còn tạo ra thiểu dụng lao động và thất nghiệp có tính cơ cấu.
Không những vậy, cách quy định tiền lương làm thêm giờ lũy tiến theo giờ rất có thể tạo ra khuyến khích ngược, người lao động có thể sẽ làm không năng suất trong 1-2 giờ đầu để có lợi về tiền lương trong giờ tiếp sau…
Thứ ba, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp cao. Khi nhiều quy định không phù hợp với thực tiễn kinh doanh, người sử dụng lao động sẽ tìm cách lách, sẽ tạo ra chi phí nhưng đó là lãng phí của xã hội không nên có.
Thứ tư, làm thế nào để nền kinh tế cạnh tranh qua các quy định của Dự thảo, khi chúng tạo ra chi phí tăng lên cho người sử dụng, tăng chi phí tuân thủ.
Trong khi năng suất lao động của Việt Nam luôn thấp hơn tốc độ tăng của tiền lương, 2-3% với 7-8%, làm Việt Nam mất đi lợi thế so sánh với các thị trường khác.
Thứ năm, thị trường lao động cần linh hoạt, tạo ra không gian để người sử dụng lao động sử dụng lao động một cách hiệu quả nhất. Thời đại 4.0, hội nhập có nhiều ngành nghề mới, nhiều cách làm việc mới với thời gian làm việc linh hoạt, thậm chí xuyên đêm, việc kiểm soát thời gian ngoài giờ thế nào?
Ông Vũ Thành Tự Anh lo ngại, với nhiều nội dung trong Dự thảo, lợi thế so sánh của Việt Nam có thể tiếp tục bị xói mòn trong môi trường cạnh tranh quốc tế.