Lựa chọn nhà đầu tư dự án BOT: Chặn chỉ định thầu từ đâu?
“Tại sao dự án BOT giao thông nào cũng chỉ có một nhà đầu tư tham gia dự thầu? Có lợi ích nhóm, quân xanh, quân đỏ nhường nhau không?”, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đặt câu hỏi và dường như đã có ngụ ý câu trả lời.
Lời giải cho vấn đề này có lẽ không còn giới hạn trong câu chuyện đấu thầu.
Những nguyên nhân nằm ngoài quy định về đấu thầu
Tại Hội thảo Pháp luật về đầu tư và khai thác công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT ở Việt Nam - một số vấn đề đặt ra, do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hôm qua (19/7/2018), chỉ định nhà đầu tư được nêu ra như là tác nhân hàng đầu dẫn đến rất nhiều vấn đề của dự án BOT giao thông thời gian qua. Và đây là điểm cần tránh đầu tiên nếu muốn làm BOT một cách hiệu quả.
Ông Trần Ngọc Hùng nhắc lại thực tế 100% dự án BOT giao thông thời gian qua lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, rất nhiều trong số đó viện dẫn lý do chỉ có một nhà đầu tư đăng ký, tham gia. Chỉ định thầu đã dẫn đến trao nhiều dự án vào tay các nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, năng lực và kinh nghiệm quản lý theo các quy định pháp luật về đấu thầu, dẫn đến tình trạng công trình chậm tiến độ, chất lượng ở một số dự án không bảo đảm. Nhiều trường hợp chuyển nhượng dự án ngay từ khi chưa triển khai.
Tại sao có chuyện chỉ có một nhà đầu tư tham gia dẫn đến chỉ định thầu, ông Hùng cho rằng, câu trả lời ai cũng đã ngầm hiểu.
Trong giới xây dựng có lẽ không ai xa lạ với những câu chuyện như chỉ cần đọc tên dự án BOT là biết của anh nào, chị nào; hay chỉ 1 cú điện thoại là chuyển đổi nhà đầu tư, mà nhà đầu tư đó không phải trong lĩnh vực xây dựng…
Nguyên nhân chỉ định thầu dường như nằm ngoài quy trình về đấu thầu. TS. Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý cho rằng, pháp luật về đầu tư, đấu thầu ở thời điểm triển khai các dự án BOT hoàn toàn cho phép các cơ quan chức năng, trực tiếp nhất là Bộ Giao thông vận tải, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Ông Trần Ngọc Hùng cũng nhận xét, về cơ bản, các quy định của pháp luật liên quan đến đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án BOT đã được quy định khá đầy đủ, chi tiết trong các luật, nghị định liên quan, đặc biệt là Luật Đấu thầu. Nếu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện nghiêm túc quy định về đấu thầu theo Luật Đấu thầu, không có biểu hiện thành tích, tư lợi thì chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều tồn tại gây bất bình trong dư luận thời gian qua.
Bảo đảm minh bạch, giám sát hiệu quả, chế tài mạnh mẽ
Pháp luật về đấu thầu của Việt Nam, theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đã rất phù hợp với thông lệ quốc tế và không thua kém quốc gia nào. Tuy nhiên, không một hệ thống pháp luật ở một quốc gia nào có thể chặn được hoàn toàn thông thầu, quân xanh quân đỏ”, cánh hẩu, thân hữu.
Giải pháp cho câu chuyện chỉ định thầu rõ ràng không phải chỉ là giải quyết vấn đề quy trình, thủ tục. Khi nguyên nhân của vấn đề chủ yếu do khâu thực thi, do chính con người thực hiện hay do những nguyên nhân mà ai cũng “ngầm hiểu” thì giải pháp quan trọng nhất là minh bạch thực sự, giám sát hiệu quả, chế tài mạnh mẽ.
TS. Lê Hồng Hạnh chỉ ra thực tế, tại Việt Nam, nguyên tắc minh bạch chưa được bảo đảm trong quá trình triển khai các dự án BOT. Việc công khai, minh bạch thông tin dự án BOT dường như chỉ mang tính hình thức, thiếu hiệu quả. Điều quan trọng là phải giải trình các ý kiến phản đối, các ý kiến băn khoăn về hiệu quả, tác động của dự án BOT. Nếu không có cơ chế tham vấn dựa trên cộng đồng và tham vấn chuyên gia thì công bố thông tin chỉ giúp đạt được mục tiêu “thực hiện đúng quy trình”. Pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) cần có chế tài bắt buộc tiếp thu, giải trình các phản hồi của công chúng đối với dự án BOT đang chuẩn bị triển khai.
Theo ông Hạnh, tính minh bạch đòi hỏi các thông tin về dự án cho phép cộng đồng, đặc biệt là các chuyên gia, có thể xác định có hay không có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân liên quan đến dự án, nhà đầu tư có đáp ứng được hay không các yêu cầu mà chính quyền đặt ra đối với dự án BOT.
Cơ chế giám sát cũng cần được phát huy tối đa, thực chất và hiệu quả. Theo ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng CIEM, việc giám sát phải được tiến hành ở cả 3 giai đoạn, từ giám sát hình thành dự án, giám sát triển khai dự án đến giám sát thu phí. Tuy nhiên, việc giám sát chỉ có thể phát huy tác dụng khi các kết luận giám sát được vận hành, có chế tài xử lý.
Và để giải quyết vấn đề từ gốc, theo nhiều chuyên gia, quan trọng là tăng tính hấp dẫn của dự án BOT, dự án đưa ra đấu thầu phải được chuẩn bị bài bản, dữ liệu đầu vào đáng tin cậy, chia sẻ rủi ro phù hợp… Từ đó sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm, đủ thông tin để tham gia đấu thầu hơn, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Khi đó, cuộc chơi BOT giao thông tại Việt Nam chắc chắn sẽ cạnh tranh và minh bạch thực sự.