“Make in India” - Bước chuyển mình của nền kinh tế Ấn Độ

(Tài chính) Vốn được ví là một “con voi” bệ vệ, chắc chắn nhưng chậm chạp, chiến dịch “Make in India” (sản xuất tại Ấn Độ) vừa được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố ngày 25/9/2014 đang được kỳ vọng sẽ biến Ấn Độ trở thành một “con sư tử” dũng mãnh, nhanh nhẹn, bắt kịp sự phát triển của các con rồng châu Á khác trong khu vực.

“Make in India” - Bước chuyển mình của nền kinh tế Ấn Độ
Chiến dịch “Make in India” được kỳ vọng sẽ biến Ấn Độ trở thành một “con sư tử” dũng mãnh, nhanh nhẹn. Nguồn: internet

Trải thảm đỏ

Các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ được khuyến khích thành lập công ty hoặc liên doanh sản xuất hàng hóa tại Ấn Độ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chính quyền các bang, các phòng thương mại và các phái đoàn đại diện của Ấn Độ tại nước ngoài đều có vai trò tích cực trong việc triển khai thực hiện sáng kiến “Make in India”.   

Chính phủ Ấn Độ cũng cam kết “trải thảm đỏ” đón chào các công ty nước ngoài với tinh thần hợp tác tích cực; điều chỉnh chính sách, đơn giản hóa thủ tục đầu tư; thành lập một ủy ban gồm 8 chuyên gia và các quan chức chủ chốt được chỉ định từ các bộ, ngành và cả lĩnh vực tư nhân để giải quyết kịp thời, thỏa đáng những vướng mắc liên quan đến đầu tư trong nước và nước ngoài.    

Theo quy định mới, tất cả những trở ngại đối với các nhà đầu tư bắt đầu kinh doanh tại Ấn Độ sẽ được giải quyết trong vòng 72 giờ. Chính phủ Ấn Độ cũng sẽ thiết lập một cơ chế trả lời tự động trên trang thông tin điện tử để giải đáp các yêu cầu hoặc thắc mắc của nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư không hài lòng với giải đáp của hệ thống tự động, thắc mắc sẽ được gửi đến các chuyên gia để giải quyết trong vòng 48 giờ. Nếu trong khung thời gian này, vấn đề vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng thì sẽ được chuyển tới quan chức chủ chốt của các bộ tương ứng để trả lời nhà đầu tư trong vòng 72 giờ. Những trường hợp đặc biệt phức tạp sẽ chuyển lên cấp Quốc vụ khanh giải quyết trong vòng một tuần.    

Bên cạnh việc triển khai các biện pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, Chính phủ cũng bãi bỏ một số quy định cũ nhằm tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh. Cục Chính sách và Xúc tiến công nghiệp Ấn Độ (DIPP) đã công bố 25 lĩnh vực được tiến hành đơn giản hóa thủ tục và cải thiện môi trường kinh doanh trong đó có linh kiện ô tô, hàng không, công nghệ sinh học, hóa chất, điện tử, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, giầy da, dầu mỏ, khai thác mỏ, phát triển đường bộ, đường cao tốc...   

Sáng kiến “Make in India” cũng nhằm mục đích phát triển những công ty trong nước đi đầu trong phát minh và công nghệ mới thành những đối thủ cạnh tranh toàn cầu; đồng thời khuyến khích các công ty áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường và trở thành một phần quan trọng của “chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu”.

Xóa bỏ các rào cản

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã xếp Ấn Độ là quốc gia nghèo thứ 134 trong số 189 nền kinh tế trong báo cáo hoạt động kinh doanh (trong khi Trung Quốc xếp vị trí thứ 96) và môi trường cạnh tranh ở vị trí thứ 135.

Mặc dù, New Delhi đã nới lỏng các quy định đối với giới đầu tư nước ngoài, song các công ty nước ngoài có dự định triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh tại Ấn Độ vẫn phải vượt qua các luật lệ và quy định phức tạp về hoạt động kinh doanh và cơ chế thuế ngặt nghèo.   

Công ty cung cấp mạng di động Vodafone (Liên hiệp Vương quốc Anh) đang có sự bất đồng với Chính phủ Ấn Độ liên quan tới số tiền thuế lên tới 2,4 tỷ USD, trong khi nhà máy tại Ấn Độ của Công ty Nokia (Phần Lan) cũng phải đóng cửa do không tìm được tiếng nói chung với các cơ quan chức năng của Ấn Độ trong vấn đề thuế.

Các công ty Mỹ cũng không hài lòng với môi trường kinh doanh khó khăn ở Ấn Độ. Đầu tư của Mỹ vào Ấn Độ đã giảm mạnh từ 2 tỷ USD trong năm 2010 xuống còn 800 triệu USD trong năm 2013. 

Bên cạnh đó, mặc dù đã cam kết mở cửa các lĩnh vực bảo hiểm, quốc phòng và vận tải cho các nhà đầu tư nước ngoài, song Chính phủ Ấn Độ vẫn đóng cửa thị trường trong nước đối với các chuỗi siêu thị quốc tế như Wal-Mart, vốn đang nuôi hy vọng tiếp cận thị trường của quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.   

Cơ hội “chuyển mình” đang đến gần

Chủ trương thúc đẩy phát triển lĩnh vực sản xuất chế tạo của Chính phủ Ấn Độ diễn ra vào thời điểm khi nhiều doanh nghiệp toàn cầu đang tìm kiếm một địa bàn hoạt động thay thế cho Trung Quốc, đang bị cho là gia tăng chi phí và rủi ro. 

Chuyên gia kinh tế độc lập Anjan Roy nhận định, các nhà chế tạo toàn cầu có thể lựa chọn Ấn Độ là quốc gia tiếp nhận đầu tư thay thế Trung Quốc. Theo ông, Ấn Độ có một thị trường nội địa rộng lớn có nhu cầu cao đối với hàng nhập khẩu, do đó, bằng việc đẩy mạnh hoạt động chế tạo trong nước có thể giúp Ấn Độ khai thác tối đa lợi thế từ nhu cầu nội địa, thay thế hàng nhập khẩu.

Thủ tướng Modi nhấn mạnh, Ấn Độ đã hoạch định một lộ trình rõ ràng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8 - 9%/năm trong dài hạn.

Theo UNCTAD, kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 5,6% trong năm 2014, trong khi mức tăng của các nền kinh tế đang phát triển nói chung chỉ đạt khoảng 4,5 - 5%. UNCTAD cho rằng hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, chế tạo và dịch vụ  được cải thiện đã thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ lên 5,7% trong quý đầu của năm tài khóa 2014 - 2015 (đầu tháng 4 đến cuối tháng 6/2014), so với mức tăng 4,7% cùng kỳ tài khóa trước đó. Đây là mức tăng cao nhất trong 2,5 năm qua. 

Các nhà công nghiệp Ấn Độ đều đồng loạt hoan nghênh và ủng hộ sáng kiến “Make in India” của Chính phủ. Lãnh đạo các tập đoàn công nghiệp lớn của Ấn Độ như Reliance Industries, Tata Group, Aditya Birla Group cho rằng sáng kiến “Make in India” sẽ tạo lực đẩy tối cần thiết trong lĩnh vực chế tạo. Ông Cyrus Mistry, Chủ tịch Tập đoàn Tata Sons gọi sáng kiến “Make in India” là cơ hội để Chính phủ và doanh nghiệp đồng hành cùng nhau trong việc phát triển lĩnh vực công nghiệp của Ấn Độ. Giấc mơ của Ấn Độ trong việc tham gia sâu hơn và ở bậc cao hơn trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu sẽ trở thành hiện thực nếu vượt qua được một số thách thức. Giám đốc điều hành của Tập đoàn Maruti Suzuki India, ông Kenichi Ayukawa, khẳng định Ấn Độ có tiềm năng trở thành “nhà chế tạo” ô tô lớn nhất thế giới. Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Reliance Industries, ông Mukesh Ambani, cho rằng sáng kiến “Make in India” sẽ tạo ra sự đổi thay thực sự trong lĩnh vực chế tạo của Ấn Độ và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Việc Thủ tướng Modi phát động chiến dịch “Make in India” ngay trước chuyến thăm Mỹ đã thể hiện rõ chính sách và quyết tâm của Chính phủ trong việc thu hút đầu tư FDI để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cựu Đại sứ Ấn Độ ở Washington, ông Lalit Mansingh, tỏ ý lạc quan rằng chuyến công du của Thủ tướng Modi tới Mỹ sẽ giúp cho quan hệ giữa hai nước bước sang một thời kỳ mới. Ông cho biết, trước đây, giới doanh nghiệp Mỹ rất bất mãn với các chính sách của Chính phủ Ấn Độ do các quyết định không được thực thi, tiến trình cải cách bị đình trệ và môi trường đầu tư thiếu thân thiện. Chính vì vậy, trong chuyến đi Mỹ lần này, Thủ tướng Modi sẽ giới thiệu một Ấn Độ hoàn toàn mới với giới doanh nghiệp Mỹ. Tại New York, ông Modi sẽ gặp những người đứng đầu các tập đoàn lớn của Mỹ như Goldman Sachs, Pepsi và Boeing để tìm cách thuyết phục giới đầu tư rằng Ấn Độ đang chuyển hóa thành một điểm đến thân thiện với các nhà kinh doanh toàn cầu. 

“Make in India” là chiến dịch vì sự phát triển hiện tại và tương lai của Ấn Độ. Đã từng thành công với cuộc “Cách mạng xanh” đem lại bước phát triển nhảy vọt cho nền nông nghiệp, với “Make in India”, Ấn Độ một lần nữa sẽ nỗ lực tối đa để đưa đất nước trở thành một “trung tâm chế tạo” toàn cầu.


Đình Bách - Theo Thông tin Tài chính số 20 kỳ 2 tháng 10/2014