Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản tháo gỡ khó khăn cho thị trường
Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã gắn công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh với xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Tích cực tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS
Bộ Xây dựng xác định quan điểm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia mà trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội. Hàng loạt các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS được triển khai, mang lại hiệu quả tích cực cho thị trường.
Sau khi Luật Nhà ở năm 2014 được ban hành thì lĩnh vực nhà ở có 23 thủ tục hành chính (trong đó có 4 thủ tục về phát triển nhà ở và 19 thủ tục về quản lý sử dụng nhà ở), so với quy định của Luật Nhà ở 2005 giảm 4 thủ tục. Luật Nhà ở năm 2014 quy định đơn giản hơn về giấy tờ, rõ ràng về thủ tục, bảo đảm thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia lĩnh vực phát triển, quản lý nhà ở.
Trong đó, một số thủ tục được triển khai đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS như: Thủ tục điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại và chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, giúp cơ cấu hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực, khả năng thanh toán của đại đa số người mua; Thủ tục xét kiểm tra đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách nhằm bảo đảm nguyên tắc mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội phải đúng đối tượng, điều kiện đã quy định.
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh BĐS, Luật Kinh doanh BĐS 2014 đã luật hóa các giải pháp như: Giảm bớt số lượng thủ tục hành chính, đơn giản về giấy tờ, số lượng hồ sơ, thực hiện lồng ghép các thủ tục giữa các cơ quan Nhà nước nhằm bảo đảm tính liên thông; Bỏ quy định bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch BĐS tạo quyền chủ động cho DN, giảm chi phí kinh doanh.
Không chỉ cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất để đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê, thuê mua, bán; được nhận chuyển nhượng dự án BĐS của chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình để bán, cho thuê, cho thuê mua... mà đối tượng và điều kiện cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam cũng được mở rộng, nới lỏng hơn...
Sau khi Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 được ban hành có 3 thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, giảm được 3 thủ tục so với Luật Kinh doanh BĐS 2006.
Bãi bỏ bớt thủ tục
Về hạ tầng kỹ thuật, hiện có 3 thủ tục cấp Trung ương và 4 thủ tục giải quyết ở cấp tỉnh với thời gian giải quyết 7 - 29 ngày làm việc. Các thủ tục được quy định rõ về trình tự, cách thức thực hiện, cần tiếp tục hướng dẫn cụ thể hơn về thành phần, số lượng hồ sơ nộp tại cơ quan giải quyết thủ tục và thời gian giải quyết.
Trong thời gian tới, trên cơ sở các quy định mới về quản lý chất thải và phế liệu, quy định về lựa chọn nhà đầu tư, thoát nước đô thị và khu công nghiệp, Bộ sẽ tiến hành rà soát, công bố bãi bỏ 4 thủ tục gồm: Thủ tục phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án xử lý chất thải rắn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; thủ tục lấy ý kiến thỏa thuận của Bộ Xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước có tính tập trung của các đô thị loại IV trở lên; thủ tục thẩm định và phê duyệt phương án phí thoát nước; thủ tục phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án xử lý chất thải rắn thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.
Như vậy, chỉ còn 3 thủ tục thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng, gồm thủ tục lấy ý kiến thỏa thuận của Bộ Xây dựng đối với công trình cấp nước (theo quy định mới trong Nghị định số 59/2015/NĐ-CP thì thủ tục này được lồng ghép trong thủ tục thẩm định dự án); thủ tục thẩm định và phê duyệt phương án giá nước sạch (do Sở Tài chính thực hiện); thủ tục cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh.
Việc kiểm soát các thủ tục hành chính tại các văn bản quy phạm pháp luật được duy trì thường xuyên nhằm giảm thiểu các thủ tục không cần thiết hoặc không hợp lý. Bộ thường xuyên tiếp nhận, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình áp dụng pháp luật; chủ động cung cấp thông tin, nắm bắt tình hình, phối hợp có hiệu quả với các Bộ ngành, địa phương, các Hội nghề nghiệp... tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân.
Tính riêng năm 2014 và quý I/2015, Bộ đã ban hành khoảng 200 văn bản, tập trung vào việc trả lời, giải thích, hướng dẫn cho doanh nghiệp, người dân, các nhà đầu tư trên các lĩnh vực đầu tư xây dựng, nhà ở và BĐS, phát triển đô thị, vật liệu xây dựng,...