M&A ngân hàng: chuyển động chậm
(Tài chính) Chính phủ trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8 đã thúc giục Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu ngân hàng. Trong suốt 8 tháng qua, chưa thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng nào được thông qua.
Vài tháng trước, thị trường tài chính – tiền tệ ồn ào với những thông tin sáp nhập được các ngân hàng rầm rộ công bố. Dù vậy, cho đến thời điểm này, phương án sáp nhập của hai thương vụ tiêu biểu nhất là Maritime Bank sáp nhập MDB và Southerbank sáp nhập Sacombank đều chưa được phê chuẩn. Một loạt ngân hàng nhỏ từng bày tỏ mong muốn M&A như PGBank, VietABank, Viet Capital Bank… đến nay vẫn chưa tìm được đối tác để về chung một nhà.
Theo nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm, trong tình hình cạnh tranh khốc liệt hiện nay, nếu không mở rộng quy mô, nâng cao sức mạnh, ngân hàng nhỏ sẽ khó tồn tại. Vì vậy, việc M&A các ngân hàng nhỏ với nhau, hoặc ngân hàng nhỏ với ngân hàng lớn là tất yếu. Tuy nhiên, M&A không phải là con đường dễ dàng. Và sự thận trọng của NHNN cũng như của các ngân hàng trong lộ trình M&A càng cho thấy điều đó. Cũng theo các chuyên gia kinh tế, trừ những ngân hàng đã bị mất thanh khoản, buộc phải sáp nhập gấp, với những ngân hàng khác, việc M&A sẽ gặp nhiều vướng mắc, bởi xung đột về lợi ích giữa cổ đông hai bên, sự khó khăn trong tích hợp hai bộ máy, sự thống nhất về đường hướng hoạt động của ngân hàng hậu sáp nhập… Song, khó nhất vẫn là làm sao tìm được sự hài hòa giữa con người, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa vùng miền giữa hai ngân hàng.
Không chỉ các thương vụ M&A giữa ngân hàng trong nước diễn ra chậm, mà ngay cả việc bán 100% vốn ngân hàng yếu cho đối tác hàng nước ngoài cũng không dễ dàng. Cuối năm 2013, Ngân hàng UOB của Singapore đã tiến hành đàm phán mua lại GPBank. Đầu năm nay, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng 0xác nhận GPBank đang trong quá trình hoàn tất với đối tác nước ngoài về việc mua lại 100% cổ phần của ngân hàng này. Mặc dù vậy thương vụ bán GPBank đã không thành, nguyên nhân chính là do đối tác bắt bí, trả giá quá rẻ.
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8 vừa qua, Chính phủ nhận định, tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại còn chậm, đồng thời thúc giục NHNN đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu ngân hàng. Cũng có dự đoán cho rằng, những tháng cuối năm không khí M&A ngân hàng sẽ sôi động hơn. Theo Nghị quyết 15/2014/NQ-CP của Chính phủ, các ngân hàng quốc doanh có thể sẽ được chỉ định mua lại phần vốn thoái của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Như vậy, thời gian tới, rất có thể, các ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, Vietcombank… cũng sẽ tham gia cuộc chơi M&A.