Lựa chọn nguồn vốn ODA hiệu quả vì lợi ích quốc gia

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn trên 20,9 tỷ USD vốn ODA chưa giải ngân, trong đó có khoảng 8 tỷ USD là vốn phải giải ngân cho các chương trình, dự án dự kiến hoàn thành trong năm nay. Áp lực của việc cải thiện và giải ngân vốn ODA rất lớn và nếu tình hình giải ngân không được cải thiện thì hàng năm Việt Nam sẽ mất khoảng 100 triệu USD chi phí cơ hội. Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng châu Á (ADB) Dương Đức Ưng đã trao đổi về vấn đề này.

Lựa chọn nguồn vốn ODA hiệu quả vì lợi ích quốc gia
Áp lực của việc cải thiện và giải ngân vốn ODA rất lớn. Nguồn: internet

Phóng viên: Thưa Ông, dưới góc độ một chuyên gia, Ông lý giải như thế nào về việc giải ngân vốn viện trợ quốc gia của Việt nam hiện nay rất chậm?

Ông Dương Đức Ưng: Yếu kém thứ nhất của chúng ta là năng lực hấp thụ vốn viện trợ quốc gia, thể hiện nhất trên chỉ số, chúng ta được cam kết 78 tỷ USD, trong đó đã ký kết trên 60 tỷ USD, nhưng mới giải ngân được 37 tỷ USD. Như vậy chúng ta mới hấp thụ được hơn 60% nguồn vốn viện trợ. Hấp thụ chậm có nghĩa là các công trình phải kéo dài, có những công trình sử dụng vốn viện trợ chính thức ODA xuyên thế kỷ, tức là công trình được bắt đầu triển khai nghiên cứu và thực thi từ thế kỷ trước rồi chuyển sang thế kỷ này mà vẫn chưa xong. Thứ hai là, hệ thống thể chế của chúng ta rất phức tạp và chồng chéo, những người thực hiện luôn luôn phải đối mặt với khó khăn phức tạp của quy trình, thủ tục của Việt Nam, cũng như phải tuân thủ các quy trình của các nhà tài trợ. Vì vậy đây cũng là yếu tố góp phần vì sao các dự án của chúng ta chậm? Thứ ba là, năng lực con người, đó là năng lực tư vấn của các cán bộ Việt Nam chưa theo kịp. Do vậy nhiều khi chúng ta phải nhờ tư vấn nước ngoài, rồi chúng ta bị tư vấn nước ngoài lái đi, vì vậy hiệu quả dự án của chúng ta bị kém.

Vậy theo Ông, sự chậm tiến độ giải ngân vốn viện trợ gây hậu quả ra sao?

Chúng ta còn 7 tỷ USD đã được ký kết, mà trong đó có đến 80% là vốn tín dụng ưu đãi mà chúng ta không giải ngân được trong thời gian 5 năm trước, bây giờ phải chuyển sang 5 năm này, mà 5 năm sau thì số vốn đó không còn ưu đãi nữa (mà là tín dụng kém ưu đãi) với thời gian trả nợ ngắn hơn, ân hạn ngắn hơn và những điều kiện còn hà khắc hơn nữa, trong bối cảnh nước ta đã là nước thu nhập trung bình thấp. Vì vậy những ưu đãi mà họ dành cho chúng ta mà chúng ta không tiêu được rõ ràng bị thiệt thòi. Cái hậu quả thứ hai là nợ đến hạn chúng ta đang bắt đầu phải trả, trong khi đó, công trình lại chậm đưa vào thì rõ ràng khó khăn trả nợ của chúng ta lại càng khó khăn hơn nữa, bởi vì công trình không đưa vào sẽ không phát huy được tác dụng, không thúc đẩy được đầu tư, thương mại, không cải thiện được đời sống và không làm cho môi trường tốt lên, tất cả sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, thương mại của chúng ta. Bây giờ không phải chúng ta không chọn được nhà đầu tư mà họ chọn chúng ta, nếu chúng ta có cơ sở hạ tầng tốt, điện tốt, giao thông tốt, viễn thông tốt, có môi trường trong sạch thì nhà đầu tư sẽ đến nhiều hơn.

Nguồn vốn viện trợ Quốc gia sắp tới sẽ ít đi, thay vào đó là nguồn vốn vay có ân hạn ngắn hơn. Thách thức nào đặt ra cho Việt Nam khi thay đổi nguồn vốn vay và chúng ta phải ứng phó ra sao, thưa Ông?

Thách thức đối với Việt Nam rất lớn, bởi trong bối cảnh mới tín dụng ưu đãi giảm đi, kém ưu đãi tăng lên. Vốn kém ưu đãi thì họ đề ra rất nhiều phương án cho mình lựa chọn. Nếu mình lựa chọn không tốt, ví dụ có thể lựa chọn đồng tiền vay, có thể vay Yen, Euro, chứ không nhất thiết chỉ vay USD. Nếu chúng ta không biết lựa chọn đồng tiền nào, lúc nào tỷ giá thay đổi thì chúng ta vay một tỷ giá, trả một tỷ giá là chúng ta bị thiệt thòi. Thứ hai, chúng ta phải biết chọn đầu tư vốn viện trợ vào đâu. Những luồng vốn ODA không có khả năng lấp đầy nhu cầu của Việt Nam, bởi vậy chúng ta phải chọn nhu cầu nào đích thực hoặc có giải pháp gì làm cho ODA đạt hiệu quả hơn nếu chúng ta thực sự tiếp tục muốn dùng nguồn vốn này hiệu quả nhất vì lợi ích của Quốc gia.

Xin cám ơn Ông!