Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất nhìn từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
(Tài chính) Trải qua nhiều năm đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa lực lượng sản xuất đã có những bước phát triển rất quan trọng. Song, việc xây dựng quan hệ sản xuất mới - hình thức xã hội của sản xuất - vẫn chưa hết lúng túng và còn những hạn chế, thiếu đồng bộ.
Theo nhận thức truyền thống, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất có quan hệ mật thiết và thống nhất với nhau trong mỗi phương thức sản xuất. Lực lượng sản xuất là cơ sở vật chất, điều kiện vật chất có vai trò quyết định quan hệ sản xuất - hình thức xã hội của sản xuất. Khi quan hệ sản xuất không còn phù hợp với lực lượng sản xuất thì tất yếu phải được thay thế bằng phương thức sản xuất tiến bộ hơn. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã ra đời trên cơ sở của lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ và phá bỏ quan hệ sản xuất phong kiến lạc hậu. Với thành quả của cách mạng công nghiệp chuyển mạnh từ lao động thủ công lên lao động với công cụ kỹ thuật cao, và diễn ra quá trình công nghiệp hóa, “Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại".
Sự phát triển của lực lượng sản xuất và mở rộng thị trường thế giới trong thế kỷ XX, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học-công nghệ và toàn cầu hóa hiện nay đã tạo ra lực lượng sản xuất hiện đại và đồ sộ hơn nhiều và do đó càng làm sáng tỏ nhận thức và đánh giá của Mác và Ăngghen. Sau này, Lênin khi đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười ở nước Nga, cho rằng chỉ có lực lượng sản xuất hiện đại mới tạo ra năng suất lao động cao. “Xét đến cùng, thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ xã hội mới”(2). chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thắng lợi khi tạo ra năng suất lao động cao hơn hẳn chủ nghĩa cơ bản. “Đó là sự nghiệp rất khó khăn và rất lâu dài”(3)[1].
Để phát triển lực lượng sản xuất, con đường tất yếu là phải diễn ra cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật, công nghệ, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là quá trình phát triển không ngừng ở tất cả các nước dưới những hình thức và mức độ khác nhau. Ở Liên Xô trước đây, trong chính sách kinh tế mới của Lênin, đã coi trọng phát triển lực lượng sản xuất trong cách thức tổ chức, quản lý của kinh tế thị trường. Từ năm 1928, Liên Xô đẩy mạnh công nghiệp hóa và trong một thời gian không dài đã có nền công nghiệp phát triển, quốc phòng mạnh, đủ sức đánh thắng chủ nghĩa phát xít trong chiến tranh vệ quốc và góp phần quyết định thắng lợi của phe Đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ II, trở thành một trong hai siêu cường của thế kỷ XX. Sau Cách mạng thành công, từ cuối những năm 50, Trung Quốc đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp gang thép, trong “đại tiến vọt” và trong công cuộc cải cách từ cuối những năm 70 đã chú trọng bốn hiện đại hóa, không ngừng phát triển lực lượng sản xuất hiện đại. Trước cải tổ, cải cách, ở các nước xã hội chủ nghĩa, cùng với đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất, đã xác lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, kế hoạch hóa nền kinh tế và phân phối theo lao động. Quan hệ sản xuất đó có mặt tích cực, nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế dẫn tới sự phát triển trì trệ của nền kinh tế và của lực lượng sản xuất. Yêu cầu khách quan đặt ra phải cải tổ, cải cách trước hết từ quan hệ sản xuất, nhất là cơ cấu kinh tế và chế độ quản lý.
Ở Việt Nam, do điểm xuất phát rất thấp từ một nước nông nghiệp lạc hậu trong chế độ phong kiến hàng nghìn năm, bị chủ nghĩa thực dân cai trị hàng trăm năm, nên yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa càng bức thiết. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đất nước vừa giành được độc lập lại phải tiến hành kháng chiến lâu dài chống xâm lược nên chưa có điều kiện để chuyển lên con đường xã hội chủ nghĩa. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải phát triển kỹ nghệ, tức là phát triển công nghiệp, khoa học, kỹ thuật.
Miền Bắc Việt Nam được giải phóng năm 1954 và bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội III của Đảng (9-1960) xác định công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ, tiến hành cách mạng kỹ thuật xây dựng nền công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, văn hóa và khoa học tiên tiến. Xác lập và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Với đường hướng đó, mặc dù trong điều kiện phải tiến hành kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng sản xuất ở miền Bắc đã tăng gấp nhiều lần về cơ sở vật chất-kỹ thuật. Quan hệ sản xuất mới được xây dựng và củng cố với ba yếu tố cơ bản: chế độ công hữu về tư liệu sản xuất với hai hình thức sở hữu toàn dân và tập thể; chế độ quản lý kế hoạch hóa, tập trung, hành chính mà Nhà nước là chủ thể; chế độ phân phối theo lao động, có tính đến một phần về đóng góp tư liệu sản xuất (ruộng 5%).
Sau khi miền Nam được giải phóng (1975), đất nước thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Đại hội IV của Đảng (12-1976) tiếp tục đường lối đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và coi cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất. Xây dựng quan hệ sản xuất mới ở miền Nam theo mô hình đã được xây dựng và củng cố ở miền Bắc, để nhanh chóng thống nhất về chế độ kinh tế. Trong hơn 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước, dù bị bao vây, cấm vận và chiến tranh biên giới với những tổn thất nặng nề, song lực lượng sản xuất vẫn phát triển đáng kể; “đã hoàn thành mấy trăm công trình tương đối lớn và hàng nghìn công trình vừa và nhỏ, trong đó có một số cơ sở quan trọng về điện, dầu khí, xi măng, cơ khí, dệt, đường, thủy lợi, giao thông…”(4). Xây dựng các công trình thủy điện Hòa Bình, Trị An, nhiệt điện Phả Lại, các nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, cầu lớn Thăng Long, Chương Dương, công trình thủy lợi Dầu Tiếng, Kẻ Gỗ, kênh Hồng Ngự thật sự có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội.
Với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên Việt Nam đã lâm vào khủng hoảng từ năm 1979. Một trong những nguyên nhân đó là nóng vội, duy ý chí trong cải tạo xã hội chủ nghĩa và quan hệ sản xuất mới bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm, nhất là về cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý. Quan hệ sản xuất đã làm cho nền kinh tế trì trệ, kém phát triển và cũng không thể mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển. Đại hội VI của Đảng (12-1986) cho rằng: “Kinh nghiệm thực tế chỉ rõ: lực lượng sản xuất bị kìm hãm không chỉ trong trường hợp quan hệ sản xuất lạc hậu, mà cả khi quan hệ sản xuất phát triển không đồng bộ, có những yếu tố đi quá xa so với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Tình hình thực tế của nước ta đòi hỏi phải coi trọng những hình thức kinh tế trung gian, quá độ từ thấp lên cao, từ quy mô nhỏ lên quy mô lớn”(5). Nhận thức đúng đắn đó là cơ sở để quyết định đường lối đổi mới, lấy đổi mới kinh tế là trung tâm. Đổi mới cơ cấu kinh tế với chính sách phát triển nhiều thành phần kinh tế gắn với nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất; đổi mới cơ chế quản lý và chế độ phân phối, xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính, tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh, chuyển dần sang nền kinh tế thị trường. Quan hệ sản xuất đã được nhận thức và chuyển đổi phù hợp.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa VII (7-1994) nêu rõ:
“Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại, dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao”(6). Đó là một quá trình lâu dài, “Mục tiêu lâu dài của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là cải biến nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất-kỹ thuật hiện đại, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của sức sản xuất, mức sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng - an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”(7).
Đại hội VIII của Đảng (6-1996) khẳng định Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, hoàn thành những nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ, cho phép chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ do Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII (12-1996) đề ra và xác định giáo dục, đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu nhằm phát triển lực lượng sản xuất, phát triển đất nước.
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ là cần thiết và đúng đắn. Nhưng sau 10 năm đổi mới, Đại hội VIII lại thấy rõ một khuyết điểm là: “Việc lãnh đạo xây dựng quan hệ sản xuất mới có phần vừa lúng túng vừa buông lỏng”(8). Kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước chưa phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Chưa đổi mới kinh tế hợp tác, hợp tác xã tan rã hoặc chỉ tồn tại hình thức chưa có hình thức hợp tác xã mới. Chưa thật sự thúc đẩy và quản lý tốt kinh tế tư nhân. Quản lý kinh tế liên doanh với nước ngoài có nhiều sơ hở.
Có sự buông lỏng và lúng túng trong lãnh đạo xây dựng quan hệ sản xuất mới vì quan hệ sản xuất được xây dựng trước đổi mới đã không còn thích hợp và nhận thức về quan hệ sản xuất mới còn chưa rõ ràng.
Sau khi khẳng định nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì nhận thức về quan hệ sản xuất và thể hiện nó trong xây dựng, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế, các thành phần kinh tế mới từng bước được làm rõ.
Hội nghị Trung ương 3 khóa IX (9-2001) ban hành nghị quyết Về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX (2-2002) Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Những quan điểm cơ bản đó được thể chế hóa trong sự bổ sung, phát triển Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã.
Công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất ở Việt Nam. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển nhanh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Gần 30 năm đổi mới, nhiều công trình lớn của đất nước được xây dựng và đi vào hoạt động. Đó là nhà máy thủy điện Yaly, Sơn La, Tuyên Quang cùng với Hòa Bình, Trị An trước đó, hệ thống tải điện Bắc Nam, cùng với các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, nhiệt điện đã là thành tựu lớn của điện khí hóa toàn quốc. Công nghiệp dầu khí với khu công nghiệp lọc dầu Dung Quất, khí điện đạm Phú Mỹ, Cà Mau. Hiện đại hóa ngành khai thác than và khoáng sản. Tiếp tục phát triển công nghiệp gang thép, cơ khí. Phát triển công nghệ thông tin và viễn thông. Nâng cấp hệ thống đường giao thông. Xây mới các cầu hiện đại: Mỹ Thuận, Cần Thơ, các cầu ở Đà Nẵng, cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy ở Hà Nội và nhiều cầu hiện đại khác. Hiện đại hóa các sân bay, cảng biển. Phát triển hàng trăm khu công nghiệp và chế xuất, hình thành những trung tâm công nghiệp, khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.
Với sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhịp độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) vững chắc: năm 2000 tăng gấp 2,07 lần năm 1990, năm 2010 tăng gấp 3,26 lần năm 2000. Thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể: năm 1986 là 202 USD, 2001 là 417 USD, 2006 hơn 600 USD, năm 2008 là 1.000 USD, vượt qua ngưỡng nước nghèo, năm 2010 là 1.168 USD và 2012 là 1.700 USD, 2013 là 2.000 USD.
Sự phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng năm 1988 chiếm 21,6% GDP, năm 1995 là 28,8%, năm 2003: 40%, năm 2005: 41% và năm 2010 là 41,1%. Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP năm 1988: 46,3%, năm 2003: 21,8%, năm 2005: 21%, năm 2010: 20,6%. Tỷ trọng dịch vụ trong GDP 1988: 33,1%, năm 2003 là 38,2%, năm 2005: 38% và năm 2010: 38,3%. Đó là những con số rất có ý nghĩa mà các Đại hội của Đảng đã tổng kết. Tuy vậy, năng suất lao động ở Việt Nam còn rất thấp và tăng chậm. Từ năm 2000 đến 2010, năng suất lao động chỉ tăng hơn 4%. So với các nước Inđônêxia, Malaysia và Thái Lan, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn hàng chục lần. Năng suất lao động là thước đo trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
Công nghiệp Việt Nam có sự phát triển, song vẫn chủ yếu là khai thác tài nguyên và gia công, “Công nghiệp chế tạo, chế biến phát triển chậm, gia công, lắp ráp còn chiếm tỷ trọng lớn”(9).
Trải qua nhiều năm đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa lực lượng sản xuất đã có những bước phát triển rất quan trọng. Song, việc xây dựng quan hệ sản xuất mới - hình thức xã hội của sản xuất - vẫn chưa hết lúng túng và còn những hạn chế, thiếu đồng bộ. Chế độ sở hữu đã được xác định: sở hữu toàn dân mà Nhà nước thay mặt toàn dân làm chủ sở hữu; sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Chế độ và cơ chế quản lý được xác định nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính sách phân phối theo lao động và các nguồn đóng góp khác. Trên thực tế, quản lý còn nhiều lúng túng, yếu kém trong tổng thể nền kinh tế cũng như trong từng tổ chức thuộc các thành phần kinh tế, nhất là trong khu vực kinh tế nhà nước. Đại hội XI của Đảng (1-2011) cho rằng: “Một số tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ, gây bức xúc trong xã hội. Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, các nông, lâm trường quốc doanh chậm, lúng túng. Chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển một số ngành, vùng, nhất là quy hoạch sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản còn yếu, gây lãng phí, thất thoát lớn. Quản lý thị trường, nhất là thị trường bất động sản, thị trường tài chính, có lúc còn lúng túng, sơ hở, thiếu chặt chẽ dẫn đến tình trạng đầu cơ, làm giàu bất chính cho một số người; chính sách phân phối còn nhiều bất hợp lý”(10).
Thực tiễn đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo con đường xã hội chủ nghĩa đòi hỏi không chỉ chú trọng phát triển lực lượng sản xuất mà phải chú trọng hơn nữa xây dựng quan hệ sản xuất mới. Trong Cương lĩnh 1991, phần các phương hướng cơ bản, quan hệ sản xuất được nhấn mạnh ở phương hướng thứ ba: Phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, thiết lập từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từ thấp đến cao với sự đa dạng về sở hữu.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), xác định đặc trưng thứ ba trong mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là: “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp”(11). Cương lĩnh nhấn mạnh việc nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, trong đó có quan hệ “giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa”(12).
Phát triển mạnh mẽ hơn nữa lực lượng sản xuất với trình độ khoa học công nghệ cao là vấn đề bức thiết để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững và phát triển kinh tế tri thức. Khi công nghiệp vẫn chủ yếu là khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp, công nghiệp chế tạo, chế biến còn phát triển chậm thì định hướng đúng đắn trong phát triển khoa học, công nghệ thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển có tầm quan trọng đặc biệt. Đại hội XI của Đảng nêu rõ: “Ưu tiên phát triển và hoàn thành những công trình then chốt về cơ khí chế tạo, sản xuất máy móc, thiết bị thay thế nhập khẩu cho công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng; công nghiệp công nghệ cao sản xuất linh kiện điện tử, máy tính, công nghiệp dầu khí, điện, than, khai khoáng, hóa chất, luyện thép, xi măng, phân đạm… công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp quốc phòng, an ninh với trình độ công nghệ ngày càng cao, sạch, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng, tăng sức cạnh tranh và giá trị gia tăng”(13).
Ưu tiên phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là công nghiệp sản xuất trang thiết bị, máy móc làm đất, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản. Phát triển mạnh công nghiệp xây dựng và phát triển hợp lý công nghiệp sử dụng nhiều lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. Phát triển năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghiệp có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, nhất là các máy điều khiển kỹ thuật số, hệ thống tự động hóa. Phấn đấu đến năm 2020, “Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP. Giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp”(14).
Với sự phát triển lực lượng sản xuất như đã xác định, phải xây dựng quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp. Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa cần được nhận thức rõ mới có thể xây dựng và phát huy trong thực tế. Thế nào là quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ lực lượng sản xuất hiện đại cũng cần được nghiên cứu và xác định rõ. Trong quan hệ sản xuất, vấn đề rất quan trọng là tìm ra được loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh thích hợp, có hiệu quả với chế độ quản lý phát huy tối đa năng lực sản xuất, mang lại lợi ích xã hội cao và lợi ích thiết thực của người lao động.
Hiện nay, thực hiện quan điểm của Đại hội XI về cơ cấu lại nền kinh tế, chú trọng cơ cấu lại và điều chỉnh chiến lược phát triển doanh nghiệp nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, bền vững và đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết đồng bộ vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp khi kinh tế hộ manh mún, phân tán đã hoàn thành vai trò, để thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả cao. Đổi mới và tái cơ cấu các ngành dịch vụ, nhất là tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Thực hiện các đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại. Quá trình đổi mới, tái cơ cấu và thực hiện các đột phá đó cũng chính là thúc đẩy hơn nữa sự phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp.
_____________________
(1) Mác-Ăngghen Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.4, tr.603.
(2), (3) Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, 1977, t.39, tr.25, 25.
(4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.47, tr. 348, 390.
(6 ), (7) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.53, tr.554, 558.
(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.65.
(9), (10), (11), (12), (13), (14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.165, 166-167, 70, 73, 193, 103-104.