Trung Quốc mạnh tay sáp nhập các ngân hàng nông thôn


Các ngân hàng nông thôn nhỏ của Trung Quốc đang gặp phải một loạt vấn đề, khiến chính phủ và cơ quan quản lý phải hướng tới việc hợp nhất vào các tổ chức lớn hơn để ngăn chặn việc có thể gây ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng lan rộng.

Dự báo của S&P trong một báo cáo ước tính rằng việc dọn sạch các tổ chức đang gặp rủi ro này có thể mất tới 5 năm và việc thực hiện cải cách toàn bộ ngành có thể mất một thập kỷ.

Kế hoạch tái cơ cấu các tổ chức tài chính nông thôn gặp rủi ro đã được Cơ quan quản lý tài chính quốc gia NFRA) đưa ra vào tháng 9/2023. Các kế hoạch này dành cho các tổ chức nhỏ, gặp rủi ro thuộc đối tượng được các ngân hàng mới hợp nhất và tiếp quản hoặc để các tổ chức mới giám sát hoạt động trong những lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao, nhằm loại bỏ nguy cơ sụp đổ ngân hàng do nợ xấu gia tăng và làm trầm trọng hơn những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản.

Ngân hàng Thương mại Nông thôn thống nhất Hà Nam được thành lập vào tháng 9/2023 sau sự sụp đổ của 4 ngân hàng trong khu vực là một ví dụ triển khai kế hoạch tái cơ cấu này. 4 ngân hàng này đã nhận hàng tỷ USD tiền gửi bằng đồng Nhân dân tệ nhưng đã sụp đổ vào năm 2022 sau khi phát hiện gian lận nghiêm trọng.

Điều này dẫn đến sự phản đối dữ dội từ người gửi tiền, khiến chính quyền địa phương và Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) phải hoàn lại tiền cho những khách hàng bị ảnh hưởng.

Để đưa các thông lệ thực hành tốt nhất thực hiện trong tỉnh, ngân hàng này sẽ giám sát và quản trị 130 ngân hàng nhỏ hơn còn lại trong khu vực.

Đồng thời, Ngân hàng Thương mại Nông thôn Liêu Ninh được thành lập như một ngân hàng bảo trợ cho các ngân hàng nhỏ hơn đang gặp khó khăn được sáp nhập, trong đó tỉnh Liêu Ninh được ghi nhận là nơi có số lượng lớn các tổ chức có nguy cơ rủi ro.

Ban đầu, 31 ngân hàng nông thôn được hợp nhất vào ngân hàng này, đến tháng 6, kế hoạch đã được phê duyệt để đưa thêm 36 ngân hàng nông thôn ở tỉnh Liêu Ninh được sáp nhập vào ngân hàng.

PBOC cũng đã xác định thêm các tổ chức tài chính có nguy cơ gặp rủi ro ở các tỉnh Chiết Giang, Sơn Tây, Quảng Tây, Hải Nam và Tứ Xuyên.

Gần 3.800 ngân hàng nhỏ của Trung Quốc chỉ chiếm 14% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng, khoảng 55 nghìn tỷ Nhân dân tệ (7,5 nghìn tỷ USD), song hành động của các nhà quản lý của Trung Quốc cho thấy họ rất muốn tránh những sự kiện tương tự như những gì đã thấy ở Hà Nam.

Các ngân hàng nhỏ dễ bị ảnh hưởng

Trong một lưu ý trong nghiên cứu, S&P cho rằng các ngân hàng nhỏ hơn dễ bị sốc và rút tiền gửi hơn, và việc thực hiện các bước đi để giải quyết những vấn đề này có thể giúp củng cố hệ thống tài chính một cách tổng thể.

S&P dự báo đây sẽ là một dự án trung hạn để Trung Quốc làm sạch ngành ngân hàng: “Chúng tôi cho rằng sẽ mất từ ​​4 đến 5 năm để làm sạch đáng kể các tổ chức tài chính nông thôn có rủi ro cao và sẽ mất vài năm nữa để tổ chức lại các tổ chức cho vay này và thể chế hóa những thay đổi trong quản trị doanh nghiệp, cơ cấu quản lý và văn hóa kiểm soát rủi ro”.

Để giải quyết vấn đề này, cơ quan xếp hạng dự báo chính quyền Trung Quốc sẽ ưu tiên bơm vốn cho các tổ chức rủi ro hơn. Các khu vực có mức tài sản xấu cao hơn, các định chế tài chính gặp căng thẳng và thanh khoản thắt chặt sẽ được ưu tiên hỗ trợ.

Ngoài việc các cơ quan chức năng thành lập các tổ chức mới, dự kiến ​​các tổ chức mạnh hơn sẽ được khuyến khích tiếp quản các ngân hàng nhỏ đang gặp khó khăn.

Louise Loo - Nhà kinh tế Trung Quốc tại Oxford Economics cho biết có xu hướng sáp nhập là theo chiều ngang của các ngân hàng nông thôn, hợp tác xã và ngân hàng thương mại nhỏ, và một số tổ chức lớn hơn đang được yêu cầu đóng vai trò lớn hơn trong việc hợp nhất theo chiều dọc.

Vị chuyên gia này đồng ý với nhận định tiến trình cải cách lĩnh vực này có thể sẽ chậm chạp: “Chúng ta có thể mong đợi những nỗ lực hợp nhất do nhà nước chỉ đạo sẽ mang tính phản ứng và dần dần, thay vì chủ động, do những khó khăn trong việc cải cách lĩnh vực này”.

Làn sóng vấn đề mới nhất đối với các ngân hàng này là do cuộc khủng hoảng bất động sản trực tiếp gây ra, bởi gần một nửa cổ phần của các ngân hàng nông thôn Trung Quốc do các nhà đầu tư tư nhân nắm giữ và tài sản ngân hàng phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực bất động sản.

Các bước đang được thực hiện hiện nay, để các tổ chức lớn hơn tiếp nhận các ngân hàng nhỏ có nguy cơ rủi ro cao là một động thái "phủ đầu" của chính phủ Trung Quốc nhằm tránh để các ngân hàng này rơi vào tình trạng phá sản và cũng để duy trì niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.

Mặc dù sẽ có một số tác động tiêu cực đến bảng cân đối kế toán của các ngân hàng đã tiếp nhận đối tác nhỏ hơn của họ, nhưng điều đó sẽ không xảy ra ở quy mô đáng kể và chi phí này chắc chắn nhỏ hơn so với chi phí xử lý khủng hoảng tài chính có hệ thống, hay khủng hoảng thanh khoản tại các tổ chức ngân hàng lớn thông qua việc rút tiền ồ ạt hoặc xấu hơn là một gói cứu trợ cho hệ thống ngân hàng nếu xảy ra một làn sóng phá sản của các ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc, chuyên gia cho biết thêm.

Chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics cũng lưu ý, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại nông thôn luôn ở mức trên 3%, cao hơn gấp đôi so với các ngân hàng thương mại lớn hơn. Mặc dù căng thẳng có thể không ảnh hưởng đáng kể đến ngành ngân hàng Trung Quốc nhưng có thể làm tổn hại đến niềm tin của người tiêu dùng.

Ryan Tsang - Giám đốc điều hành tại S&P cho biết: “Nếu sự việc thường xuyên xảy ra có thể làm suy yếu niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính quốc gia và đôi khi có thể gây ra căng thẳng trong khu vực”.

Ông lưu ý rằng việc xử lý các khoản nợ xấu không chỉ là việc của các ngân hàng, mà cả các công ty quản lý tài sản ở cấp địa phương và quốc gia đều có trách nhiệm mua lại nợ xấu.

Theo thitruongtaichinhtiente.vn