Lo tăng trưởng yếu đi, Trung Quốc bơm hơn 100 tỷ USD vào nền kinh tế
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 24/6 tuyên bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, theo đó bơm ít nhất 100 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng nước này. Đây được xem là một động thái nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới có những dấu hiệu giảm tốc và căng thẳng thương mại Trung-Mỹ tiếp tục leo thang.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn một tuyên bố của PBoC cho biết tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại sẽ giảm nửa điểm phần trăm từ ngày 5/7.
Mức giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc này đồng nghĩa giải phóng lượng vốn lên tới 500 tỷ Nhân dân tệ, tương đương gần 77 tỷ USD, tại 4 ngân hàng thương mại lớn nhất Trung Quốc, bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB). Số vốn này sẽ được "tứ đại gia" ngân hàng sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp quốc doanh đang gặp khó khăn về thanh khoản.
Ngoài ra, 200 tỷ Nhân dân tệ vốn nữa sẽ được giải phóng tại các ngân hàng nhỏ hơn, theo đó sẽ thúc đẩy cho vay các doanh nghiệp nhỏ trên toàn Trung Quốc - PBoC cho hay.
Tuyên bố nói rằng việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm hỗ trợ các mắt xích yếu trong nền kinh tế và không phải là một sự thay đổi đối với lập trường chính sách tiền tệ "trung lập và thận trọng" của Bắc Kinh.
Tuyên bố của PBoC không đề cập đến căng thẳng thương mại Trung-Mỹ hay loạt dữ liệu kinh tế yếu được công bố thời gian gần đây. Tuy nhiên, giới phân tích nhấn mạnh rằng quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc này có hiệu lực đúng một ngày trước khi kế hoạch đánh thuế 50 tỷ USD hàng Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến được thực thi.
Học giả Deng Haiqing thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận định rằng động thái trên phản ánh một sự dịch chuyển chính sách quan trọng của Trung Quốc. "Nhà chức trách đã bắt đầu nhận thấy thách thức đối với nền kinh tế từ chiến dịch giảm nợ, và họ đang cố gắng giảm tác động đó", ông Deng nói.
Trung Quốc đã triển khai chương trình đổi nợ lấy cổ phần tại các doanh nghiệp quốc doanh ở nước này từ năm 2016. Trong chương trình này, các công ty sẽ vay vốn từ các doanh nghiệp lớn để trả bớt nợ, và trong trường hợp không trả được nợ cho ngân hàng, một phần của khoản nợ sẽ được chuyển thành cổ phần của ngân hàng trong doanh nghiệp đó.
Dù chương trình này được các doanh nghiệp và ngân hàng ủng hộ, PBoC cho biết nhiều ngân hàng lớn không có đủ vốn để thực hiện. PBoC cũng nói các ngân hàng không nên sử dụng lượng vốn từ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để cho vay "những công ty xác sống".
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chững lại đáng kể trong những tháng gần đây, thể hiện qua tăng trưởng đầu tư và bán lẻ trong tháng 5 giảm xuống mức thấp nhất nhiều thập kỷ.
Tuần trước, thị trường chứng khoán Trung Quốc chạm đáy 2 năm sau khi căng thẳng thương mại giữa nước này với Mỹ có những bước leo thang mới.
Năm nay, Trung Quốc đã chứng kiến hàng loạt vụ doanh nghiệp vỡ nợ trái phiếu phát hành trong nước. Điều này phản ánh sức ép tài chính trong bối canh PBoC giữ siết chặt thanh khoản.