"Loạn" phân lô bán nền chưa dứt
Tưởng chừng như đã được kiểm soát tận gốc, tuy nhiên ở không ít địa phương, vấn nạn xẻ đồi, hiến đất làm đường để phân lô, bán nền vẫn đang âm ỉ diễn ra, kéo theo nhiều hệ lụy cho thị trường, nhà đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Vừa qua, thông tin huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) chính thức được “bấm nút” thông qua quy hoạch trở thành đô thị sân bay đang tạo đà “hưng phấn” lớn cho giới đầu tư. Điều này một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về nạn phân lô bán nền có thể tái diễn.
Vẫn âm ỉ “cháy”
Những lo ngại là có cơ sở bởi hơn 4 năm qua, tình trạng phân lô bán nền ở Cam Lâm đã phát sinh nhiều hệ lụy, diễn biến phức tạp, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, trong đó có chiêu trò “hiến đất” làm đường giao thông để chuyển mục đích sử dụng sang đất ở rồi phân lô, bán nền.
Cụ thể, theo kết luận điều tra, từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2021, UBND huyện Cam Lâm đã cho phép 114 trường hợp “hiến đất” làm đường giao thông để chia tách 2.350 thửa đất, tổng diện tích 57ha. Các hồ sơ tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện trái với quy định pháp luật.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, bức xúc trong dư luận xã hội, gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Kết quả là hàng loạt cán bộ địa phương có liên quan nhận quyết định kỷ luật, cách các chức vụ.
Tuy nhiên, đáng chú ý là dù đã được yêu cầu hủy các quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và các văn bản cho phép “hiến đất” làm đường, đồng thời, kiểm tra, xử lý về quản lý trật tự xây dựng khu vực đã xây dựng hạ tầng nhưng những sai phạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Theo báo cáo mới đây của UBND huyện Cam Lâm, đến thời điểm này, tại thị trấn Cam Đức, các xã Cam Thành Bắc, Cam Hải Tây, Suối Cát và Suối Tân đã có gần 30 trường hợp xây dựng nhà ở, khu nhà cho thuê trọ, quán cà phê… ở những nơi “hiến đất” làm đường để phân lô, bán nền.
Thực tế cho thấy, Cam Lâm chỉ là một trong nhiều địa phương trên cả nước vẫn còn hiện tượng phân lô, bán nền âm ỉ “cháy”. Đây là lý do vào đầu tháng 9/2022, Bộ TN&MT đã có “tối hậu thư” gửi UBND các tỉnh, thành phố về vấn đề tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Cụ thể, tại Công văn số 4898/BTNMT – TCQLĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ TN&MT yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp san lấp để phân lô, bán nền, xây dựng trái luật trên đất nông nghiệp.
Siết chặt kiểm soát
Nhiều địa phương cũng đang đẩy mạnh quản lý tình trạng phân lô bán nền trong bối cảnh vấn nạn này chưa có “thuốc đặc trị”. Đơn cử như tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 35/2022/QĐ-UBND về tách, hợp thửa đất, quá đó siết lại việc tách nhỏ đất nông nghiệp.
Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 1/10/2022, với điểm mới là tăng diện tích đất nông nghiệp tối thiểu được tách thửa ở nông thôn từ 1.000 m2 lên 2.000 m2. Điều này nhằm hạn chế được tình trạng “xé nhỏ” đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh.
Tương tự, tại Quảng Ngãi, ngay ngày đầu tiên của tháng 9, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu UBND huyện Tư Nghĩa khẩn trương kiểm tra, kiểm soát, xử lý để ngăn chặn tình trạng mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, phân lô bán nền.
Trước đó, tại dự thảo quy định "Điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn TP.Hà Nội”, UBND thành phố Hà Nội cũng đề xuất nâng diện tích tách thửa lên tối thiểu 40m2 ở 9 quận, thị xã trung tâm.
Có thể thấy, các địa phương đang rất rốt ráo trong việc siết chặt quản lý đất đai, ngăn chặn phân lô bán nền. Điều này góp phần khiến sốt đất hạ nhiệt, tuy nhiên, theo chuyên gia, nút thắt quan trọng nhất để xử lý triệt để vấn nạn trên vẫn liên quan đến những vướng mắc trong luật.
Chia sẻ với báo giới, ông Lê Đại Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cho hay từ vài năm nay cơ quan chức năng chưa thể ngăn chặn triệt để nạn bạt đồi, xẻ núi, phân lô bán nền trên đất rẫy là do vướng Luật đất đai. Luật cho phép nên nhiều người vẫn “lách” để thực hiện.
Cũng do luật không cấm nên cơ quan chức năng các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý. Trong trường hợp các vụ việc diễn ra quá “nóng”, các địa phương thường chọn biện pháp tạm dừng, sửa đổi các quyết định theo hướng nâng điều kiện trong việc phân lô.
Tuy nhiên, việc siết các điều kiện cũng không ít lần gây ra phản ứng trái chiều từ người dân. Đơn cử, năm 2019, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có quyết định đưa ra điều kiện bắt buộc để được tách thửa (người dân muốn tách thửa đất nông nghiệp phải có bản vẽ, thiết kế, phương án…). Nhưng sau đó, quyết định này bị Bộ Tư pháp "tuýt còi" và buộc phải có quyết định thay thế vào năm 2021, với điều kiện "dễ thở" hơn, vì bị người dân phản đối.
Qua những diễn biến từ thực tế, các chuyên gia cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) khi hoàn thành cần có sự phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý phân lô, bán nền để hạn chế tối đa những bất cập thời gian qua.
Cùng với đó, Luật cần quy định rõ ràng các giải pháp, quy định về việc đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đất đai ở các cấp, ngành. Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý chuyên ngành, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, xây dựng sai phép, lừa đảo, bán dự án “ma”…