Trong những năm qua, dù thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh chưa xuất hiện chính thức và hiện chưa có quy định pháp lý hướng dẫn thực hiện, các loại chứng khoán phái sinh (CKPS) phi chính thức vẫn tự phát ra đời. Trong giai đoạn tăng trưởng nóng của thị trường (2007- 2008), một số sản phẩm phái sinh mà chủ yếu là các hợp đồng quyền chọn dựa trên cổ phiếu đã được giao dịch trên thị trường OTC mà công ty chứng khoán là một bên giao dịch trực tiếp với khách hàng. Sự xuất hiện của các sản phẩm này đã khẳng định nhu cầu của nhà đầu tư với loại công cụ mới này.

Một số loại chứng khoán phái sinh phổ biến

Hàng hóa trên TTCK phái sinh rất đa dạng, phong phú nhưng phổ biến là các loại hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn.

Hợp đồng tương lai

Hợp đồng tương lai là một hợp đồng để mua hay bán một số loại hàng hoá nhất định, ở một mức giá nhất định, vào một ngày xác định trong tương lai. Ngày trong tương lai đó gọi là ngày giao hàng hay ngày thanh toán cuối cùng. Giá được xác định ngay tại thời điểm ký hợp đồng được gọi là giá tương lai còn giá của hàng hoá đó vào ngày giao hàng là giá quyết toán. Thông thường, càng gần đến ngày giao hàng thì giá quyết toán sẽ hội tụ dần về giá tương lai. Đến ngày giao hàng, hàng sẽ được chuyển từ người bán cho người mua nếu đó là hợp đồng giao hàng hoặc tiền sẽ được chuyển từ bên lỗ sang bên lãi nếu đó là kiểu hợp đồng bù trừ tiền. Để thoát khỏi hợp đồng trước khi đáo hạn, các bên tham gia hợp đồng có thể chuyển nhượng hợp đồng cho một bên khác theo giá thị trường, kết thúc một hợp đồng tương lai và các nghĩa vụ kèm theo của nó.

Hợp đồng tương lai được tái thanh toán hằng ngày, và được ấn định, ghi nhận trên thị trường, nên các khoản lời lỗ được nhận biết hằng ngày. Để tham gia giao dịch các hợp đồng tương lai, người giao dịch cần một khoản tiền ký gửi để đảm bảo các bên tuân theo những điều kiện của hợp đồng. Khoản tiền này được gọi là tiền ký quỹ. Mỗi sở giao dịch tương lai sẽ đưa ra những yêu cầu ký quỹ ban đầu tối thiểu để có thể giao dịch ở đó. Khoản ký quỹ ban đầu là khoản tiền phải gửi vào trong tài khoản giao dịch (hay còn gọi là tài khoản ký quỹ) khi muốn mua hay bán. Sau một thời gian giao dịch, nếu tiền trong tài khoản giảm tới bằng hoặc dưới mức ký quỹ duy trì theo quy định, thì nhà đầu tư (NĐT) phải chuyển thêm tiền vào tài khoản để đưa tiền trong tài khoản về mức ký quỹ ban đầu, nếu không thì hợp đồng sẽ bị thanh lý.

Hợp đồng tương lai được chia thành hai loại cơ bản là hợp đồng tương lai hàng hóa với các hàng hóa cơ bản như: vàng, dầu thô, đậu nành… và hợp đồng tương lai tài chính với các hàng hóa cơ bản là cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, chỉ số chứng khoán, tiền tệ, lãi suất…

Hợp đồng quyền chọn

Hợp đồng quyền chọn chứng khoán là một thoả thuận ràng buộc mang tính pháp lý có thể được giao dịch trên thị trường phi tập trung OTC hoặc giao dịch trên sàn giao dịch với mức giá niêm yết công khai về thời hạn mua, bán; giá mua, bán; số lượng chứng khoán giao dịch… cho phép người mua được quyền mua hoặc bán một số lượng chứng khoán nhất định với một mức giá ấn định tại một thời điểm cụ thể trong tương lai.

Trong sản phẩm này, người mua quyền chọn phải trả phí cho người bán quyền chọn, việc thực hiện quyền chọn hoàn toàn phụ thuộc vào người mua, người bán phải thực hiện theo yêu cầu của người mua.

Sản phẩm quyền chọn chứng khoán gồm quyền chọn mua và quyền chọn bán. Hình thức thực hiện quyền chọn tuỳ theo quy định cụ thể trong từng hợp đồng quyền chọn. Những yếu tố chủ yếu được quy định trong hợp đồng quyền chọn chứng khoán gồm: tên, địa chỉ, mã số thuế các bên, người đại diện của các bên; phí quyền chọn; mã, loại chứng khoán và số lượng chứng khoán giao dịch danh nghĩa; giá chứng khoán thực hiện quyền chọn; thời gian thực hiện quyền chọn; hình thức thực hiện quyền chọn (Thanh toán chênh lệch giữa giá thực hiện quyền chọn và giá trị thị trường của chứng khoán hoặc mua, bán số lượng chứng khoán với giá ấn định trong hợp đồng).

Hợp đồng tương lai chỉ số - Hàng hóa đầu tiên cho TTCK phái sinh Việt Nam

TTCK phái sinh là thị trường bậc cao và vận hành dựa trên nền tảng các công cụ phòng vệ mang tính đòn bẩy. Trong điều kiện Việt Nam, TTCK cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, nên việc phát triển thị trường phái sinh cần phải được cân nhắc để lựa chọn công cụ hợp lý để có thể từng bước phát triển TTCK phát sinh một cách vững vàng.

Hàng hóa giao dịch trên trên TTCK phái sinh tập trung phải là các CKPS chuẩn hóa, bao gồm hợp đồng tương lai và hợp đồng kỳ hạn. Trong các loại hợp đồng này sẽ có các loại hàng hóa cơ bản như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ hoặc chỉ số chứng khoán. Các hàng hóa cơ bản này phải đạt được những điều kiện như:

- Hàng hóa phải có tính thanh khoản cao để tăng sự hấp dẫn và ưa thích của NĐT.

- Phải là loại hàng hóa khó có khả năng bị thao túng và làm giá.

- Thông tin về hàng hóa phải rõ ràng, chính xác, trung thực và kịp thời, đảm bảo độ tin cậy và yên tâm cho NĐT.

- Hàng hóa là cổ phiếu thì phải là cổ phiếu của những công ty có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.

Bên cạnh đó, hệ thống hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, năng lực của các tổ chức tham gia thị trường, trình độ NĐT… cũng là những yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc lựa chọn hàng hóa cho thị trường.

Trong bối cảnh của TTCK Việt Nam hiện nay thì việc lựa chọn cổ phiếu đơn lẻ làm hàng hóa cơ sở cho CKPS là không phù hợp. Việc này đòi hỏi phải sàng lọc và phân tích toàn diện về tính thanh khoản, độ sâu giao dịch và sức khỏe tài chính công ty của tất các các cổ phiếu hiện có. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hầu như toàn bộ các cổ phiếu niêm yết trên TTCK đều có nguy cơ bị thao túng và làm giá. Đồng thời, thông tin của các công ty vẫn còn làm NĐT lo lắng, thiếu tin tưởng dẫn đến sự bất ổn của giá cổ phiếu trên thị trường.

Trái phiếu chính phủ là loại chứng khoán ít rủi ro hơn nhiều so với cổ phiếu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tính thanh khoản của trái phiếu chính phủ là rất thấp. Hầu hết NĐT trái phiếu là các tổ chức tài chính và các ngân hàng thương mại. Vì vậy, sử dụng trái phiếu chính phủ làm hàng hóa cơ sở cho CKPS sẽ không thu hút được nhiều NĐT tham gia.

So với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và trái phiếu, chỉnh số chứng khoán có thể xem là loại hàng hóa phù hợp nhất cho TTCK phái sinh Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đã có 5 chỉ số chứng khoán chính thức là VN-Index, HNX-Index, VN30-Index, HNX30- Index và UPCOM-Index và sắp tới còn xây dựng các bộ chỉ số chứng khoán theo ngành, theo quy mô vốn hóa công ty… Các chỉ số chứng khoán này, về cơ bản là đạt được những yêu cầu của một loại hoàng hóa cơ sở trong các hợp đồng CKPS. Đặc biệt là nó không bị ảnh hưởng bởi yêu cầu về tính thanh khoản và khả năng bị thao túng, bị tác động bởi một nhóm NĐT là không thể.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản và Thái Lan cho thấy, các quốc gia này đã lựa chọn xây dựng các hợp đồng tương lai trên các chỉ số chứng khoán và đã gặt hái được nhiều thành công.

Như vậy, hình thành và phát triển TTCK phái sinh là việc tất yếu trong quá trình phát triển TTCK của các quốc gia. Nó vừa là kênh đầu tư và là công cụ phòng ngừa rủi ro của NĐT, CKPS đem lại khả năng sinh lời cao như độ rủi ro cũng rất lớn, ảnh hưởng đến lợi ích và niềm tin của NĐT. Vì vậy, việc chọn lựa kỹ càng hàng hóa cho sự khởi đầu là cần thiết để đảm bảo sự thành công của quá trình xây dựng và phát triển TTCK phái sinh.

Tài liệu tham khảo:

1. Tạp chính Chứng khoán số 4/2010;

2. John C.Hull – Option, Futurers and other Derivatives 5th edition, Prentic Hall;

3. Các website: www.kiemtoan.com.vn; http://ssc.gov.vn; www.saga.vn; http://vi.wikipedia.org; http://www.opf.com.my; http://www.sgx.com.

Lựa chọn hàng hóa cho giai đoạn đầu của thị trường chứng khoán phái sinh

ThS. NGUYỄN VĂN NHẬT - Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

(Tài chính) Từ khi đi vào vận hành đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang trở thành kênh huy động và đầu tư vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đó vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề cần được giải quyết. Một trong những vấn đề đó là sự hình thành và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh.

Xem thêm

Video nổi bật