Luật Doanh nghiệp Trung Quốc: Hội đồng quản trị phải có đại diện của người lao động


Theo Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực từ đầu tháng 7, các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc sẽ phải bảo đảm có đại diện của người lao động trong Hội đồng quản trị. Động thái này là một phần trong sáng kiến ​“thịnh vượng chung” rộng hơn của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm tăng cường công bằng xã hội và bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Luật Doanh nghiệp sửa đổi mới của Trung Quốc đặt mục tiêu tăng cường bảo vệ quyền lợi của người lao động. Ảnh: AP
Luật Doanh nghiệp sửa đổi mới của Trung Quốc đặt mục tiêu tăng cường bảo vệ quyền lợi của người lao động. Ảnh: AP

Theo luật mới, tất cả các công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có 300 nhân viên trở lên phải có đại diện của người lao động trong hội đồng quản trị của họ. Yêu cầu này áp dụng cho cả công ty trong nước lẫn nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc. Người đại diện phải do chính người lao động bầu ra, nhằm bảo vệ lợi ích không chỉ của doanh nghiệp, cổ đông mà cả người lao động.

Theo ông Wang Wen, đối tác tại Công ty Luật Kaizawa có trụ sở tại Thượng Hải, mục tiêu của luật là giúp người lao động tham gia vào hoạt động quản lý để thúc đẩy "trả lại" thu nhập từ sự tăng trưởng của doanh nghiệp cho người lao động.

Trước khi có luật mới, các doanh nghiệp chỉ được yêu cầu tìm kiếm phản hồi từ các công đoàn lao động và người lao động về các quyết định quản lý hay khi ban hành quy định quan trọng.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, yêu cầu về đại diện của người lao động có thể gây phức tạp cho các liên doanh giữa công ty nước ngoài và đối tác Trung Quốc. Thực tế, thành phần hội đồng quản trị của họ thường phản ánh cổ phần sở hữu của các đối tác liên doanh. Việc giới thiệu một thành viên mới vào hội đồng này có thể khiến cán cân quyền lực giữa các thành viện hiện tại thay đổi và phức tạp hóa quy trình ra quyết định. Hiện luật chưa nêu rõ hình phạt đối với hành vi không tuân thủ, buộc nhiều doanh nghiệp phải chờ hướng dẫn thêm trước khi thực hiện những thay đổi mới.

Ngoài ra, luật cũng bao gồm các điều khoản nhằm tăng cường quyền của cổ đông và cải thiện tính minh bạch. Hiện tại, cổ đông có thể yêu cầu tiếp cận thông tin tài chính chi tiết hơn và, trong một số điều kiện nhất định, yêu cầu doanh nghiệp mua lại cổ phiếu của họ. Các biện pháp này được thiết kế để tăng cường trách nhiệm giải trình, đồng thời bảo đảm rằng quyền lợi của các cổ đông thiểu số được bảo vệ.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn