Mạnh tay với chậm trả sổ đỏ

Theo Minh Sơn/thoibaokinhdoanh.vn

Việc các chủ đầu tư chậm trả giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) cho khách hàng đã có chế tài nhưng chưa đủ mạnh. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 (thay thế Nghị định 102/2014/NĐ-CP), quy định nếu chủ đầu tư chậm 12 tháng trở lên có thể bị xử phạt lên tới 1 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tình trạng nhiều dự án chung cư mặc dù người dân đã về ở được mấy năm nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện sổ đỏ gây bức xúc trong cư dân, tác động không tốt đến niềm tin của khách hàng.

Nhiều dự án bùng nhùng

Câu chuyện người dân căng băng rôn phản đối chủ đầu tư đã nhận 95% tiền giá trị mua nhà, người dân cũng đã về ở được từ 3-5 năm nhưng chưa có sổ đỏ không còn hiếm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Vướng mắc này hiện nay vẫn chưa được tháo gỡ.

Đơn cử như dự án chung cư Westa nằm trong khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông (Hà Nội) đã được bàn giao và đi vào hoạt động 5 năm nay nhưng không được làm sổ. Nguyên nhân, theo phản ánh của một số cư dân, chủ đầu tư vẫn đang thế chấp cả tòa nhà tại ngân hàng.

Tại khu chung cư AZ Vân Canh Towers CT1, cư dân đã nhận bàn giao nhà và vào ở ổn định từ tháng 6/2016 đến nay, đã thành lập Ban quản trị (BQT) và được UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) công nhận. Mặc dù cư dân đã làm hồ sơ và có nguyện vọng nộp trước bạ để được cấp sổ đỏ từ năm 2017 nhưng đã bị trả lại với lý do chưa nhận được hồ sơ của chủ đầu tư (CTCP Bất động sản AZ). Cư dân có làm thắc mắc thì chủ đầu tư trả lời là do khu chung cư có 4 tòa nhưng mới làm xong 2 tòa nên chưa đủ điều kiện để làm sổ.

Trước đó, hàng trăm cư dân khu đô thị Đoàn Ngoại giao ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã nhiều lần xuống đường để phản ánh bức xúc trước những bất cập của khu đô thị do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư.

Người dân cho biết nhận nhà về ở đến nay đã mấy năm, nhưng căn hộ mà họ bỏ ra vài tỷ đồng để mua vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Tương tự, cư dân ở tòa B, Hòa Bình Green City bức xúc khi đã 3 năm về ở nhưng chưa được chủ đầu tư thực hiện cấp sổ. Chủ đầu tư thì hứa hết lần này đến lần khác và luôn trả lời rằng “đang tích cực làm”…

Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế và môi trường, cho biết việc mua bán nhà giữa chủ đầu tư và khách hàng hợp pháp, khách hàng đã thanh toán đủ số tiền mua nhà thì hoàn toàn có quyền được cấp sổ đỏ.

Cư dân bức xúc vì chủ đầu tư chậm hoàn thiện làm sổ đỏ
Cư dân bức xúc vì chủ đầu tư chậm hoàn thiện làm sổ đỏ
 

Thực thi nghiêm chế tài

Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tại quy định tại khoản 7 Điều 26 Luật Nhà ở năm 2014 và khoản 4 Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014: “Trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà cho người mua, chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người mua trừ trường hợp người mua tự nguyện đi làm thủ tục đề nghị cấp sổ đỏ”.

Tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp sổ đỏ, nếu quá thời hạn quy định, chủ đầu tư sẽ bị phạt từ 250-300 triệu đồng.

“Như vậy, luật đã quy định chế tài nghiêm khắc đối với chủ đầu tư khi chủ đầu tư không làm thủ tục với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để cấp sổ đỏ cho người dân”, ông Hưng nhấn mạnh.

Đặc biệt, kể từ ngày 5/1/2020, mức xử phạt về chậm làm sổ đỏ được quy định cụ thể tại Điều 31 Nghị định số 91/2019/NĐ- CP ngày 19/11/2019 (thay thế Nghị định số 102/2014/ NĐ-CP ngày 10/11/2014) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, người vi phạm là chủ đầu tư nếu chậm 12 tháng trở lên có thể bị xử phạt lên tới 1 tỷ đồng.

Để giúp người dân mua nhà tránh khỏi các dự án chậm trả sổ đỏ, luật sư Nguyễn Hồng Bách tư vấn: trước khi mua căn hộ chung cư, người mua nhà nên cân nhắc thật kỹ lưỡng, khảo sát thông tin từ những người đang sinh sống hoặc đã mua nhà ở dự án đó (nếu dự án đã đưa vào sử dụng), thậm chí có thể nghe tư vấn từ phía các chuyên gia, các luật sư để nắm rõ các quy định của pháp luật trước khi quyết định mua căn hộ.

Khách hàng cũng có thể kiểm tra ngay trên hệ thống mạng internet để xem dự án này thế nào, tính thanh khoản ra sao và giá cả để tránh bị hớ.

Đặc biệt, khách hàng cần gặp trực tiếp chủ đầu tư hoặc đơn vị được chủ đầu tư ủy quyền để hỏi và nắm bắt về thông tin dự án cũng như các giấy tờ về mặt pháp lý của dự án, về tiến độ của dự án và các vấn đề khác.

“Người mua nhà cũng nên lựa chọn các chủ đầu tư có uy tín về năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai dự án; đồng thời thực hiện giao dịch trực tiếp với chủ đầu tư và các giao dịch này nên được thực hiện tại Văn phòng công chứng để hạn chế các rủi ro có thể xảy ra”, luật sư Nguyễn Hồng Bách chia sẻ.