M&A và cuộc “đổ bộ” vào Việt Nam
Đông Nam Á là thị trường màu mỡ với gần 600 triệu người và là nhóm các nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.
Ông Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch Tập đoàn TCC Thái Lan, vừa tuyên bố kế hoạch sẽ sáp nhập hệ thống chuỗi siêu thị Metro Việt Nam với Big C Thái Lan.
Việc hợp nhất lần này sẽ giúp Tập đoàn TCC giành lợi thế trong cuộc đua cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên thị trường không chỉ ở Việt Nam, Thái Lan mà cả khu vực Tiểu vùng sông Mekong và Đông Nam Á.
Tháng 7/2016, Metro Việt Nam đã được đổi tên thành Mega Market Vietnam, đồng thời chuỗi siêu thị này lên kế hoạch đầu tư vào Thái Lan để mở rộng mạng lưới bán buôn. Mega Market Vietnam hiện có 19 trung tâm bán buôn trên cả nước cùng 2 kho chứa cá và rau sạch.
TCC đã hoàn thành thỏa thuận mua lại Metro Việt Nam vào tháng 1/2016 với giá 704 triệu USD. Trong khi đó, công ty mẹ của Big C là Berli Jucker Pcl tuyên bố họ hy vọng doanh số bán hàng hàng năm đạt 100 tỷ baht (tương đương 3 tỷ USD) trong năm 2016.
Trên thực tế, sau 8 tháng tiếp quản Mega, TCC đã chuyển hơn 100 tấn hoa quả tới siêu thị Big C Thái Lan. TCC cũng tăng cường kế hoạch phát triển các dự án nông nghiệp và hỗ trợ nông dân trong việc chọn cây trồng và thu hoạch, đồng thời tìm kiếm nhà cung cấp những mặt hàng khác như bơ, cam, táo và khoai tây.
Ông Sirivadhanabhakdi nhận định, Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng bởi lao động ở đây cần cù, chịu khó và nguồn nước sạch dồi dào, thuận tiện phát triển nông nghiệp.
Thời gian gần đây, Tập đoàn vật liệu xây dựng LafargeHolcim (Liên doanh giữa hai tập đoàn Thụy Sĩ và Pháp) đã ký kết một thỏa thuận với Siam City Cement Public Company Limited (Thái Lan) để bán hết 65% cổ phần của mình tại Công ty LafargeHolcim Việt Nam.
Theo đại diện của liên doanh này, dự án LafargeHolcim Việt Nam được định giá 867 triệu franc Thụy Sỹ (khoảng 890,7 triệu USD). Điều này, đồng nghĩa với việc Siam City Cement (Thái Lan) sẽ chi khoảng 580 triệu đô la Mỹ để mua lại số cổ phần nói trên.
Việc Tập đoàn LafargeHolcim thoái vốn khỏi Công ty LafargeHolcim Việt Nam đã được cấp phép và được cổ đông cũng như các nhà đầu tư trong liên doanh chấp thuận.
Dự kiến, thương vụ này sẽ hoàn tất trong quý cuối cùng của năm 2016. LafargeHolcim Việt Nam là liên doanh giữa Tập đoàn LafargeHolcim góp 65% vốn và Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) góp 35%.
Thật ra ý định thoái vốn của đối tác nước ngoài trong Liên doanh LafargeHolcim Việt Nam đã rò rỉ khoảng 3-4 tháng nay sau khi hai tập đoàn Lafarge và Holcim hoàn thành việc sáp nhập từ năm trước và sau khi sáp nhập, nhà đầu tư đã phải tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của mình tại từng thị trường.
LafargeHolcim Việt Nam được đánh giá là một trong những liên doanh thành công ở Việt Nam.
Do đó, tin LafargeHolcim có ý định thoái toàn bộ vốn ở Việt Nam đã khiến một số nhà sản xuất xi măng trong và ngoài nước để ý, bởi việc phát triển các dự án xi măng mới ở trong nước giờ đây không còn thuận lợi và dễ dàng.
Trong đó, lợi thế của Vicem đang là cổ đông nắm 35% vốn tại LafargeHolcim Việt Nam, đồng thời cũng là đơn vị nắm giữ thị phần lớn trong ngành xi măng, khi đó được cho là cơ hội lớn nhất. Tuy nhiên, rốt cuộc giờ đây toàn bộ cổ phần của đối tác nước ngoài trong liên doanh LafargeHolcim Việt Nam lại rơi vào tay của Siam City Cement, một trong những doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực xi măng ở xứ chùa vàng.
Như vậy, Thái Lan có thêm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xi măng tiến vào thị trường Việt Nam thông qua con đường mua bán sáp nhập (M&A). Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định việc thoái vốn của LafargeHolcim tại thị trường Việt Nam là do thị trường không còn hấp dẫn và thuận lợi như các năm trước khi cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh thị trường xi măng Việt Nam bị dư cung. Mặt khác, đây là quá trình tái cơ cấu hoạt động kinh doanh sau khi Holcim sáp nhập với Lafarge vào cuối năm ngoái.
Ông Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch Tập đoàn TCC Thái Lan cũng đang thông qua công ty con Fraser&Neave (F&N) tại Singapore tìm cách thâu tóm các công ty đồ uống trong khu vực nhằm gia tăng vị thế của mình tại khu vực Đông Nam Á và Vinamilk chính là đích ngắm của vị tỷ phú Thái Lan này.
Ông Lee Meng Tat, Giám đốc điều hành mảng đồ uống không cồn của F&N cho rằng, Vinamilk là một mục tiêu tiềm năng. Nhà sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam là một ví dụ điển hình cho thấy F&N đang muốn gì trong động thái bành trướng này: một công ty có thị phần lớn, thương hiệu mạnh và mạng lưới bán lẻ rộng khắp.
Bước đi lý tưởng nhất trong tình hình hiện nay vẫn là M&A, ông Lee nhấn mạnh. Đông Nam Á là thị trường màu mỡ với gần 600 triệu người và là nhóm các nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Nếu kế hoạch thâu tóm không thành công, F&N dự định sẽ bắt tay xây dựng hiện diện tại một số thị trường.
Vinamilk hiện là công ty lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam với vốn hóa đạt hơn 9 tỷ USD. Giá cổ phiếu Vinamilk hiện đang ở mức cao nhất mọi thời đại sau 10 năm niêm yết. Hiện F&N thông qua công ty con F&N Dairy Investments là cổ đông lớn thứ 2 của Vinamilk với tỷ lệ sở hữu 11% - tương ứng lượng cổ phiếu có trị giá gần 1 tỷ USD.