Lúa gạo “bất ngờ” nằm trong danh sách “tiềm năng xuất khẩu thấp"
(Tài chính) Theo Báo cáo đánh giá tiềm năng xuất khẩu quốc gia của Bộ Công Thương vừa mới công bố, lúa gạo bất ngờ nằm trong nhóm ngành hàng tiềm năng xuất khẩu thấp do giá trị thu được từ xuất khẩu gạo chưa tăng tương xứng với sản lượng.
Đó là một trong những nội dung chính được đưa ra tại Hội thảo Quốc gia đánh giá tiềm năng xuất khẩu, công bố các báo cáo tiềm năng xuất khẩu quốc gia và ba miền Bắc-Trung-Nam do Cục kinh tế liên bang Thụy Sỹ và Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày hôm nay (30/7).
Đa số sản phẩm nông sản có tiềm năng xuất khẩu cao
Trình bày Báo cáo, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Tư vấn Trưởng đánh giá tiềm năng xuất khẩu cho biết, lâu nay, lúa gạo là mặt hàng lương thực thiết yếu của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm cho một bộ phận lao động lớn của đất nước, tạo thu nhập cho người dân khu vực nông thôn và đóng góp một phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu nông sản của quốc gia.
Tuy nhiên, theo báo cáo cấp quốc gia về tiềm năng xuất khẩu mới nhất này, lúa gạo chỉ xếp vào nhóm ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu thấp.
Lý giải cho việc này, bà Hằng cho biết, mặc dù xuất khẩu gạo gia tăng liên tục về sản lượng trong những năm qua, giá trị thu được từ xuất khẩu gạo chưa tăng tương xứng.
Đơn cử, trong năm 2013, dù doanh thu từ xuất khẩu gạo đã giảm nhẹ so với năm 2012, nhưng vẫn đạt mức gần 3 tỷ USD (6,6 triệu tấn). Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với định hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, theo đó các cây trồng khác có lợi nhuận cao và bền vững được khuyến khích đưa vào sản xuất thay vì chỉ tập trung trồng lúa.
Thêm vào đó, thị trường gạo thế giới đang ở mức dư thừa dự trữ cùng với sự có mặt của nhiều nhà cung cấp mới, thị trường xuất khẩu mặt hàng của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong những năm tới. Do đó, dù vẫn tiếp tục xem xuất khẩu gạo là mặt hàng nông sản chiến lược, tiềm năng xuất khẩu gạo vẫn được chuyên gia đánh giá là thấp.
Trong khi đó, trong danh mục các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cao, sắn được xếp đầu bảng. Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, bà Hằng cho biết, giá trị xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt 1,37 tỷ USD trong năm 2012 và 1,1 tỷ USD năm 2013. Thị phần của sắn Việt Nam trên thị trường thế giới đạt 27,3%.
Thị trường sắn xuất khẩu ngày càng được mở rộng từ con số 59 nước và vũng lãnh thổ năm 2009 lên đến khoảng gần 100 nước và vũng lãnh thổ vào năm 2012.
Tuy nhiên, thị trường nhập khẩu sắn chủ yếu của nước ta vẫn là Trung Quốc, chiếm 85% tổng giá trị xuất khẩu ngành sắn Việt Nam.
Bên cạnh đó, với 90% sản lượng dành cho xuất khẩu, Việt Nam là một trong năm nước xuất khẩu cao su tự nhiên lớn nhất trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,52 tỷ USD năm 2013. Tuy nhiên, giá trị gia tăng từ cao su cũng chưa xứng với tiềm năng do công nghệ chế biến còn kém phát triển và các ngành công nghiệp phụ trợ sử dụng sản phẩm cao su ở Việt Nam chưa phát triển đúng mức để tăng thêm giá trị gia tăng cho ngành. Một điều đáng buồn là Việt Nam vẫn là nước nhập khẩu ròng hầu hết các sản phẩm cao su.
Ngoài ra, theo đánh giá của Báo cáo tiềm năng xuất khẩu quốc gia, nhóm ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu cao của Việt Nam còn có: cà phê, tiêu và gia vị, mây tre lá, gốm sứ, gỗ và các mặt hàng gỗ mỹ nghệ; ngoài ra còn có cá tra, cá ngừ, tôm, ngành điện - điện tử, dệt may, da giày, du lịch và xuất khẩu lao động.
Nhiều tồn tại, bất cập trong xuất khẩu
Theo Báo cáo, một số những tồn tại chính được các chuyên gia tư vấn đã xác định đó là:
- Giá trị gia tăng tạo ra thấp do các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô, chưa qua chế biến, chưa đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ dẫn đến giá trị gia tăng cho hoạt động xuất khẩu còn thấp. Phần lớn các mặt hàng nông sản và thuỷ sản Việt Nam chưa có thương hiệu, xuất khẩu chủ yếu qua các bên trung gian, khiến giá trị xuất khẩu còn thấp, các doanh nghiệp bị lệ thuộc nhiều, chưa chủ động được trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Các ngành sản xuất công nghiệp như dệt may, giầy da, điện tử chủ yếu làm gia công dựa trên ưu thế cạnh tranh về lao động giá rẻ.
- Chất lượng sản phẩm xuất khẩu thấp ảnh hưởng đến cả uy tín cũng như hiệu quả của hoạt động xuất khẩu. Có thể thấy rất rõ điều này với các ngành nông nghiệp, thuỷ sản và dịch vụ.
- Lợi thế về chi phí nhân công không bền vững, đặc biệt là với nhóm ngành điện tử, dệt may và da giày vì đây vừa là những ngành xuất khẩu truyền thống với kim ngạch xuất khẩu cao, thặng dư thương mại lớn vừa là những ngành thâm dụng lao động. Các ngành này đặc trưng cho việc khai thác lợi thế hiện tại của Việt Nam về chi phí nhân công rẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh mức lương bình quân đang ngày càng gia tăng và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các vùng miền dẫn tới nguy cơ thiếu hụt lao động ngày càng rõ.
- Phụ thuộc nặng nề vào nguyên phụ liệu hoặc linh kiện nhập khẩu là đặc điểm nổi bật của các ngành công nghiệp, nông nghiệp và hàng thủ công mỹ nghệ.
- Quy hoạch trong sản xuất, nuôi trồng và khai thác nông, lâm, thuỷ sản yếu kém dẫn đến mất cân đối về nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Thiếu nguyên liệu đầu vào trở nên phổ biến đối với chế biến thuỷ sản, khiến các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu, như: điều, mực, cá ngừ, tre, mây... Trong khi đó dư thừa nguồn cung cao su, cà phê lại ảnh hưởng cả về mặt kinh tế (giá giảm) cũng như môi trường (phá rừng trồng cà phê và cao su).
- Cơ sở vật chất hạ tầng chế biến và vận tải kém ảnh hưởng rất nhiều đến các ngành xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ. Nhiều nhà máy chế biến nông sản vẫn chưa tiếp cận trực tiếp với lưới điện quốc gia và hệ thống nước; hệ thống hạ tầng vận tải kém phát triển ảnh hưởng đến hầu hết hoạt động xuất khẩu và các dịch vụ vận tải, logistics và du lịch.
- Vấn đề thiếu thông tin thị trường cũng là vấn đề nổi cộm mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Các doanh nghiệp do không được trang bị tốt các kỹ năng để nghiên cứu, tìm kiếm thị trường nên họ mong đợi những thông tin trực tiếp về các cơ hội giao thương thực tế và nếu có sự giới thiệu của một bên trung gian có uy tín thì càng tốt.
Trong khi đó, đa số các hiệp hội và các cơ quan xúc tiến thương mại đều chưa cung cấp chính thức dịch vụ này hoặc đã có nhưng chất lượng dịch vụ chưa được như mong đợi (ví dụ thông tin thị trường cũ, cóp nhặt từ nhiều nguồn không được kiểm chứng...).
Cần phải làm gì?
Theo đó, Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị chính đối với xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới như sau:
Một là, xây dựng hệ thống thông tin thị trường cập nhật cho từng ngành hàng trên một nền tảng chung nhất quán, cân nhắc khả năng chia sẻ tối đa để giảm thiểu những chi phí phát sinh không cần thiết.
Hai là, xúc tiến triển khai các chính sách ưu đãi của chính phủ về công nghiệp hỗ trợ để giải quyết bài toán nguyên vật liệu đầu vào của các ngành sản xuất, tạo ra liên kết ngành hiệu quả hơn.
Ba là, tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Bốn là, xây dựng thương hiệu riêng cho hàng hoá xuất khẩu Việt Nam để khẳng định vị thế cạnh tranh bền vững thay cho việc bổ sung vào thành tích kim ngạch xuất khẩu cao mà thực chất lợi ích để lại cho quốc gia rất hạn chế.
Năm là, quy hoạch lại các vùng nguyên liệu trên cơ sở cân đối cung cầu cũng như đảm bảo tiếp cận vùng nguyên liệu tốt hơn, khai thác bền vững hơn.
Sáu là, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất chế biến các mặt hàng xuất khẩu và dịch vụ vận tải/logistics. Cụ thể, cần đặc biệt ưu tiên phát triển hệ thống đường bộ, giao thông đường thủy, mạng lưới điện, viễn thông và hệ thống xử lý chất thải nhằm bảo bệ môi trường.
Bảy là, đầu tư hỗ trợ cải tiến khoa học, công nghệ trong sản xuất và chế biến hàng xuất khẩu.
Tám là, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.
Chín là, cải tiến chương trình đào tạo nghề và phát triển hệ thống trung tâm dạy nghề để chuẩn bị lực lượng lao động có tay nghề phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp.
Mười là, đào tạo nâng cao năng lực đàm phán, ký kết hợp đồng và tham gia các giao dịch quốc tế của các doanh nghiệp, từng bước giảm dần việc xuất khẩu qua trung gian.