Lựa chọn cổ đông bảo hiểm, “nồi nào úp vung ấy”!
(Tài chính) Những ngày đầu năm nay, PTI đã chốt xong cổ đông chiến lược đến từ Hàn Quốc. Như vậy, 4/5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Top 5 cùng các doanh nghiệp nhỏ hơn là AAA, VASS, GIC… đều có cổ đông ngoại. Nhưng liệu cổ đông ngoại có phải là con đường tất yếu phải chọn để các doanh nghiệp tạo lập tiềm lực và vị trí?
Cổ đông hướng ngoại…
3 DN nội dẫn đầu thị trường phi nhân thọ đã có cổ đông ngoại từ nhiều năm nay, cụ thể, Bảo hiểm PVI và Bảo hiểm Bảo Việt thông qua công ty mẹ là CTCP PVI và Tập đoàn Bảo Việt lần lượt có cổ đông chiến lược ngoại là Talanx, Oman và Sumitomo Life. Trước đó, Bảo Việt từng “kết duyên” với HSBC. Còn Bảo Minh hiện có AXA. Ngoài cổ đông chiến lược ngoại, PVI và Bảo Việt còn sở hữu lượng lớn cổ đông là các tổ chức tài chính ngoại thông qua việc mua cổ phần qua sàn chứng khoán.
PJICO và BIC từng cho hay, cổ đông chiến lược ngoại cũng là đích đến của DN này. Dù đã lên kế hoạch lựa chọn cổ đông chiến lược nhiều năm qua, nhưng đến nay MIC vẫn chưa chốt xong. Là đơn vị có nguồn gốc quân đội với cổ đông lớn là MB và Bộ Quốc phòng, hẳn việc chốt cổ đông chiến lược dù ngoại hay nội của MIC sẽ cần thời gian nhiều hơn so với các DN bảo hiểm thông thường.
Về kết quả hợp tác với cổ đông ngoại, tại các diễn đàn, các bên vẫn dành cho nhau những lời có cánh nhưng thực chất ra sao thì chỉ người trong cuộc mới rõ. Nội tình chuyện thoái vốn của cổ đông ngoại tại các DN bảo hiểm lớn gần đây khá bí mật, thường được lý giải chung chung là do sự thay đổi về chiến lược đầu tư của cổ đông hay do thay đổi về cấu trúc của DN bảo hiểm theo chủ trương của Nhà nước.
Trước thông tin Talanx (Đức) đòi thoái toàn bộ 31,82% cổ phần tại CTCP PVI (PVI Holdings) do bất đồng trong quản trị và điều hành PVI, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch PVI Holdings từng cho ĐTCK biết, hai bên có quan điểm khác nhau về việc cổ phần hóa công ty con do PVI Holdings nắm 100% vốn -Tổng công ty Bảo hiểm PVI.
Trên thị trường bảo hiểm, Vinare là DN tái bảo hiểm duy nhất được đánh giá là suôn sẻ trong mối “lương duyên” với cổ đông ngoại Swiss Re sau 8 năm gắn bó. Đại diện Swiss Re, ông Martyn Parker tự hào về những kết quả đạt được trong đào tạo cán bộ của Vinare, cũng như cử các chuyên gia có kinh nghiệp hợp tác chặt chẽ với Vinare.
“Vinare đã có nhiều thay đổi ấn tượng như hệ thống IT mới, tái cấu trúc bộ máy theo hướng chuyên môn hóa, đạt được mức xếp hạng cao nhất có thể của A.M.Best và tập trung hoàn toàn vào lợi nhuận nghiệp vụ”, ông Martyn Parker nói.
...Có phải là tất yếu?
Câu trả lời của một số DN bảo hiểm, nhất là những đơn vị nhỏ, đó là nội hay ngoại không quan trọng bằng chính giá trị mà cổ đông mang lại. Với các đơn vị nhỏ, lựa chọn cổ đông nội là các tổ chức tài chính trong nước (ngân hàng, CTCK..) là hợp lý theo kiểu “nồi nào úp vung ấy”. Thực tế, cổ đông ngoại vào DN vẫn chủ yếu là nhằm cải thiện hệ thống quản trị, công nghệ thông tin, đào tạo, còn trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác kinh doanh bảo hiểm thì khá hạn chế.
Có DN bảo hiểm thuộc diện cổ đông nhà nước phải thoái vốn hay chỉ được phép sở hữu tối đa 20% nhưng kiên quyết không chịu buông, muốn giữ vốn do sợ mất miếng bánh thị phần. Cũng bởi tại Việt Nam, bảo hiểm vẫn “sống được” nhờ các mối quan hệ mà ngân hàng và các tập đoàn lớn, với mạng lưới chi nhánh cùng đơn vị thành viên lớn có được. Tháng 6/2014, ABIC cũng từng xin Bộ Tài chính để Agribank tiếp tục nắm trên 20% vốn tại Công ty và trở thành cổ đông chiến lược.
Cần nhắc lại, theo Đề án tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2015 thì Vinare là một trong số ít DN bảo hiểm mà Nhà nước giữ đầu tư lâu dài (SCIC hiện là cổ đông nhà nước lớn nhất nắm 40% vốn tại Vinare).
Tại một DN bảo hiểm tầm trung, không có cổ đông nhà nước thì chọn cổ đông ngoại nhỏ hay nội tầm cỡ đã được mang lên bàn cân và cuối cùng hướng thống nhất vẫn là chọn cổ đông nội lớn nhằm phát triển thị trường trước. Lý lẽ được một DN nhỏ khác đưa ra đó là, năng lực bản thân còn hạn chế, chưa đủ sức có cổ đông ngoại lớn nên cần một cổ đông trong nước như ngân hàng đủ tầm để lớn dần.
Tiếp tục tận dụng lợi thế của các tổ chức tài chính lớn trong nước, Bảo hiểm Bảo Long cũng vừa công bố 3 cổ đông lớn là SCB, Eximbank và Vietcombank. Với cơ cấu cổ đông hiện tại của Bảo hiểm Bảo Long chỉ tập trung vào ngân hàng đang cho thấy nỗ lực mở rộng thị trường, phát triển kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng của DN này. Ngay sau khi trở thành cổ đông lớn, Bảo hiểm Bảo Long và SCB đã ký hợp tác toàn diện, theo đó, khi giao dịch tại SCB, khách hàng được cung cấp đồng thời dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm.
Hay với BSH, với các cổ đông chiến lược nội là SHB bên cạnh T&T và SHS, DN này hy vọng, năm 2015, với định hướng phát triển mạnh của SHB, cơ hội hợp tác giữa các bên sẽ là rất lớn.