Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi): Đồng bộ các cơ chế để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
(Tài chính) Sáng 5/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, qua hơn 7 năm đi vào cuộc sống, Luật THTK, CLP đã tạo được khung pháp lý có giá trị cao và đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai THTK, CLP của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật THTK, CLP, các kết quả về tiết kiệm đã rõ nét nhưng tình trạng lãng phí vẫn chưa ngăn chặn được. Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế và đặc biệt là gia tăng các cơ chế, biện pháp thực hành tiết kiệm, xác định rõ hành vi vi phạm, chế tài xử lý các hành vi gây lãng phí để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí đang là vấn nạn hiện nay.
Đồng thời, dự án Luật (sửa đổi) sẽ góp phần hoàn thiện thêm cơ chế phát hiện và đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí một cách hiệu lực, hiệu quả thông qua việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, kiểm toán nội bộ, kiểm soát chi trong các lĩnh vực THTK, CLP.
Dự án Luật THTK, CLP (sửa đổi) bao gồm 5 chương và được chia thành 76 Điều. So với Luật hiện hành (gồm 11 chương, 86 điều), dự án Luật sửa đổi giảm 6 chương và 10 Điều.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật hiện hành quy định về THTK, CLP trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), tiền, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước, tài nguyên thiên nhiên và THTK, CLP trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật hiện hành, dự án Luật (sửa đổi) đã kết cấu lại và làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh về: THTK, CLP trong quản lý, sử dụng NSNN, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; THTK, CLP trong quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên và THTK, CLP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân.
Theo quan điểm của Ban soạn thảo dự án Luật, trong bối cảnh nền kinh tế đã có những thay đổi mạnh mẽ, cơ cấu kinh tế trong và ngoài nhà nước đã có sự chuyển dịch so với trước đây; đồng thời, hệ thống pháp luật có liên quan đến các quy định tại Luật THTK, CLP cũng đã được ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung khá đầy đủ nên dự án Luật (sửa đổi) đã được kết cấu lại theo hướng quy định tại một Chương (Chương II) gồm 8 mục và 48 Điều, để quy định rõ việc THTK, CLP trong từng lĩnh vực trong đó tập trung quy định đồng bộ các cơ chế, biện pháp THTK, CLP, trách nhiệm THTK, CLP và quy định các hành vi gây lãng phí để có các chế tài cụ thể nhằm tăng tính khả thi và tính hiệu quả của Luật.
Trong đó, dự thảo Luật sẽ quy định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm căn cứ THTK, CLP; THTK, CLP trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, tài sản nhà nước của cơ quan, tổ chức; THTK, CLP trong sử dụng mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước...
Việc THTK, CLP được thực hiện một cách thiết thực, có hiệu quả, có chiều sâu, đi vào cuộc sống, cần cụ thể hóa Chương trình THTK, CLP của Luật hiện hành trên góc độ lượng hóa mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, yêu cầu chống lãng phí. Theo đó, dự án Luật (sửa đổi) đã đặt ra yêu cầu trong THTK, CLP của các bộ ngành, UBND các cấp cũng phải xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá thực hành tiết kiệm chống lãng phí thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý. Đây là vấn đề có tính chất cốt lõi trong việc đổi mới cơ chế tổ chức điều hành THTK, CLP qua đó, sẽ đánh giá được hiệu quả, kết quả cụ thể của từng địa phương, ngành, lĩnh vực và của cả nước.
Bên cạnh đó, khắc phục nhược điểm của Luật hiện hành, Dự án Luật sửa đổi chỉ quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thống nhất triển khai hướng dẫn các quy định của Luật còn trách nhiệm của tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được tập trung quy định tại một điều để tránh tình trạng vừa thừa, vừa thiếu.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, dự thảo luật THTK, CLP lần này đã được hoàn thiện một bước, tiếp thu nhiều ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Cơ quan thẩm tra, bổ sung một số nội dung mới; nhiều vấn đề đã được cụ thể hóa. Đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí về phạm vi điều chỉnh như Dự thảo Luật, theo đó Luật này tập trung điều chỉnh và làm nổi bật vấn đề THTK, CLP trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công.
Cũng theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, đối với sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân không thuộc sở hữu toàn dân thì chỉ quy định các trường hợp có tác động lớn đến nguồn lực xã hội như ma chay, cưới xin, lễ hội... Các nguồn lực khác cần có quy định để bảo đảm tính toàn diện nhưng chỉ mang tính định hướng, khuyến khích và khuyến cáo, góp phần nâng cao ý thức tiết kiệm trong nhân dân, nhằm bảo đảm tôn trọng quyền sở hữu của các chủ thể”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.