Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi sẽ giúp thị trường phát triển mạnh mẽ
Theo các chuyên gia, nhhìn từ góc độ kinh tế, việc sửa đổi và sớm ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ có nhiều tác động tích cực đến thị trường bảo hiểm nước ta, giúp thị trường và doanh nghiệp bảo hiểm phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh mới.
Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm du nhập vào Việt Nam khá sớm, có tốc độ phát triển nhanh, được đánh giá là “đi trước nhiều ngành, nghề của lĩnh vực tài chính”. Trong những năm qua, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, các chính sách, sản phẩm bảo hiểm cũng như phương thức hoạt động trong kinh doanh bảo hiểm được đưa vào áp dụng thực tiễn tại thị trường Việt Nam ngày càng đa dạng, dần đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của nền kinh tế - xã hội.
Quy mô thị trường bảo hiểm ngày càng lớn, khẳng định vị thế, vai trò trong nền kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, trong giai đoạn 2000-2020, với sự mở cửa hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực tài chính nói riêng, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thậm chí, bất chấp khủng hoảng tài chính toàn cầu hay tác động bất lợi khác, kể cả đại dịch COVID-19 trong hai năm qua, thì tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm vẫn được duy trì.
Đến nay, mạng lưới hoạt động của thị trường bảo hiểm được mở rộng, với trên 70 doanh nghiệp bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài với hàng nghìn chi nhánh, văn phòng đại diện trên phạm vi cả nước… Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 8/2021, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 643.588 tỷ đồng (tăng 22,10% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó: doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 102.222 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 541.366 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, có được những kết quả ấn tượng đó là do nước ta áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm ngay khi thị trường này mới đi vào hoạt động. Trong đó, không thể phủ nhận được rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm chính là cơ sở để ngành bảo hiểm phát triển với khả năng hội nhập hệ sinh thái bảo hiểm quốc tế tương đối đồng bộ và nhanh chóng.
Tuy nhiên, đến nay, một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ với các quy định được sửa đổi bổ sung tại Bộ luật Dân sự. Một số nội dung trong Luật hiện hành chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như: thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập...
Do vậy, theo các chuyên gia kinh tế, việc xem xét tổng thể, sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm cho phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tiễn và bảo đảm tính đồng bộ với những thông lệ, quy định hiện hành quốc tế là hết sức cần thiết. Mặt khác, cũng tạo hành lang pháp lý tiến bộ nhằm tăng cường khả năng quản lý việc kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi của người kinh doanh và người tham gia bảo hiểm, đồng thời thúc đẩy thị trường, giúp doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phát triển…
Trên quan điểm cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính cho biết, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được xây dựng nhằm sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Qua đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.
TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cho rằng, sau nhiều biến động kinh tế, sự sụt giảm, đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với nhiều điều khoản tiến bộ sẽ như “liều vắc xin thể chế” giúp thị trường và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hội nhập mới. Bởi vì, Luật Kinh doanh bảo hiểm sau khi sửa đổi đã xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật…
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng nhấn mạnh, khi dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được ban hành với các quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ, cân bằng quyền lợi của người tham gia và người kinh doanh bảo hiểm trong thời gian tới sẽ khiến các doanh nghiệp bảo hiểm rộng lối phát triển, do thị trường sẽ cạnh tranh công bằng hơn, sản phẩm bảo hiểm cũng đa dạng và phong phú hơn. Một khi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm được bảo đảm, nhiều người mua tin dùng..., thì thị trường bảo hiểm sẽ tiếp có những bước phát triển vững chắc.
Tại phiên họp thứ 3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 13/9/2021, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị dự án Luật của Chính phủ. Hồ sơ dự án Luật đã được Bộ Tài chính là cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, cơ bản đầy đủ, đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sau khi Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật.