Lượng vốn FDI tháng đầu năm 2020 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/1/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 5,33 tỷ USD, tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung trên cả nước cả nước có 258 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 14,2% về số dự án được cấp mới. Tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 4,46 tỷ USD, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tổng vốn FDI đăng ký mới tăng mạnh trong tháng đầu năm là do đã có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư là 4 tỷ USD.
Qua đó, quy mô vốn đăng ký bình quân của dự án mới tăng từ 3,6 triệu USD trong tháng 1/2019 lên 17,3 triệu USD trong tháng 1 năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, về vốn FDI điều chỉnh, trong tháng 1/2020, có đến 77 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 334 tỷ USD, bằng 98,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng trong tháng 1/2020, cả nước có 884 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 534,8 triệu USD, bằng 70,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Như vậy, tính lũy kế đến ngày 20/01/2020, cả nước có 31.189 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 368,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 213,38 tỷ USD, bằng 58% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 17 ngành, lĩnh vực. Trong đó, dẫn đầu là lĩnh vực sản xuất phân phối điện với tổng số vốn đạt 4,04 tỷ USD, chiếm 75,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; Đứng thứ hai là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với tổng vốn đầu tư 856,3 triệu USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, đây cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất về số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh cũng như góp vốn mua cổ phần; Tiếp theo là các lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ và bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 119 triệu USD và 118,2 triệu USD...
Về đối tác đầu tư,đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Dẫn đầu Singapore với tổng vốn đầu tư 4,16 tỷ USD, chiếm 78,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 264,5 triệu USD, chiếm 5% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 212 triệu USD, chiếm 4% tổng vốn đầu tư, trong đó tập trung nhiều vào hình thức đầu tư mới (chiếm gần 70% tổng vốn đầu tư của Hồng Kong trong tháng 1/2020). Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản...