Lợi nhuận ngân hàng nhìn từ Báo cáo tài chính
Qua gần 1/3 chặng đường của năm tài khoá 2018, nhiều ngân hàng bắt đầu hé lộ kết quả kinh doanh đầy khả quan trong Báo cáo tài chính quý I/2018 và tại các ĐHĐCĐ đánh giá kết quả kinh doanh năm tài khoá 2017.
Ngân hàng báo lãi lớn
Đã đi gần hết mùa ĐHĐCĐ năm 2018, các ngân hàng không chỉ cho thấy bức tranh lợi nhuận đầy khởi sắc trong năm 2017 mà còn tiết lộ kết quả kinh doanh quý I/2018 không kém phần sôi động.
Sau năm 2017 được coi là một năm làm ăn thắng lợi nhất trong vòng 7 năm trở lại đây của các ngân hàng. Đây cũng là điểm tựa để các nhà băng tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận đầy tham vọng cho năm 2018. Nếu như những nhân tố chính làm nên bức tranh lợi nhuận các nhà băng năm 2017 là tín dụng tăng trưởng tốt, thu từ dịch vụ tăng mạnh, nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ, dự phòng rủi ro của các năm trước được hoàn nhập... thì đây tiếp tục là những điểm nhấn trong bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý I/2018.
Là một trong những ngân hàng đầu tiên công bố Báo cáo tài chính (BCTC) quý I/2018, Ngân hàng TMCP Quân đội Việt Nam (MB) cho thấy kết quả kinh doanh đầy triển vọng. Cụ thể, tính đến cuối tháng 3/2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 308 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 0,42% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt mức 186,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 61% tổng tài sản và tăng 4,8% so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng đến cuối quý I đã tăng lên 227,1 nghìn tỷ đồng, tương đương với mức tăng 3,12%.
Trong đó, phần lớn các mảng kinh doanh của ngân hàng đều có mức tăng trưởng khá tốt, như mảng tín dụng mang về cho ngân hàng khoản thu nhập lãi thuần hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 29,6% so với cùng kỳ; lãi thuần từ hoạt động tín dụng cũng tăng 67,9%, lên gần 178 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động ngoại hối tăng 2,5 lần trong khi lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và góp vốn, đầu tư dài hạn gấp tới 4,4 lần, lên mức lần lượt 75 tỷ đồng và 231 tỷ đồng… Nhờ vậy, kết thúc quý I/2018, MB ghi nhận lợi nhuận trước thuế khá ấn tượng, đạt 1.746 tỷ đồng, tăng tới 65,5% so với con số đạt được cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP. Hồ Chí Minh (HDBank) là ngân hàng tiếp theo công bố BCTC quý I/2018 với nhiều con số tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, tính đến 31/3/2018, tổng tài sản HDBank đạt 181.630 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 79,9% kế hoạch 2018. Tổng huy động đạt 161.156 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước; tổng dư nợ đạt 110.990 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,3% so với cuối năm 2017. Trong đó: cho vay khách hàng đạt 105.977 tỷ đồng, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước và 11,5% so với cuối năm 2017. Với những kết quả khả quan đạt được của quý I, HDBank dự kiến sẽ vượt kế hoạch năm 2018 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất khoảng 3.921 tỷ đồng.
Ngoài những ngân hàng đã có BCTC quý I, tại ĐHĐCĐ năm nay nhiều ông chủ các nhà băng cũng tiết lộ những kết quả kinh doanh quý I đầy lạc quan. Cụ thể, tại ĐHĐCĐ diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho biết, trong quý I/2018 ngân hàng đã đạt được nhiều chỉ số kinh doanh tích cực như: chỉ số chi phí trên lợi nhuận quý I chỉ còn ở mức 52%, giảm so với mức 57% của năm 2017; lợi nhuận trước thuế vượt 500 tỷ, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, ngân hàng này đã hoàn thành được 25% mục tiêu 2.005 tỷ đồng lãi trước thuế cả năm.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng đặt tham vọng nhân đôi con số lợi nhuận năm 2017 để vươn lên con số 2.000 tỷ đồng. Lãnh đạo ngân hàng cho biết trong quý I, OCB đã đạt trên 600 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Không kém cạnh, là một trong những ngân hàng khẳng định tái cấu trúc thành công sớm nhất trong toàn hệ thống, ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết 2 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng là gần 276 tỷ đồng, tăng 90,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong một lần chia sẻ với hãng tin Bloomberg, Chủ tịch HĐQT ngân hàng ông Đỗ Minh Phú cho biết, TPBank dự kiến lãi trước thuế năm 2018 sẽ đạt 2.200 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2017.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) dù khá thận trọng trong về kế hoạch lợi nhuận trong năm nay với 1.800 tỷ (chỉ tăng chưa đến 10% so với năm trước), nhưng quý I ngân hàng này cũng đã hoàn thành được 28% kế hoạch năm với hơn 500 tỷ lãi trước thuế.
Triển vọng tích cực trong cả năm 2018
Tín dụng năm 2018 được đánh giá sẽ tiếp tục cải thiện tích cực, trong đó, cơ hội “tỏa sáng” của lĩnh vực cho vay tiêu dùng được đánh giá cao. Theo SSI Research, vốn ngoại có thể giúp thanh khoản của hệ thống ngân hàng tăng lên đáng kể, lãi suất ngắn hạn có thể giảm, trong khi lãi suất trung và dài hạn duy trì ở mức thấp. Dòng vốn chảy vào sẽ giúp hệ thống ngân hàng có thể giảm lãi suất. Lãi suất thấp hơn cho phép các ngân hàng chuyển đổi cơ cấu vốn vay bằng cách mở rộng nhiều hơn sang mảng cho vay bán lẻ, tiêu dùng.
Cùng với đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trong năm nay, nhiều ngân hàng sẽ tăng thu đáng kể từ việc thoái vốn các khoản đầu tư và thu hồi các khoản nợ xấu đã xử lý. Ngoài ra, với sự tăng mạnh gần đây của các cổ phiếu ngân hàng, giới phân tích kỳ vọng sẽ có một khoản thu nhập lớn từ các hoạt động đầu tư.
Còn theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay sẽ khá khả quan. Tăng trưởng của ngành ngân hàng có thể thấp hơn so với năm 2017, nhưng vẫn ở mức tương đối tích cực, dự báo khoảng 20 - 25%. Mức tăng này cũng phù hợp với đà tăng trưởng tốt của nền kinh tế.
TS. Cấn Văn Lực cho biết, một dấu hiệu đáng mừng là, tổng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tính đến cuối năm 2017 đã giảm 8,3% so với đầu năm, xuống còn 20.725 tỷ đồng, chỉ chiếm 34,2% tổng nợ xấu. ACB là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong nhóm khảo sát, chỉ 0,7%, so với mức 0,87% hồi đầu năm 2017. Nợ có khả năng mất vốn cũng giảm từ 0,64% xuống còn 0,4% tổng dư nợ.
Nhìn chung, kết quả kinh doanh các ngân hàng quý I, với diễn biến ở một số nhà băng đạt tiến độ hoàn thành tới 25 - 30% kế hoạch lợi nhuận, cho thấy triển vọng lạc quan của ngành ngân hàng 2018. Theo thông lệ, quý I thường là quý tăng trưởng "yếu" nhất trong cả năm của ngành này.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu vẫn khuyến cáo, bên cạnh sự lạc quan về lợi nhuận trong quý I, cũng phải nhìn nhận những con số này một cách thận trọng. Bởi trong quá trình hoạt động, ngân hàng có nhiều khoản trích lập dự phòng, có một số ngân hàng có quỹ trích lập mỗi tháng nhưng cũng có ngân hàng trích lập dự phòng mỗi quý, có ngân hàng đến hết năm mới trích lập dự phòng. Do đó, kết quả lợi nhuận đạt được trong quý đầu có thể là dấu hiệu đáng mừng nhưng chưa phải là tiêu biểu cho cả năm.
Ông Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo, để có thể đạt được mức lợi nhuận cao trong năm 2018 thì vấn đề tăng trưởng tín dụng cần được duy trì ở mức hợp lý. Tiếp đó, cần đẩy mạnh xử lý nợ xấu, thu hồi nợ và cố gắng không để phát sinh nợ xấu. Cuối cùng, các ngân hàng cần tăng cường thu phí dịch vụ ngân hàng theo chủ trương Của ngân hàng Nhà nước, của chính phủ, hạn chế lại cái độc canh tín dụng có niên hạn.