Lợi ích thiết thực từ thực hiện thanh toán số

Hoàng Lan

Khảo sát do Công ty Visa thực hiện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới đây cho thấy, tính liền mạch và an toàn của thanh toán số cho phép doanh nghiệp nhỏ và vừa lập kế hoạch kinh doanh tốt hơn, tiết kiệm chi phí đáng kể và tối ưu hóa nguồn tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo nghiên cứu của Công ty Visa, trung bình các doanh nghiệp vừa và nhỏ dành 60 giờ mỗi tháng cho công việc hành chính như lập hóa đơn, đối chiếu và chi trả. Một trong những trở ngại lớn khi thanh toán bằng chuyển khoản ngân hàng là thời gian xử lý chuyển tiền và đối chiếu giao dịch có phần rườm rà, tốn thời gian và có thể xảy ra sai sót, dẫn đến chậm trễ.

Việc cải thiện quy trình vận hành và quản lý chi tiêu của doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Việc số hóa các giao dịch thanh toán bằng thẻ có thể giúp doanh nghiệp nhanh chóng ghi nhận các khoản chi tiêu và phân loại chi phí, cho phép họ dễ dàng xác định hoạt động kinh doanh đang tốn kém hoặc không hiệu quả. Như vậy, thẻ tín dụng doanh nghiệp có thể hoạt động như một công cụ lập kế hoạch kinh doanh và điều phối ngân sách một cách tối ưu.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết: Khi hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng phát triển và quốc tế hóa, việc thực hiện giao dịch nhanh và hiệu quả sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu. Thẻ doanh nghiệp Visa sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi này và giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.

“Khi đạt được mức tăng trưởng nhất định, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tối ưu hóa hoạt động kinh doanh để tiết kiệm chi phí và tạo tiền đề mở rộng thị trường. Việc áp dụng các phương thức thanh toán hiện đại sẽ góp phần giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt được mức tăng trưởng mong muốn", bà Đặng Tuyết Dung cho hay.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là bộ phận quan trọng trong thành phần kinh tế tư nhân và chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, cả nước có khoảng 541.753 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động trong nền kinh tế, với tổng số vốn đăng ký khoảng 130 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp.

Theo bà Đặng Tuyết Nhung, hàng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động…

Do vậy, việc cải thiện quy trình vận hành và quản lý chi tiêu của doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.